Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 15,867
Khi ứng tuyển một vị trí nào đó tại công ty khởi nghiệp (startup), có lẽ bạn thường tập trung vào các câu hỏi mà người phỏng vấn sắp đặt ra cho mình. Tuy nhiên ứng viên nên biết rằng bạn cũng cần tập trung vào một số câu tự hỏi chính mình như: Bản thân bạn đã sẵn sàng để tham gia guồng máy làm việc vất vả của công việc mới trong 5 năm tiếp theo chưa? Bạn tin tưởng vào sứ mệnh của công ty không? Bạn có thể sống nổi nếu phải nhận mức lương rất thấp hay không? Trong trường hợp kế hoạch chuyển công ty thành công, những cơ hội mà công việc mới mang đến cho bạn trong tương lai là gì?
Tiếp tục chuỗi bài viết “LÀM THẾ NÀO”, hãy cùng CareerViet.vn tham khảo một số thông tin mà mọi ứng viên đều nên cân nhắc thấu đáo trước khi muốn gia nhập một công ty khởi nghiệp nhé! Lưu ý nhỏ, các câu hỏi dưới đây được xem xét dưới góc nhìn chuyên cho người làm lĩnh vực kinh doanh hơn là kỹ thuật và thiết kế.
Bạn tin vào sứ mệnh của công ty và sẵn sàng làm việc hết mình vì nó trong 5 năm tới?
Đó nên là điều đầu tiên bạn tự vấn chính mình. Nếu câu trả lời là “không” với cả hai vế thì chắc hẳn đây không phải là công ty nên gia nhập. Mặc dù không phải mọi người đều sẽ được làm việc cho công ty họ thực sự tin tưởng, nhưng nếu bạn có kế hoạch làm cho một startup mà mình chưa có chút niềm tin hoặc không hứng thú với mức lương thấp thì thà rằng bạn cứ vào công ty khác to hơn với thu nhập cao hơn để làm một công việc không yêu thích.
Chỉ có một ngoại lệ cho trường hợp bạn không tin sứ mệnh công ty và không chắc mình có thể theo đuổi con đường vất vả này suốt 5 năm mà vẫn muốn gia nhập startup đó là khi bạn xác định mình đang trong giai đoạn học hỏi để thực hiện một kế hoạch mới (ví dụ như bắt đầu sự nghiệp riêng, thu hút tài trợ, thu hẹp quy mô hoặc dừng hợp tác…) Đồng thời, bạn biết mình đang có cơ hội được làm việc với những cá nhân hoặc nhóm đồng nghiệp sẵn lòng chỉ dạy, hướng dẫn tận tình mọi thứ.
Mọi người luôn tìm kiếm cơ hội để học hỏi thêm về chuyên môn, nên lời khuyên là các ứng viên nên tận dụng những dịp hiếm có khi bắt đầu sự nghiệp để trau dồi bản thân càng nhiều càng tốt. Nếu có cơ hội được làm việc với một “ngôi sao thực thụ”, như Mark Zuckerberg đang làm với Facebook, thì bất kể lĩnh vực là gì bạn cũng cứ hãy dấn thân!
Ai là người quản lý bạn?
Hầu hết mọi người đều tin rằng câu hỏi quan trọng hàng đầu khi cân nhắc có nên gia nhập startup hay không là biết được chúng ta sẽ báo cáo trực tiếp công việc cho ai. Đây là quan điểm đúng đắn. Nếu quản lý của bạn biết rõ những gì họ đang làm và giỏi chuyên môn, bạn sẽ có thể tăng tốc sự nghiệp nhanh hơn đến 2 hoặc thậm chí 5 năm. Làm việc cho người có tên tuổi được nể trọng trong ngành sẽ giúp bạn sớm được “hợp thức hoá”. Bạn có thể nhờ họ hướng dẫn công việc, đưa bạn cùng đến các sự kiện, giới thiệu bạn với mạng lưới quan hệ của họ… Xây dựng sự nghiệp là quãng đường rất dài. Thế nên, đừng bao giờ cảm thấy thiếu động lực nếu cấp trên trực tiếp chỉ hơn bạn một tuổi, hoặc thậm chí nhỏ hơn! Điều đó không đồng nghĩa rằng họ không biết những gì họ đang làm đâu nhé.
Bạn sẽ làm gì tại công ty khởi nghiệp đó?
Điều tiếp theo bạn nên suy nghĩ là vai trò của bạn sẽ như thế nào. Những mong đợi của công ty đối với bạn? Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì? Bạn sẽ làm gì trong ngày đầu tiên? Hiểu rõ về những trách nhiệm của mình tại công ty, sẽ giúp bạn đánh giá được xem bạn có thuộc về nơi đó không.
Bạn có cảm giác hoà hợp với các nhân viên công ty không?
Bạn đã từng gặp những nhân viên khác tại công ty chưa? Bạn có thích họ không? Họ có cảm tình với bạn không? Tất cả các câu hỏi này đều rất quan trọng, vì bạn đang chuẩn bị gieo mình vào môi trường hoàn toàn mới với những người này bên canh trong vài năm tới. Họ chính là đồng đội của bạn trong cuộc chiến mới, các bạn sẽ chia sẻ mọi chiến thắng lẫn tất cả các thất bại cùng nhau. Nếu không có cảm giác hoà hợp với những đồng nghiệp còn lại, có lẽ đây không phải là startup dành cho bạn. Ngược lại, thiện cảm và sự đồng lòng mà bạn nhìn thấy trong người đối diện cũng chứng minh cho sự phù hợp văn hoá doanh nghiệp.
