Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 29,528
Dù vẫn phải lên văn phòng hay đang WFH, bạn vẫn cảm thấy sợ hãi mỗi thứ 2. Bạn thấy ớn và chỉ muốn nghỉ việc, nhưng không thể vì biết rõ rất khó kiếm việc mới trong đại dịch. Với một chút nỗ lực và tìm tòi, CareerViet tin là bạn có thể tiếp thêm sinh lực cho công việc hiện tại.
Để có thể xoay chuyển tình hình, trước hết, bạn cần nhìn lại: điều gì khiến bạn không còn hứng thú với công việc hiện nay. Biết được lý do, bạn có thể tìm ra hướng giải quyết, từ giải tỏa về mặt tâm lý cho đến hành động thực sự.
Lý do dẫn đến việc không còn hứng thú với công việc
1. Bạn cảm thấy bế tắc
Bạn không thấy một cánh cửa tươi sáng nào cho việc thăng tiến từ vị trí hiện tại? Từ công việc đang làm, bạn nhìn quanh và không thấy có thể phấn đấu lên một vị trí nào tốt hơn.
Có thể từ góc nhìn của bạn, cơ hội ít hơn so với thực tế. Các lãnh đạo cấp cao mới là người biết những vị trí đang “mở” trong tương lai. Hãy chia sẻ với lãnh đạo điều bạn băn khoăn và hỏi về cơ hội thử một vị trí mới đồng cấp với các nhiệm vụ và kỹ năng rộng mở hơn, thú vị hơn. Hầu hết các nơi làm việc đều coi trọng nhân sự chủ động học hỏi và phát triển, và coi đây là nguồn nhân sự dự khuyết cho các vị trí cao hơn. Bởi người càng nhiều trải nghiệm đa dạng và thực tế, sẽ càng có cái nhìn bao quát. Tuy nhiên, “con khóc mẹ mới cho bú” - sếp không thể biết nếu bạn không nói.
2. Bạn cảm thấy không được đánh giá đúng mức
Bạn làm việc chăm chỉ mỗi ngày, nhưng sếp và công ty không công nhận nỗ lực của bạn.
Hãy hỏi sếp xem họ nhìn nhận như thế nào về đóng góp của bạn. Hãy cởi mở rằng bạn muốn nhận được phản hồi thường xuyên, cả tốt và xấu để có thể cải thiện. Nếu cần, hãy chủ động đề xuất một cuộc họp.
Đôi khi, cảm giác không được đánh giá cao liên quan đến thu nhập hiện tại. Nếu cảm thấy lương đang không tương xứng với khối lượng công việc và thị trường lao động, hãy trao đổi với sếp về nhu cầu tăng lương hoặc thưởng. CareerViet đã có bài viết hướng dẫn cụ thể cho vấn đề nhạy cảm này.
3. Bạn cảm thấy kiệt sức
Dịch bệnh làm chi phí tăng, một số nhà quản lý đã cắt giảm việc tuyển dụng với mong đợi rằng đội ngũ sẵn có sẽ làm được nhiều việc hơn.
Bạn sẽ phải mất một chút thời gian để lên sơ đồ quy trình làm việc của bạn và thời gian bị lãng phí cho những việc gì. Công việc nào bị lặp? Công việc nào không để giải quyết vấn đề gì? Thao tác nào khiến công việc trở nên khó khăn và mất thời giờ hơn?
Sau khi thu thập dữ liệu và bằng chứng tốt cho thấy công việc bạn đang làm thực sự là quá tải đối với một nhân viên, hãy đề xuất với sếp các khả năng:
- Thuê thêm nhân viên.
- Thuê nhân viên bán thời gian hoặc nhân viên thực tập.
- Tái cấu trúc: giữ lại các nhiệm vụ thực sự mang lại giá trị gia tăng, bỏ bớt các việc không quan trọng.
Cảm thấy kiệt sức trong công việc
4. Bạn không thích đồng nghiệp hoặc khách hàng
Có thể bạn thích công việc của mình nhưng không thích đồng nghiệp hoặc khách hàng.
Hãy cân nhắc: liệu sự tiêu cực không xuất phát từ chính bạn mà thực sự là do người khác.
Liệu bạn có đặt ra một hình mẫu lý tưởng nào cho công việc không?
