Nhắc đến ĐH đẳng cấp thế giới của Anh, người ta sẽ nghĩ ngay đến Oxford và Cambridge. Oxford là trường ĐH cổ nhất trong khối các nước nói tiếng Anh, còn Cambridge cũng đã gần 800 tuổi. Oxford đào tạo những "người đứng đầu", còn Cambridge là cái nôi của những nhà khoa học xuất chúng. Bài viết của CTV Bùi Hải Anh (từ Anh quốc).
Bắt đầu từ Isaac Newton...
Hình thành từ thế kỷ thứ 13, năm 1209, Cambridge đã trở nên nổi tiếng trước hết bởi chính diện mạo của mình với những công trình kiến trúc đẹp trong một khung cảnh thơ mộng. Nhưng lý do quan trọng hơn và đáng tự hào hơn là bởi chất lượng giáo dục và những thành tựu khoa học của trường.
Từ trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học này của thế giới, hàng trăm năm qua đã cho ra đời rất nhiều những phát minh quan trọng, mà nhiều trong số đó mang tính lịch sử của toàn nhân loại.
Sự nổi danh của Cambridge trong lĩnh vực khoa học được bắt đầu từ nhà bác học Isaac Newton ở thế kỷ thứ 17 với cuốn “Những nguyên lý toán học cơ bản". Phải 300 năm sau khi cuốn sách phát hành thì các phát minh khoa học dựa trên cơ sở các nguyên lý đó mới thực sự được khám phá. Tiếp theo Newton, rất nhiều những nhà khoa học khác đã góp phần làm nên sự vĩ đại của Cambridge như: Darwins - cuối thế kỷ 19 - với thuyết tiến hóa, JJ Thomson khám phá ra điện tử năm 1897, Cockcroft và Walson phân chia được nguyên tử năm 1923, 1949 Maurice Wikle phát triển những thành tựu đầu tiên của kỹ thuật số, 1953 Crick và Watson giải mã được cấu trúc ADN. Và hiện nay, truyền thống đó vẫn tiếp diễn với giáo sư vũ trụ học Stephen Hawking, giáo sư tin học Roger Needham hay bác sỹ Roy Calne - một chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép gan.
Không dừng lại ở lĩnh vực học thuật, Cambridge đã rất nhanh chóng bắt kịp với đà phát triển của thế giới trong lĩnh vực công nghệ để làm nên “Hiện tượng Cambridge” khi biến thành phố này trở thành một trung tâm công nghệ quan trọng của Châu Âu, một “thung lũng Silicon” của nước Anh.
Còn chất lượng giáo dục của Cambridge thì được đánh giá bởi những lớp sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành những người thành đạt. Ngôi trường này đã đào tạo ra rất nhiều nhà thơ, doanh nhân, nghị sĩ, Phó thủ tướng hay những chức vụ tương tự cho nước Anh và cho cả thế giới.
Điều gì làm cho Cambridge nổi tiếng và trở nên vĩ đại đến vậy?
Sinh viên giỏi + giảng viên giỏi
Phó hiệu trưởng trường Cambridge hiện nay - bà Alison Rechard đã trả lời câu hỏi này như sau: “đó là tham vọng to lớn thu hút và giáo dục những sinh viên có triển vọng nhất, tốt nhất ở mọi nghành; song song với tham vọng tuyển chọn những giảng viên giỏi nhất để dậy những sinh viên ưu tú trên, đồng thời làm công tác nghiên cứu mọi lĩnh vực của tri thức”.
Việc tuyển chọn những sinh viên giỏi là một truyền thống của Cambridge. Từ thế kỷ 17 khi toán học là ngành mũi nhọn của Cambridge, những cuộc thi có tên gọi “Tripos” để tuyển chọn sinh viên giỏi đã được tổ chức. Và sau đó hình thức này được áp dụng cho các nghành khác như: ngành luật dân sự năm 1816, chuyên ngành thần học năm 1843 và cho đến trước năm 1900 các cuộc thi để tuyển chọn sinh viên giỏi này đã được áp dụng cho hầu hết các chuyên ngành.
Để thu hút những sinh viên giỏi, Cambridge còn rất chú trọng đến chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là những sinh viên nghèo. Chính sách này đã là truyền thống ở Cambridge từ thời Trung cổ, Nhà bác học Issaac Newton đã là một sinh viên trong diện hỗ trợ này. Như lời phát biểu của bà phó hiệu trường trường: “Khi Isaac Newton vào trường với tư cách là một sinh viên đại học, ông được hưởng hoàn toàn sự tài trợ của trường Trinity, lúc đó không ai biết rằng ông là một thiên tài”.
"Học đi đôi với hành"
Chất lượng giáo dục của Cambridge còn được khẳng định bởi nguyên tắc học tập phải luôn đi đôi với nghiên cứu“. "Ở Cambridge chất lượng giảng dậy tuyệt vời và các nghiên cứu tuyệt vời luôn gắn liền với nhau”, bà phó hiệu trường phát biểu. Nguyên tắc này cộng với đầu vào sinh viên tốt, điều kiện học tập đầy đủ với thư viện, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất thế giới, nên chất lượng giáo dục ở Cambridge luôn được khẳng định.
