Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 13,413
Trong giờ hành chính, nếu bạn mở nick chat của mình lên thì đừng ngạc nhiên thấy bạn bè, hay thậm chí các đồng nghiệp cơ quan mình "sáng choang" trên Yahoo Messenger và chưa kịp để bạn định thần, họ đã nhảy vào "buzz" nick bạn để rồi tán gẫu những câu chuyện đôi khi không đầu không cuối.
Bước vào một văn phòng làm việc, có thể bạn sẽ bắt gặp tất cả các nhân viên cắm cúi trong bàn làm việc của mình nhưng không ai dám chắc tất cả họ đang hết mình vì công việc.
Vẫn tiếng gõ bàn phím lách cách, tiếng click chuột hối hả, ai cũng có vẻ tất bật, bận rộn nhưng thực ra trong số họ, nhiều người không hề làm việc và sự “bận rộn” của họ hiểu theo nghĩa vì một thú vui khác ngoài công việc mà chủ yếu là chat qua mạng… Điều đó cũng có nghĩa là: đừng bao giờ đánh giá hiệu quả làm việc của một văn phòng, một công ty nếu chỉ nhìn vào sự bận rộn của nhân viên nơi đó.
Mấy hôm nay, Yahoo Messenger chập chờn lúc on lúc off khiến Khánh, một nhân viên văn phòng cảm thấy rất bực mình. Với Khánh, động tác đầu tiên đến công ty là bật máy tính, mở Yahoo đọc tin nhắn offline sau đó lia nhanh vào những cái nick đang sáng đèn. Trong giờ làm việc, ngoài những lần chat với đối tác thì việc chính của Khánh vẫn là tán gẫu với bạn bè cũng đang làm ngồi ở các cơ quan khác. Là nhân viên kinh doanh, đặc thù công việc là tìm kiếm, gặp gỡ và trò chuyện cùng khách hàng nên dù biết Khánh đang làm việc riêng nhưng sếp của anh vẫn chẳng thể làm gì được ngoài chuyện theo dõi thật sát doanh thu của Khánh cuối tháng để có cớ phê bình.
Khánh thú nhận: "Nhiều khi chẳng có chuyện gì quan trọng, thậm chí là những vấn đề tầm phào, khi thì đứa bạn gửi cho những mẫu chuyện cười, chia sẻ trang web..., nói chung là chẳng liên quan gì đến công việc chuyên môn cả. Biết là làm thế rất lãng phí thời gian, chẳng có ích lợi gì, lại ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trong mắt sếp nhưng giống như bị "nghiền" vậy, bỏ là không chịu được".
Vốn quen với cách quản lý lỏng lẻo ở công ty cũ nên Hằng cảm thấy không thể thở được trong một môi trường làm việc quy củ và khắt khe như ở công ty của Nhật này mà cô mới được tuyển dụng vào. Hằng là điển hình tiêu biểu cho hình mẫu nhân viên "nghiện" chat nặng. Ngày trước cô dành phần lớn thời gian cho việc mà theo chính cô cũng vô bổ và tốn thời gian này. Nhưng Hằng không thể dứt bỏ được thói quen đó, thậm chí cả khi đã rời cơ quan về nhà. Được cái sếp cũ của cô là người dễ tính, lại chẳng biết gì về chat chit, lại càng tạo "cơ hội" cho đám nhân viên như Hằng mặc sức tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp bất cứ khi nào họ muốn và bao lâu tùy thích, miễn là công việc đừng để bết bát quá. Vậy nên, ngày ngày Hằng cứ say sưa chát, chờ đến hạn phải hoàn thành công việc được giao lại cuống quýt cả lên, thức trắng đêm mà nhiều khi không kịp. Không ít lần lâm vào tình cảnh ấy nhưng Hằng tự rút kinh nghiệm rồi lại tự quên.
Ở công ty mới, lương cao, môi trường chuyên nghiệp, có máy tính cá nhân và đầy đủ điều kiện để Hằng làm việc. Đúng ra chẳng có chuyện gì để chê nhưng Hằng ngán nhất việc không được nối mạng để cô chat chit như trước nữa. Công ty Hằng đã dùng biện pháp kỹ thuật để chặn cổng kết nối của tất cả các phần mềm chat: Yahoo Messenger, MSN, Skype, AIM... đối với một số bộ phận như marketing, tài chính và những phòng không có nhu cầu liên lạc với khách hàng qua chat. Oái ăm thay, phòng của Hằng lại nằm một trong số đó.
Tán gẫu trên mạng (chat) qua các phần mềm nhắn tin nhanh (Instant Messenger) gần như là bài học nhập môn Internet của bất cứ ai. Đây là một kênh liên lạc rất thuận tiện và hữu ích. Tuy nhiên, khi từ tiệm Internet lan vào đến công sở thì tiện ích này trở thành một vị khách không mời mà đến và có vẻ không nhận được nhiều hoan nghênh cho lắm, đặc biệt là các lãnh đạo quản lý doanh nghiệp.
Một lãnh đạo thẳng thắn cho biết nếu thử làm một phép tính nho nhỏ, nếu mỗi ngày một nhân viên chỉ dành 1 giờ cho chat thôi, thì một năm đã phung phí tới... 286 giờ, tức hơn 30 ngày làm việc. Và đương nhiên, không một công ty nào có thể chấp nhận mỗi năm trả nguyên một tháng lương cho nhân viên để họ ngồi tán gẫu.
Có giám đốc doanh nghiệp lại lo ngại qua những dòng chat vô bổ ấy bí mật kinh doanh của công ty có thể bị rò rỉ một cách vô tình hay cố ý và gây ra những hậu quả mà khó ai có thể lường trước được.
Tuy nhiên, không ít nhà quản lý doanh nghiệp cũng phải công nhận việc sử dụng phần mềm tin nhắn, chat chit lại tiết kiệm cho họ những khoản phí lớn thay thế điện thoại khi giao dịch với các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, trong trường hợp này, những rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với khách hàng nước ngoài qua điện thoại, thì chat sẽ giải quyết được vấn đề vì dẫu sao đọc vẫn dễ hơn là nghe.
Bị nhân viên sử dụng để cắt xén thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng công việc nhưng ở một số công ty, chat vẫn được xem là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu, đắc lực trong nhiều trường hợp. Vậy mới biết cấm đoán đôi khi không phải là biện pháp duy nhất để tăng cường công tác quản lý, giám sát nhân viên mà quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo cần phát huy hơn nữa tính tự giác như một nét văn hóa cần thiết của mỗi doanh nghiệp.
Nguồn: Theo VTV
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này