Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 18,273
Cốt lõi của bất cứ cuộc phỏng vấn nào giữa nhà tuyển dụng và ứng viên xin việc cũng chỉ là việc đạt được một thỏa thuận nào đó về nội dung công việc và mức lương dựa trên yêu cầu công việc, kiến thức cũng như khả năng làm việc của ứng viên.
Có nhiều kiểu thỏa thuận lương bổng, có ứng viên đồng ý ngay với mức mà nhà tuyển dụng đề nghị, có người lại "ngã giá" của mình trước khi nghe offer của nhà tuyển dụng. Nhưng có một điều mà nhiều ứng viên - đặc biệt là các ứng viên trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc - có thể chưa biết: một thỏa thuận "thông minh" với nhà tuyển dụng rất dễ làm ngân sách thu nhập của Bạn tăng lên vài ba lần.
Một cựu phó giám đốc của một hãng truyền thông danh tiếng tại Matxcơva đã làm một cú nhảy "ngoạn mục" sau khi thỏa thuận được một mức lương mới cao hơn mức cũ tới 3 lần. Mức lương của ứng viên này tại chỗ làm cũ là 1500USD, và sang chỗ mới mức lương đã vọt lên 5000USD. Và theo lời ứng viên này, một trong các nguyên nhân dẫn đến sự "nhảy vọt" trong vấn đề lương bổng chính là khả năng biết dẫn dắt cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng theo hướng có lợi cho mình.
Nói chung, những ứng viên chuyên sử dụng chiêu "đòn bẩy" trong các cuộc thương lượng mang tính chất "cơm áo gạo tiền" này thường là những ứng viên tương đối nặng ký. Họ biết rõ giá trị của họ trên thị trường lao động và nhiều khi còn "đỏng đảnh" làm giá với các nhà tuyển dụng. Và theo lời của Tổng Giám đốc công ty săn đầu người Egon Zehnder International tại Nga thì các cuộc thương lượng về lương bổng với các sếp cao cấp bao giờ cũng có lợi hơn nếu Bạn đàm phán với các sếp trung gian hay các giám đốc nhân sự. Điều này cũng dễ hiểu bởi phần lớn các ông chủ bao giờ cũng là những người biết "chọn mặt gửi vàng". Đối với họ thì sự khác biệt giữa 100 000$ và 200 000$ không có gì là ghê gớm cả, nhưng đối với người lao động thì quả là một sự khác biệt kinh khủng. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các ông chủ luôn luôn là các vấn đề về lợi nhuận, và họ thừa hiểu rằng nếu ứng viên là người có thể đem lại nguồn lợi nhuận lớn lao thì họ sẵn sàng "thả con săn sắt bắt con cá rô" ngay. Trong lúc đó thì các giám đốc nhân sự hay các cấp trưởng phòng chỉ luôn nghĩ đến những điều trong phạm vi quyền hạn của họ, nghĩa là nếu ngân sách chi cho tuyển dụng chỉ giới hạn trong mức X nào đó, họ chỉ dám đề nghị một mức lương dĩ nhiên nhỏ hơn X, và chắc chắn họ lại phải báo cáo xin ý kiến cấp trên nếu đòi hỏi về lương bổng của ứng viên có cao hơn mức X đó.
Trước khi quyết định đến một công ty nào đó để phỏng vấn, tốt nhất Bạn nên làm một cuộc điều tra nho nhỏ về nhà tuyển dụng mà Bạn đang muốn đầu quân vào. Bằng Internet, báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, Bạn có thể biết được khối điều về nhà tuyển dụng tương lai của Bạn, về quốc tịch, lĩnh vực hoạt động, tầm cỡ. Đối với nhiều nhà tuyển dụng, ứng viên mà họ ưa chuộng nhất chính là những người có khả năng diễn tả một cách cụ thể tường tận các vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm. Và nếu điều kiện cho phép, Bạn nên tìm hiểu về chế độ lương bổng cũng như mức lương được áp dụng cho các nhân viên đang làm việc tại đó. Điều này sẽ giúp Bạn tự tin hơn khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng về mức lương mà Bạn mong muốn.
