Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 6,663
Pháp luật luôn tôn trọng thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật thừa nhận. Sau đây là một số thỏa thuận trái luật mà người lao động nên biết trước khi đặt bút ký.
Theo Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019, cả người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Căn cứ Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ bắt buộc phải tham gia BHXH.
Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH nhưng các bên thỏa thuận không đóng bảo hiểm thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
* Người lao động:
- Bị phạt về hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Mức phạt: 500.000 - 01 triệu đồng.
Căn cứ: Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
* Người sử dụng lao động:
- Bị phạt về hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia.
- Mức phạt: 12% - 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Căn cứ: Điểm c khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Do e ngại về việc “chảy máu chất xám” có một số công ty đã đề ra điều khoản yêu cầu người lao động không được làm thêm cho công ty khác.
Tuy nhiên, Điều 19 Bộ luật Lao động đã nêu rõ:
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, người lao động có quyền tự do ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, miễn sao đảm bảo thực hiện đầy đủ công việc đã thỏa thuận.
Chính vì vậy, việc yêu cầu người lao động không được làm thêm cho công ty khác là hoàn toàn vô lý, xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc của người lao động nên thỏa thuận này sẽ không được pháp luật công nhận.
Bắt nhân viên cam kết không làm thêm cho công ty khác có được không? (Ảnh minh họa)
Để hạn chế sự gián đoạn sản xuất kinh doanh do lao động nghỉ thai sản nên một số công ty đã yêu cầu người lao động ý cam kết không mang thai, sinh con trong những năm đầu làm việc.
Tuy nhiên, cam kết này đã vi phạm đến quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình của công dân được nêu tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12, sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11:
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con.
Do đó dù người lao động có đồng ý thì cam kết này cũng không có giá trị pháp lý.
Mặt khác, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản.
Nếu cố tình vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Để hạn chế tình trạng nhân viên nhảy việc sau khi đã quen việc, nhiều công ty đã đề nghị người lao động ký cam kết làm việc dài hạn, thông thường là từ 03 - 05 năm và không được nghỉ việc trước hạn nếu không sẽ phải bồi thường.
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Trường hợp đã ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn mà không cần lý do, miễn sao đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước. Người lao động chỉ phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Như vậy, có thể thấy bản cam kết dài hạn đã xâm phạm đến quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động nên dù người lao động có ký thì thỏa thuận này cũng không được pháp luật công nhận.
Lưu ý: Nếu trong quá trình làm việc, người lao động được cử đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động, đồng thời các bên có cam kết về thời gian làm việc sau khi đi đào tạo về thì người lao động buộc phải tuân thủ cam kết.
Cam kết làm việc dài hạn, lỡ ký có sao không? (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền tự do chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 cũng nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Chính vì vậy, người sử dụng lao động không thể bắt người lao động cam kết không làm việc cho công ty đối thủ. Thậm chí, dù người lao động có ký thì thỏa thuận này cũng không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, nếu người lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người đó về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và vấn đề bồi thường khi vi phạm. Đây được xem là thỏa thuận hợp pháp.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: CareerViet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này