content-id" style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; vertical-align: baseline;">

Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.

Bạn đọc tên Tú góp ý: "Nên hạ tuổi nghỉ hưu xuống vì 55 - 60 tuổi thì không mấy doanh nghiệp tuyển lao động "công nhân " tuổi này nữa. Tương tự, bạn đọc Bùi Anh quả quyết: "Lương hưu mà đủ sống thì chắc không ai rút bảo hiểm. Nếu để tôi tự nguyện đóng bảo hiểm chắc chắc là tôi không đóng". Bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân thì cho rằng những người làm chính sách cần phải sửa suy nghĩ mình. "Các ông cắt 50% đó giữ lại để làm gì? Tại sao nhà làm luật không quy định chặt chẽ về việc xử lý hình sự khi người sử dụng lao động chây ỳ, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Người hoạch định chính sách nên giải thích rõ ràng, bảo hiểm xã hội đã sử dụng tiền của chúng tôi để làm gì trong khoảng thời gian người lao động đóng hơn 20 năm cho đến lúc nhận tiền hưu? – bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân bày tỏ.

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Giữ 50% còn lại để làm gì? - Ảnh 1.

Theo bạn đọc Trần Thế Thắng, một khi người lao động đã chốt sổ lãnh một lần là do khó khăn về tiền bạc. Đồng quan điểm, bạn đọc tên Minh cho rằng không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện và thời gian để chờ đến lúc đủ thời gian lãnh lương hưu. Người lao động là người chịu thiệt nhiều nhất, lương lên được một thì giá cả thì trường lên 2- 3 lần. "Với đề xuất này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đặt trường hợp của mình vào cuộc sống người lao động chưa? Người lao động phải lo ăn từng bữa, lo tiền nhà trọ, lo đủ thứ khi vật giá ngày càng tăng. Tại sao ngay cả quyền lợi của chính người lao động mà người lao động cũng không được tự quyết định mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải quyết định dùm"- bạn đọc này gay gắt.

Một bạn đọc giấu tên khác bộc bạch: Nếu bảo hiểm xã hội là do nhà nước trích ngân sách ra cho người lao động sau khi về nghỉ hưu thì cắt 50% nếu rút bảo hiểm xã hội lần thì cũng chả ai ý kiến gì. Đằng này tiền bảo hiểm xã hội là nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và người lao động đâu có xin tài trợ từ nguồn nào đâu mà đòi cắt 50% của họ. Luật Bảo hiểm xã hội của nhà nước ta là luật nhân văn, được đề ra cũng chỉ để giúp đỡ, tạo điều kiện và đảm bảo cho người lao động được an tâm làm việc nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải để gây thêm khó khăn, phiền nhiễu và tạo thêm gánh nặng cho người lao động. Mong thủ tướng chính phủ xem xét để người lao động thêm phần an tâm làm việc và tin tưởng vào Đảng.

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Giữ 50% còn lại để làm gì? - Ảnh 2.

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, để người lao động không ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội thì phải có các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút người lao động tham gia nhiều hơn nữa. Còn đằng này tìm cách cắt giảm quyền lợi của họ thì làm sao gọi là khuyến khích được?

Đối với đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (điều 60 và điều 77). Việc ban hành Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội về sửa điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các KCN, các doanh nghiệp (DN) có thời gian đóng ngắn, có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hộimột lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Đồng thời, do việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. "Việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động. Từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý..." - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.