Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,562
Việc tăng thời gian nghỉ ngơi giúp người lao động tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, con cái và tạo được sự công bằng cho người lao động ở khối nhà nước và doanh nghiệp
Nhiều mô hình và cách làm hay của nhiều doanh nghiệp (DN) giúp người lao động (NLĐ) có thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hiệu quả vẫn bảo đảm.
Ưu đãi công nhân là một lợi thế cạnh tranh
Nhiều năm nay, Công ty TNHH New Việt Nam (KCN Amata; TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho công nhân (CN) được nghỉ làm vào 2 ngày thứ bảy trong tháng mà vẫn được hưởng nguyên lương. Chính sách này của công ty nhận được sự đồng tình cao từ phía NLĐ, giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình. Không những thế, nhờ cách làm này mà thời gian qua, việc tuyển dụng lao động của công ty rất thuận lợi. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH New Việt Nam, cho biết: "Chỉ trong những trường hợp đột xuất như đơn hàng gấp, công ty mới huy động thêm NLĐ làm việc vào ngày thứ bảy. Tuy nhiên, nếu làm vào ngày thứ bảy là ngày lẽ ra được nghỉ, NLĐ sẽ được công ty trả lương gấp đôi so với ngày làm việc bình thường".
Công nhân Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai đọc báo, uống sữa tại phòng thư giãn
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, rất nhiều DN giảm giờ làm cho NLĐ mà năng suất, chất lượng hiệu quả vẫn bảo đảm, thậm chí còn tăng lên như: Công ty TNHH Olympus Việt Nam (KCN Long Thành, huyện Long Thành) cho NLĐ nghỉ 3 ngày thứ bảy/tháng, Công TNHH Grobest Việt Nam (KCN Biên Hòa) cho NLĐ nghỉ nửa ngày thứ bảy/tuần… Một cán bộ nhân sự của một công ty chuyên sản xuất hàng dệt may tại KCN Amata cho biết: "Trong thời buổi cạnh tranh lao động gay gắt như hiện nay, những DN cho CN nghỉ làm vào ngày thứ bảy vẫn hưởng nguyên lương có lợi thế rất lớn. NLĐ thường chọn những công ty đó để nộp đơn xin việc, còn những DN làm cả 4 ngày thứ bảy trong tháng rất khó khăn trong khâu tuyển dụng".
Trong khi đó, tại nhà máy sản xuất của Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), nhiều năm nay, ban lãnh đạo công ty và CĐ đã quan tâm xây dựng một phòng thư giãn để NLĐ được nghỉ ngơi thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. Phòng thư giãn này được bố trí ghế salon, có tủ lạnh đựng nước suối, nước ngọt, sữa tươi, nước yến, phục vụ miễn phí cho NLĐ. Vào những giờ nghỉ giải lao, CN lại vào phòng này đọc sách báo, uống nước, sữa...
Cần thời gian chăm sóc gia đình
Ủng hộ đề xuất giảm giờ làm cho NLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), cho rằng với những CN lao động phổ thông, ngày làm 8 giờ, cộng với tăng ca, khi về đến nhà rất mệt mỏi. Nhiều CN độc thân chỉ ăn uống qua loa, tắm rửa rồi đóng cửa đi ngủ, không tham gia bất kỳ sinh hoạt văn hóa, thể thao hay giao lưu gì với bạn bè. Có những nữ CN vì phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi nên dù lớn tuổi vẫn chưa thể lập gia đình. Thời giờ nghỉ ngơi hạn chế nên đời sống tinh thần của NLĐ cũng không có gì phong phú, thậm chí là nhàm chán.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Chung, CN Công ty TNHH Jangsu Jingmeng (KCN Amata, TP Biên Hòa), cho biết nếu được nghỉ thêm vài ngày trong năm, chị mong muốn được nghỉ vào dịp 2-9 hoặc Tết nguyên đán để có thêm thời gian ở bên cạnh gia đình, người thân. "Đặc biệt, dịp Tết nguyên đán, hầu hết CN chúng tôi đều có quê xa, việc đi lại từ Đồng Nai về quê cũng đã mất vài ngày. Về đến nhà chưa kịp đi thăm hỏi họ hàng thì đã đến thời hạn, phải quay lại công ty nên rất buồn" - chị Chung bày tỏ. Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐ Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2), việc tạo điều kiện cho NLĐ nghỉ ngơi sẽ giúp DN hưởng lợi, bởi nếu được tái tạo sức lao động, NLĐ sẽ phấn khởi hơn, năng suất lao động cũng sẽ được cải thiện. "Trong khi NLĐ khối nhà nước chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần thì việc NLĐ ở khối DN phải làm việc 48 giờ/tuần là chưa hợp lý. Theo tôi, việc xây dựng chính sách cần bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng" - ông Phúc góp ý.
Hiện tại số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Trong khi đó, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước lại trải dài theo hình chữ S nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết" - Ông NGỌ DUY HIỂU (Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam)
Bài và ảnh: TÙNG LÂM
Source: Theo nld.com.vn
Please sign in to perform this function