Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 12,516
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 sẽ chính thức mở màn với đợt thi đầu tiên từ ngày 3-7 cho khối A. Xung quanh kỳ thi này, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Bành Tiến Long - thứ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh 2008.
* Thưa thứ trưởng, rút kinh nghiệm từ kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, bộ sẽ có biện pháp gì để hạn chế những hiện tượng tiêu cực như đã từng xảy ra?
- Bộ sẽ siết chặt kỷ luật phòng thi, trường thi. Các trường sẽ tập huấn kỹ để quán triệt và tăng cường trách nhiệm của cán bộ coi thi, giám sát. Đồng thời có sự phối hợp với lực lượng công an địa phương giải tỏa những điểm nóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối xung quanh địa điểm thi.
Mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ - mùa lo lắng của các bậc phụ huynh. Trong ảnh: phụ huynh thí sinh Lan Hồng (Hàm Tân, Bình Thuận) đầy lo lắng khi đưa con về TP.HCM vào sáng 29-6. |
Đối với khâu ra đề, bộ đã lựa chọn kỹ càng đội ngũ này và trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ trước khi các thầy cô vào làm đề. Lãnh đạo bộ đã yêu cầu những người tham gia xây dựng đề thi trước hết phải quán triệt qui chế, qui trình và các văn bản hướng dẫn. Bộ sẽ qui trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai sót về cả nội dung lẫn hình thức đối với trưởng môn, các cán bộ ra đề và các cán bộ phản biện đề.
Để chuẩn bị kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh thành, Bộ Công an... cùng phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự các điểm thi. Có biện pháp quản lý, phòng ngừa ngăn chặn mọi hành vi vi phạm ở các khu vực thi. Kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực như: tung tin thất thiệt, phân phát đề thi giả, cướp giật đề thi đưa ra ngoài, ném tài liệu vào phòng thi, đe dọa giám thị...
* Thực tế từ các kỳ thi trước cho thấy điểm yếu nhất của công tác thi là coi thi. Vấn đề này sẽ được chấn chỉnh như thế nào?
Thứ trưởng Bành Tiến Long |
- Chúng tôi đặt lên hàng đầu yêu cầu tập huấn kỹ càng đối với đội ngũ thanh tra và cán bộ làm công tác thi để quán triệt qui chế. Trong đó phải nhấn mạnh sẽ qui trách nhiệm và xử lý nghiêm, kể cả đưa ra khỏi ngành hoặc truy tố trước pháp luật những cá nhân vi phạm qui chế hoặc để xảy ra tiêu cực, gian lận trong phạm vi công việc của mình, những cán bộ không làm hết trách nhiệm...
Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các hội đồng tuyển sinh cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ qui trình tổ chức thi, không được coi nhẹ bất cứ khâu nào. Bộ đã tập hợp các nội dung có liên quan đến công tác coi thi trong qui chế thành tài liệu phổ biến tại phòng thi. Đồng thời, khuyến khích các trường phát huy sáng kiến, kinh nghiệm để làm tốt khâu coi thi.
Bộ cũng đã thống kê các hình thức gian lận trong phòng thi thường xảy ra như quay cóp, trao đổi bài, thi kèm, thi hộ, bí mật dùng điện thoại di động liên hệ với bên ngoài để lưu ý cán bộ coi thi. Cán bộ coi thi ở ngày tập trung làm thủ tục đầu tiên đều phải nhắc nhở ngay thí sinh nếu đưa tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng, đều bị đình chỉ thi.
* Không ít ý kiến đánh giá rằng kỳ thi năm nay sẽ căng thẳng hơn, một mặt do lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng, một mặt từ tâm lý của thí sinh sợ chưa trúng tuyển, năm sau phải tham dự tuyển sinh ĐH, CĐ theo một phương thức khác?
- Nếu vì cho rằng kỳ thi năm nay có áp lực cạnh tranh cao hơn mà căng thẳng, lo lắng hơn thì thí sinh có thể tham khảo những thông tin này: tuy số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay có tăng 18% so với năm 2007 nhưng đó chủ yếu là sự gia tăng theo qui luật.
Hằng năm, tương ứng với sự phát triển của qui mô dân số, số HS tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT của cả nước tăng dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thường tăng khoảng 10-15%. Hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh được nộp trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi có kết quả thi, với tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT bình quân của cả nước xấp xỉ 76%, sẽ có một số lượng không ít thí sinh không tiếp tục tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mà chuyển hướng sang dự tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.
Các thí sinh khăn gói vào TP.HCM để dự thi (ảnh chụp tại ga Sài Gòn chiều 29-6) |
Mặt khác, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH tăng 12%, CĐ tăng 22,8% so với năm 2007. Như vậy dù số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng 18% như năm nay, áp lực cạnh tranh cũng không phải căng thẳng hơn những năm trước.
Còn về việc đổi mới thi và tuyển sinh, chủ trương chung đã được Chính phủ phê duyệt và Bộ GD-ĐT đã công bố công khai, rộng rãi từ các năm trước để thí sinh có sự chuẩn bị. Để thực hiện nhất định phải có một mốc thời gian nhất định nhưng đó không phải là một sự kiện bất ngờ. Hơn nữa, nếu đề án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia được phê duyệt và triển khai từ năm 2009, các thí sinh chưa trúng tuyển năm nay vẫn được tiếp tục tham dự xét tuyển vào ĐH bình thường. Trong đề án đã có phương án xét tuyển cụ thể đối với diện thí sinh tự do.
Không cắm chốt, chỉ tăng cường "lưu động" Đây là kỳ thi "ba chung" cuối cùng để chuyển sang thực hiện đề án đổi mới thi và tuyển sinh khác. Để đảm bảo mục tiêu thi nghiêm túc, khách quan, chủ trương của Bộ GD-ĐT là phát huy cao tính chủ động của các trường ĐH, CĐ. Về vấn đề này, ông Trần Bá Giao - phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - cho biết năm nay bộ sẽ không "cắm chốt" thanh tra bộ tại các hội đồng thi mà chỉ tập trung cử các đoàn thanh tra lưu động đi kiểm tra đột xuất. Bộ cũng không tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán của các trường ĐH, CĐ như trước mà các trường phải chủ động tổ chức tập huấn trên cơ sở tài liệu hướng dẫn do bộ ban hành. Bộ sẽ chỉ triển khai tập huấn cho cán bộ thanh tra thuộc các đoàn lưu động, gồm 19 đoàn thanh tra của bộ thanh tra thi ĐH và 11 đoàn thanh tra đợt thi CĐ. Ngoài ra, ban chỉ đạo thi cũng sẽ có ba đoàn kiểm tra đến các hội đồng thi khu vực Hà Nội. Từ ngày 2-7, các đoàn thanh tra lưu động bắt đầu làm nhiệm vụ đến hết ngày 17-7. |
Nguồn: Theo Tuổi Trẻ
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này