Bạn hi vọng mức lương ra sao?
Những mong đợi sẽ khác nhau với các startup khác nhau. Quy tắc ngón tay cái khái quát nhất để trả lời câu hỏi này chính là vai trò của bạn có tạo ra doanh thu cho công ty hay không. Những người làm việc trực tiếp tạo ra doanh thu (ví dụ như Sale/ Business Development…) sẽ có mức thu nhập cao hơn nhóm còn lại (ví dụ như Hành chánh/ Nhân sự/ Marketing…), với khoảng cách khác biệt về lương cũng khá xa.
Về quyền chọn nhận cổ phần của công ty?
“Cổ phần công ty” là cụm từ hết sức quen thuộc và nổi tiếng! Đây là điều công ty thường không nói khi tuyển dụng bạn, trừ khi bạn là thành viên cốt cán từ buổi đầu. Thường các nhân viên sẽ không nhận được lợi ích nào đáng kể ở giai đoạn khởi động. Những khoảng tiền lớn này sẽ đến nếu bạn là người sáng lập hoặc tham gia các dự án startup có mức đầu tư khủng tiếp theo, những cơ hội này cũng chỉ xảy ra vài năm một lần. Nếu ai đó có suy nghĩ rằng gia nhập startup sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, có lẽ lựa chọn của bạn đã sai rồi!
Một trong những đặc quyền khi làm việc cho startup là được chia cổ phần. Tuỳ thuộc vào vai trò của bạn và tình trạng công ty, nhân viên không thuộc cấp quản lý thường sẽ được nhận tỷ lệ trong khoảng từ 0.05% - 0.3%. Vấn đề là bạn cần hiểu được giá trị thực sự của tỷ lệ này. Khi CEO nói rằng bạn nhận được 0.1% cổ phần công ty vẫn chưa có ý nghĩa gì nếu bạn chưa thực sự biết giá trị toàn bộ công ty là bao nhiêu.
Để xác định con số này bạn cần biết công ty trị giá bao nhiêu và số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nó giúp bạn đánh giá các quyền chọn. Một khi đã biết đủ thông tin, bạn có thể ước tính giá trị từng cổ phiếu trừ đi mức giá thực hiện (exercise price) nhân với với lượng cổ phiếu đang sở hữu và bạn nên đưa ra một mức giá cơ bản cho quyền chọn cổ phiếu của mình.
Một số công ty cho phép nhân viên có quyền mua cổ phiếu, vài công ty khác lại thưởng nhân viên một lượng cổ phiếu có giới hạn (restricted stock units – RSUs). Sự khác biệt của 2 lựa chọn này, hoặc là bạn được quyền mua cổ phiếu với mức giá ưu đãi, hoặc với RSUs có nghĩa là bạn được công ty tặng miễn phí một số lượng cổ phiếu nhất định.
Tình hình tài chính của công ty thế nào?
Câu hỏi này chỉ quan trọng trong trường hợp bạn muốn tìm ra công ty mình tham gia và nỗ lực đạt mục tiêu. Hãy cố gắng tìm hiểu kỹ càng xem nguồn lực tài chính của công ty đến từ đâu. Nếu cách đây khoảng 18 tháng công ty đã kêu gọi đầu tư được 1 triệu đô la và hiện không tạo ra được chút doanh thu nào, sẽ không phải là ý hay nếu bạn vẫn muốn gia nhập một công ty chỉ đang liên tục tiêu tiền thế này. Thậm chí ngay cả trong trường hợp bạn có thể tìm kiếm thông tin từ tin tức báo đài, nếu nghiêm túc muốn trở thành một thành viên thì hãy hỏi trực tiếp những người quản lý. Bảo đảm rằng mình hỏi rất rõ ràng về việc họ đã đi được bao xa rồi và liệu họ có nghĩ rằng sẽ cần tiếp tục kêu gọi đầu tư không. Đó là điều mà bất kỳ người thông minh nào cũng nên hỏi.
Nếu ai đó ở công ty cảm thấy bị công kích hay tổn thương bởi câu hỏi này thì đây là báo động đỏ nhắc bạn nên cảnh giác. Một người CEO hay nhà sáng lập tự tin và thoải mái thì nên vui khi được đặt ra những câu phỏng vấn như thế này và không mù quáng nhảy vào những thứ mình còn chưa biết.
Cuối cùng, hãy tự hỏi để biết yếu tố quan trọng nhất khi bạn đánh giá việc gia nhập một startup là gì?
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bạn thấy điều gì là quan trọng nhất? Nếu muốn giàu có hơn, có lẽ bạn sẽ làm tốt bằng cách trở thành người đồng sáng lập. Nếu muốn thúc đẩy sự nghiệp, có lẽ bạn nên tích cực làm việc để toả sáng như một ngôi sao và sẽ được công ty chắp cánh bay cao xa hơn. Tóm lại điều gì là quan trọng nhất sẽ phụ thuộc vào cách bạn đánh giá liệu bạn nên tham gia vào startup như thế nào.
(Nguồn hình: Internet)
Nguồn: Thụy Vũ
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này