Có nhiều ứng viên khi được hỏi về mức lương tại nơi làm cũ đã cố tình khai man lên thật cao nhằm "gỡ gạc" chút ít. Tuy nhiên, tại Nga thì chuyện này được coi là tương đối mạo hiểm đối với người lao động. Theo Luật lao động mới sửa đổi của LB Nga (điều 65) thì mọi kê khai về cá nhân trong SYLL của ứng viên phải hoàn toàn chính xác và trung thực. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra sự man trá trong hồ sơ ứng viên, ứng viên rất dễ có nguy cơ bị đuổi việc.
Và thêm một điều quan trọng nữa: Nếu Bạn đã "rao bán" mình với một giá quá "hời", có thể Bạn sẽ gặp nhiều chuyện rắc rối nếu như Bạn không chứng tỏ được khả năng của mình. Các ông chủ sẽ đòi hỏi ở Bạn rất nhiều, và nếu Bạn không thể đáp ứng được những mong đợi của ông chủ, việc ra đi là điều không tránh khỏi. Và cũng như mọi cuộc bán mua trong cuộc đời, người bán được món hàng với giá hời thì trong chốc lát có thể kiếm chác thêm được chút ít, kẻ khờ khạo trả giá hố cho món hàng kém chất lượng lại tắc lưỡi thở dài.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, tính khiêm tốn của ứng viên có thể giúp họ rất nhiều. Có nhiều khi một ứng viên nào đó đến công ty Bạn để phỏng vấn và đồng ý làm việc với một mức lương khiêm tốn, nhưng với một điều kiện là qua thời hạn thử việc thì mức lương phải thay đổi. Nhiều nhà tuyển dụng rất dễ dàng chấp nhận điều kiện này bởi đó là phương án tốt nhất để họ có thể biết rõ về khả năng làm việc của ứng viên. Và nếu như ứng viên quả thật là một người xuất sắc thì lúc này chuyện điều chỉnh lương bổng chỉ là một thủ tục mang tính chất hình thức nữa mà thôi. Bao giờ cũng vậy, "gái có công thì chồng chẳng phụ", chẳng có ông chủ bình thường nào lại nỡ trả lương thấp cho một nhân viên làm việc tốt bao giờ.
Có những trường hợp mà ứng viên khi đến nhận việc đồng ý với một mức lương x nào đó, và chỉ sau hai ba tháng thử việc, nhà tuyển dụng đã tăng lương cho ứng viên này tới hai lần. Và cũng có những trường hợp ứng viên được trả một mức lương rất cao nhưng sau một thời gian ngắn làm việc không thể chứng tỏ được khả năng của mình và điều không tránh khỏi là lại phải khăn áo ra đi. Và như vậy, điều quan trọng trong đàm phán lương bổng là Bạn phải xác định được những gì Bạn có thể làm được, những gì không thể làm được, và mức lương nào thì tương xứng với kiến thức và khả năng của Bạn. Đừng nên nóng vội hoặc tham lam khi nghĩ rằng mình có thể "qua mặt" được nhà tuyển dụng trong chuyện đàm phán lương bổng. Tốt nhất Bạn nên "ăn chắc mặc bền" chịu thiệt thòi ban đầu một chút mà được nhiều hơn về sau còn hơn là phải ra đi trong thế "mũ ni che tai".
Còn nếu Bạn cảm thấy rằng Bạn là một ứng viên sáng giá, hãy mạnh dạn tự tin vào khả năng của mình. Và nếu như mức lương mà nhà tuyển dụng đề nghị không phù hợp với khả năng và nguyện vọng của Bạn, hãy thẳng thắn từ chối và làm sao để nhà tuyển dụng hiểu được rằng họ là người cần Bạn chứ không phải Bạn cần họ.
Nguồn: Theo BWPortal
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này