Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 12,655
SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cũng có "sân chơi báo chí" của mình
Là "cơ quan ngôn luận" của trường, khoa, lớp. Là nơi để chia sẻ các thông tin hoạt động. Là nơi để rèn luyện các kỹ năng viết và trình bày vấn đề. Đặc biệt là môi trường để sinh viên tập dượt và rèn nghề trước khi thành nhà báo chuyên nghiệp... Đó là những tờ báo trường.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tờ Báo chí Trẻ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) có Tự nguyện. ĐH Giao thông vận tải là tên nội san của Trường ĐH giao thông vận tải, Dưới cờ truyền thống của Học viện An ninh, Người cảnh sát trẻ của Học viện Cảnh sát...
Đó được xem là “cơ quan ngôn luận” của trường, nơi truyền đạt những chủ trương, chính sách của nhà trường đến với cán bộ, SV đồng thời là nơi phản ánh các hoạt động đời sống của SV. Kinh phí thường là do nhà trường hỗ trợ hoặc đi xin tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp.
Các tờ báo trường này thường có định kỳ phát hành theo tháng hoặc quý. Vào những dịp đặc biệt như mùa tình nguyện, lễ tết, số trang sẽ tăng hoặc thêm các phụ bản.
Ngoài những nội san, bản tin còn có những ấn phẩm thơ văn, nhạc họa... của cán bộ, SV trong trường. Ví dụ như tập thơ “Giao thông - nỗi nhớ” của khoá 38 Trường ĐH Giao thông vận tải, tập thơ “Cơn mưa đầu hạ” của Lớp SP Ngữ văn K25 ĐH Quy Nhơn, Bình Định…
Những số thường chỉ in vài trăm bản. Ngoài việc phát về từng lớp, nhiều trường còn dán những ấn phẩm tại các bản tin của trường để sinh viên đọc.
Nhưng trong những dịp lễ tết hay kỷ niệm ngày thành lập trường thì số lượng in lớn hơn, có thể tới hàng ngàn bản để phát cho từng cán bộ, sinh viên, thậm chí để tặng các đại biểu và cựu sinh viên.
Thầy Hàn Xuân Trung, Phó trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: “Mỗi khi xuất bản nhà trường phát cho mỗi sinh viên một cuốn, các em rất thích, có khi chỉ để giới thiệu với bạn bè hoặc mang về nhà “khoe” với gia đình”.
Viết để rèn kỹ năng
Theo một cuộc khảo sát nho nhỏ, tại các khoa, trường "dính dáng" đến báo chí thì hầu hết các khâu để cho ra đời một tờ báo là do một tay SV làm, còn tại các trường khác tỉ lệ này vào khoảng 50%.
Việc làm báo trường thu hút khá nhiều SV yêu nghề viết, dù không học những ngành liên quan đến báo chí.
Phương Ngọc, lớp Cầu - Đường bộ A K38, ĐH Giao thông vận tải thổ lộ “Sinh viên nhiệm vụ chính là học tập nhưng nếu chỉ học thì buồn chán biết bao”. Cùng suy nghĩ ấy, nhiều bạn đã làm phong phú đời sống tinh thần của mình bằng các hoạt động phong trào văn hoá văn nghệ, trong đó có tham gia viết bài cho báo trường.
Đối với SV kinh tế, kỹ thuật, ngoài các thông tin về hoạt động của trường, họ cũng thường quan tâm đến thơ, truyện, hay những mẩu truyện hài hước tại các tờ báo trường. Ở một số tờ báo đôi khi còn xuất hiện những bài viết sắc sảo về chuyên môn của các SV như về CNTT, về tài chính... Đó cũng là mảng chủ đề mà những SV các khối này thường viết bài cộng tác cho báo trường.
"Sinh viên viết bài cho báo trường được rèn luyện khá nhiều. Ban biên tập có cách làm rất hiệu quả là hướng dẫn từ cách chọn đề tài lập kế hoạch viết…nên có thể những lần đầu không được đăng, nhưng qua một thời gian thì hiệu quả đạt được rất rõ”, anh Nguyễn Xuân Trường, trưởng ban biên tập nội san Dưới cờ truyền thống của Học viện An ninh cho hay.
Thực tế thì những SV hay quan tâm đến báo trường thì thường nắm bắt kịp thời những thông tin của trường và rèn luyện được một số kỹ năng viết lách. Thầy Hàn Xuân Trung, một thành viên trong ban biên tập báo trường của ĐH Giao thông vận tải cho rằng “SV tham gia viết bài cho báo sẽ dần hình thành một số kỹ năng, phục vụ cho việc viết báo cáo, luận văn…”.
Thực hành để luyện nghề
Với SV báo chí và một số ngành xã hội thì viết báo là công việc phù hợp và ít nhiều phục vụ cho công việc của họ sau khi ra trường.
Tại khoa Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), mỗi lớp có một tờ báo, như tờ Vào nghề của K44 trước đây, tờ News của K46, tờ Khám phá của K48… Mọi việc từ viết bài, biên tập, liên hệ in ấn… đều do các thành viên trong lớp thực hiện. Có khi số lượng in rất nhỏ, sau đó đem photo phát cho các thành viên.
Tự nguyện là nội san của trường, đây được coi là “mảnh đất thực hành” với sinh viên báo chí, ngôn ngữ và văn học. Những cây bút chủ đạo của Tự nguyện là Phan Kiền K49 Báo chí, Lại Văn Hạnh K48 Đông phương học, Phạm Quỳnh Trang K49 Văn học…
Phan Kiền, thành viên tích cực nhất của Tự nguyện nhận định: ”Sinh viên báo chí hiện nay phải tự “bơi” nhiều nên báo trường là một nơi tốt để thể hiện, rèn luyện mình”.
Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì có hẳn một toà soạn mang tên Báo chí Trẻ. Đây là một ấn phẩm báo chí được Bộ VHTT cấp phép xuất bản, có Tổng biên tập và phó TBT là những giảng viên trong khoa. Tất cả các khâu như lập kế hoạch, triển khai viết, biên tập, thiết kế, trình bày, trực in, phát hành… đều do sinh viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên.
Mục tiêu của Báo chí Trẻ là tạo ra môi trường đào tạo nghiệp vụ báo chí cho sinh viên trường báo. Thầy Hà Huy Phượng, Phó TBT thường trực của tờ báo ví một cách hình tượng rằng: “Đây là môi trường tốt để sinh viên “tập bơi” trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp”. Theo thầy Phượng, những sinh viên tham gia làm Báo chí Trẻ khi tốt nghiệp ra trường nhập cuộc nhanh chóng tại các toà soạn.
Thường thì chỉ có SV năm nhất và năm hai là hào hứng với báo trường. Những SV năm cuối có vẻ không còn "mặn mà” với việc này vì họ muốn “bơi” ở những môi trường lớn hơn. Bởi khi đó SV đã có thể viết và đăng ở những tờ báo lớn. Và một phần còn vì viết cho báo trường thì chủ yếu là tự nguyện, không có nhuận bút nên các “nhà báo nhớn” ít hứng thú tham gia.
Dù mới chỉ là sân chơi cho những sinh viên đam mê nghề viết, nhưng ít nhiều những tờ báo trường cũng làm được hai nhiệm vụ chính của mình là cập nhật thông tin xã hội, nhà trường và là nơi “rèn nghề” cho những cây bút trẻ. Và, chẳng lạ nếu có ngày lật giở những tờ báo trường, bắt gặp nhiều bài viết ngô nghê của những nhà báo thành danh sau này.
Nguồn: Theo VietNamNet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này