Đây là một phần chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trước các diễn biến phức tạp mới của bệnh Covid-19 gây ra trong những ngày gần đây. Đặc biệt tình trạng dịch đang lan nhanh ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) tới thăm công tác phòng, chống Covid-19 tại doanh nghiệp ở Thái Nguyên.
Phương án hỗ trợ, cách ly lao động về nước
Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trì, phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước.
Đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.
Theo đó, Cục cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước đó.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Vụ Bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly. Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo và việc kết nối các giải pháp ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động.
Đồng thời, tính tới các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Xây dựng phương án cách ly nhiều người
Cục Việc làm chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ cũng yêu cầu Cục rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Cục cần thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Việc làm cần có phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc theo quy mô lao động: Dưới 100 người, từ 100 - 1.000 người, trên 2000 người…
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…
Có phương án chi trả chế độ hợp lý
Về lĩnh vực lao động tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo, Cục Quan hệ lao động và tiền lương khẩn trương xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xử lý trong trường hợp người lao động đình công, ngừng việc tập thể liên quan tới dịch bệnh Covid-19.
Đề xuất các phương án liên quan tới vấn đề chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian công bố dịch bệnh theo tại Bộ luật Lao động.
Xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp
Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng phương án để tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện thống nhất trong toàn quốc (thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhập học, kết thúc.
Tổng cục cần xây dựng các phương án xử lý trong trường hợp học sinh, sinh viên nhiễm bệnh khi đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy mô học sinh, sinh viên, như: Dưới 10 người, từ 10 - 100 người, trên 1.000 người...
Phòng chống lây nhiễm trong cơ sở
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo các Cục Người có công, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lây nhiễm trong hệ thống các trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.
Hoàn thành kịch bản ứng phó khi có đối tượng lây nhiễm trong các trung tâm, cơ sở theo quy mô đối tượng, như: Dưới 10 người, từ 10 - 50 người, trên 50 người...
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo.
Hoàng Mạnh