Từ năm 1993 trường còn áp dụng một phương thức đánh giá chất lượng giảng dạy (TQA) bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn với các thang điểm khác nhau.
Những sinh viên đại học năm cuối của Cambridge vừa được học rất chuyên sâu, vừa được hỗ trợ bởi sự chăm sóc đặc biệt của hệ thống giám sát của trường. Các nhà quản lý Cambridge tin rằng đó là cách dạy hiệu quả nhất đối với những sinh viên triển vọng và có trí tiến thủ nhất.
Một nhân tố khác làm nên sự nổi tiếng của Cambridge là cách ngôi trường này đưa tri thức của mình vào cuộc sống khi áp dụng rất hiệu quả công thức: Công nghệ hiện đại + các nhà đầu tư + các nghiên cứu hàn lâm.
Với truyền thống về nghiên cứu học thuật, Cambridge đã thu hút được những nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới hội tụ về đây, cho họ một môi trường làm việc hoàn hảo, điều kiện làm việc rất hết sức linh hoạt, cho phép - thậm chí khuyến khích - họ làm việc cho các nghành công nghiệp. Điều này đã kết hợp được những nghiên cứu thuần tuý với ứng dụng, sự tinh túy của học thuật với thế giới thực và những kinh nghiệm thực tế.
Vì thế, Cambridge là một trường đại học có thu nhập cao khác thường từ lĩnh vực công nghiệp, điều hành một số lượng dự án nghiên cứu quan trọng liên kết với các nhà công nghiệp.
Mỗi bước tiến của Cambridge đều thấy bóng dáng của các nhà tài trợ
Mặt khác, nhìn vào toàn bộ lịch sử phát triển của Cambridge, có thể thấy trường đã tận dụng rất có hiệu quả sự ủng hộ và tài trợ của các cá nhân để thúc đẩy sự phát triển và giữ vừng ngôi vị của mình.
Cambridge ra đời do sự bảo trợ đầu tiên của vua Henry III. Và sau đó, trong suốt quá trình phát triển 800 năm của mình, mỗi bước tiến của Cambridge đều thấy bóng dáng của các nhà tài trợ. Như sự tài trợ của vua Henry VIII cho các giáo sư nghành thần học, tiếng Hi Lạp, Do Thái, Y học và Luật học đã tạo nên bước ngoặt trong phương pháp giảng dạy của trường. Hay Ngài Richard Fitzwilliam giúp trường xây dựng viện bảo tàng để phục vụ cho việc học tập của các sinh viên nghệ thuật, kiến trúc và khảo cổ. Nguồn tài chính từ quỹ Rockefeller đã biến thư viện của trường thành một toà nhà nguy nga bên bờ Tây của dòng sông Cam, và sau đó thư viện này còn nhiều lần được mở rộng thêm cũng vẫn nhờ những nhà tài trợ. Một Trung tâm của trường đại học được xây dựng để phục vụ đời sống văn hoá, xã hội của sinh viên cao học và nhân viên của trường từ sự cung cấp tài chính của quỹ Wolfson. Và chính quỹ này cũng giúp thiết lập Văn phòng liên lạc công nghiệp của trường để phục vụ cho dự án “Hiện tượng Cambridge“ hay cũng có thể gọi là “Điều thần kỳ Cambridge“. Và còn rất nhiều, rất nhiều các nhà tài trợ khác đã đóng góp cho sự phát triển của Cambridge.
Nhân tố thứ ba này tuy không phải là nhân tố quyết định nhưng nó cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở để hai nhân tố trên có thể phát huy toàn bộ tính hiệu quả của nó.
Hiện tại thế giới đang ở trong kỷ nguyên của công nghệ với tốc độ thay đổi chóng mặt của thông tin, đồng thời đứng trước những thách thức vô cùng to lớn như nguy cơ thiếu hụt năng lượng, biến đổi môi trường... Điều này đặt vai trò của công tác nghiên cứu lên một tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Với truyền thống là một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới, Cambridge đang trong thời kỳ mở rộng lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình để đáp ứng những đòi hỏi của thực tế, với việc nâng cấp một trung tâm khoa học công nghệ mới ở phía tây trung tâm thành phố Cambridge. Đồng thời, trường coi việc đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu mới đặc biệt là đầu tư cho con người, nỗ lực và đổi mới sự hợp tác là yếu tố sống còn cho sự phát triển của mình.
Bốn năm nữa - năm 2009 - Cambridge sẽ kỷ niệm tuổi 800 của mình. Phương châm của trường là sẽ tiếp tục kế thừa những truyền thống của tám thế kỷ qua, đồng thời tiếp tục cố gắng để khẳng định mình trong hàng ngũ những trường đại học vĩ đại nhất thế giới.