Ví dụ: Bạn nhiều lần bắt đầu ở một vị trí mới nhưng rồi nhanh chóng vỡ mộng? Nếu bạn lúc nào cũng mơ tưởng một công việc dễ dàng hoặc theo đúng cách thức mà bạn mong đợi, thì sự bất hạnh là do bạn tự tạo ra. Và chỉ có bạn mới thay đổi được cách nhìn về công việc để đánh giá nó khách quan hơn.
Nếu vấn đề của bạn là do người khác, hãy xem bạn có thể tự sửa chữa tình trạng này không? Ví dụ, nghe đồng nghiệp phàn nàn quá nhiều khiến tinh thần của bạn nhuốm màu tiêu cực; hãy ngừng tham dự những cuộc buôn chuyện. Nếu tập khách hàng của bạn không phù hợp, và bạn cũng không thay đổi được cách tiếp cận họ, thử đổi khách hàng với đồng nghiệp (dưới sự cho phép của lãnh đạo).
5. Bạn không chịu nổi sếp
Đây là một trong những lý do hàng đầu khiến mọi người rời bỏ công việc. Nhất là với các quản lý xấu tính, bóc lột hoặc kiểm soát quá mức. Tuy nhiên, cũng có một số hành động thiếu trách nhiệm của lãnh đạo có thể khiến nhân viên bỏ đi.
Bao gồm mấy điều “Không” sau:
- Không hướng dẫn
- Không để nhân viên tham gia vào các dự án
- Không nhìn nhận những đóng góp của nhân viên, cũng như giúp phát triển kiến thức, năng lực.
Nếu bạn gặp phải vị sếp như trên, hãy:
- Nói chuyện với họ về điều bạn băn khoăn. Nhiều vị sếp không nhận ra là mình đang thờ ơ.
- Nếu tình trạng khiến bạn nghĩ đến việc rời đi, bạn không có nhiều thứ để mất. Nên hãy nói chuyện thẳng với lãnh đạo cấp cao hơn hoặc bộ phận Nhân sự để xem liệu họ có thể khắc phục tình hình hay không.
- Chuyển đến một bộ phận khác. Cố gắng tránh khỏi tầm ảnh hưởng của sếp cũ.
6. Bạn không thích lĩnh vực đang làm
Đây chính là vấn đề đòi hỏi một cuộc cải tổ. Đôi khi, chúng ta phát hiện ra rằng mình đã chọn sai nghề nghiệp hoặc lĩnh vực làm việc. Sai từ hoạt động cho đến nội dung công việc hàng ngày. Thậm chí dù bạn chuyển sang vị trí khác trong công ty, thì vẫn thấy sai.
Ví dụ: Khi trở thành giáo viên, bạn nhận ra bạn chỉ thích giao lưu, hướng dẫn người khác, còn việc phải thi đua giáo viên giỏi, hoặc làm theo các nhiệm vụ của công đoàn nhà trường thì thực sự khó chịu. Vậy, bạn có thể chuyển sang làm chuyên viên đào tạo ở một tập đoàn.
Về cơ bản, nếu không thích công việc hoặc môi trường làm việc, hãy cân nhắc việc thay đổi hẳn. Có nghĩa là bạn phải chuẩn bị:
- Khoảng vài tháng đến 1 năm để khám phá các lựa chọn và nhu cầu của bản thân.
- Gặp gỡ, học hỏi từ những người đã làm việc trong các lĩnh vực bạn quan tâm.
- Xác định trình độ học vấn hoặc chứng chỉ cần thiết để chuyển đổi.
- Lập một kế hoạch cẩn thận với mục tiêu và thời gian rõ ràng.
- Tìm công việc theo lĩnh vực mới
- Viết đơn xin nghỉ việc và bước tiếp.
Điều mấu chốt
Nếu bạn vẫn còn thích điều gì đó ở công việc hiện tại, hãy cân nhắc xem bạn có thể làm gì để giải quyết những trở ngại. Có lẽ bạn có thể theo đuổi một vị trí khác trong công ty nếu mục tiêu của nó phù hợp với mong muốn, nhu cầu và giá trị của bạn.
Công việc tốt luôn khó tìm. Đừng quyết định vội vàng trước khi tìm ra một cánh cửa mới. Tất nhiên, cũng có những tình huống xứng đáng để dứt áo ra đi.
Nguồn: CareerViet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này