Thử việc là giai đoạn hết sức “nhạy cảm” bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến bạn “mất điểm” và đánh mất cơ hội được
tuyển dụng chính thức.
Để giúp bạn vượt qua giai đoạn quan trọng này, các chuyên gia nghề nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên sau:
Hãy tích cực, kiên trì hoàn thành các nhiệm vụ được giao và thể hiện sự gắn bó với công việc/công ty. Hay nói cách khác, hãy làm việc giống như bạn đã là nhân viên chính thức để mọi người thấy rằng bạn là một phần không thể thiếu trong công ty.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên tự đặt áp lực nặng cho bản thân, rằng mình phải làm việc gấp 5 - 10 lần người khác, bởi bạn có thể “sống sót” qua giai đoạn thử việc nhưng lại kiệt sức sau đó.
Hãy cân bằng bản thân bằng cách hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn và chỉ hứa những gì mình có thể thực hiện. Bạn hãy tự tin thể hiện khả năng của mình mà không tự mãn, tự kiêu. Chắc chắn sếp sẽ thấy được sự phù hợp của bạn với công ty.
Đáp ứng xuất sắc yêu cầu công việc
Có thể bạn được tuyển dụng nhờ vào tính cách đặc biệt hay lịch sử làm việc ấn tượng, nhưng nếu bạn không vượt qua những yêu cầu cơ bản của công việc, tất cả những điều đó sẽ trở thành vô nghĩa. Do vậy, bạn cần xác định kỳ vọng của nhà tuyển dụng ở mình và thỏa mãn điều họ muốn.
Bạn nên đọc lại bản miêu tả công việc và hỏi sếp để hiểu chính xác trách nhiệm của mình. Hãy "mài giũa" những kỹ năng cần thiết và sẵn sàng làm thêm giờ để tìm hiểu thêm về công việc. Bạn cũng phải linh hoạt và thể hiện tốt cả khi làm việc độc lập và làm việc theo nhóm. Đây chính là những yêu cầu cơ bản nhất đối với nhân viên trong giai đoạn thử việc.
Tìm hiểu về công ty
Sự hiểu biết về công ty sẽ giúp bạn quyết định mình có thật sự phù hợp với môi trường này hay không. Rất nhiều nhân viên đã phải nghỉ việc trước khi giai đoạn thử việc kết thúc vì cảm thấy không thể thích ứng với công việc hoặc sếp.
Vì thế, hãy tận dụng thời gian thử việc để tìm hiểu rõ hơn về nội bộ công ty: những sản phẩm/dịch vụ, tình hình tài chính, các phòng ban, cơ hội thăng tiến... Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới những chính sách của công ty liên quan tới mình như quy định về trang phục, thời gian giải lao, nghỉ ăn trưa và cả những nguyên tắc "bất thành văn" khác trong văn phòng. Trong quá trình tìm hiểu, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho sếp, đồng nghiệp để họ thấy được sự quan tâm và nhiệt tình của bạn.
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp
Hãy cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiết và chuyên nghiệp với sếp trực tiếp của bạn. Luôn luôn chào hỏi và tập trung lắng nghe khi sếp nói chuyện với bạn. Hơn nữa, đừng ngại hỏi sếp về công việc hay một nhiệm vụ bạn chưa rõ. Giả vờ như mình hiểu hết tất cả sẽ chỉ mang lại thêm phiền toái cho bạn.
Bạn cũng nên hỏi xin lời khuyên từ sếp để cải thiện và phát triển khả năng của mình. Điều này còn chứng tỏ với sếp rằng bạn thật sự quan tâm và không ngừng nâng cao bản thân. Nếu tình cờ gặp sếp ngoài công sở hay ngoài giờ làm việc, đừng ngại bắt chuyện với sếp và nói về những chủ đề không liên quan tới công việc. Đây là cách hai bên hiểu nhau rõ hơn.
Hòa hợp với đồng nghiệp
Bạn có thể là một nhân viên xuất sắc trong công việc, nhưng nếu không có mối quan hệ hòa hợp với đồng nghiệp, thật khó để bạn được giữ lại sau giai đoạn thử việc, bởi ý kiến của đồng nghiệp góp phần không nhỏ để cấp trên quyết định chuyện ra đi hay ở lại của bạn.
Vì thế, hãy cố gắng phát triển mối quan hệ thân thiết, tích cực với đồng nghiệp. Hãy cởi mở, khiêm tốn khi chào hỏi và nói chuyện với họ. Nếu một đồng nghiệp cần đến sự trợ giúp của bạn, hãy ủng hộ anh/cô ấy. Còn nếu có người cố tình cản trở công việc của bạn, không thân thiện, tỏ ý coi thường bạn, hãy giữ lịch sự và tập trung vào những đồng nghiệp tốt bụng hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham gia các hoạt động ngoài công sở với đồng nghiệp, như ăn liên hoan, đi hát karaoke... Chúng sẽ giúp một người mới như bạn dễ làm thân với mọi người hơn.
Thể hiện sự chuyên nghiệp
Nhân viên thử việc không nhất thiết phải mắc một "lỗi chính thức" mới bị cho thôi việc. Những lý do đơn giản như đi làm muộn, nghỉ ăn trưa quá lâu, ăn mặc xuề xòa, thường xuyên gọi điện nghỉ ốm... cũng có thể khiến bạn đánh mất cơ hội của mình. Vì thế, đừng cho nhà tuyển dụng lý do để sa thải bạn bằng cách thể hiện sự chuyên nghiệp và tích cực.