Được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng các chế độ
Điều 24 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 nêu rõ:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Theo đó, thay vì ký hợp đồng thử việc, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về nội dung thử việc trong hợp đồng lao động. Việc lựa chọn ký hợp đồng lao động để thử việc sẽ quyết định trực tiếp đến việc người sử dụng lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động trong thời gian thử việc hay không.
Bởi theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mặt khác, thử việc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (theo khoản 3 Điều 24 BLLĐ năm 2019). Như vậy, đồng nghĩa rằng, khi ký hợp đồng lao động để thử việc thì hợp đồng này phải có thời hạn ít nhất từ đủ 01 tháng trở lên.
Bởi vậy, trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động, người lao động sẽ được đóng BHXH. Kéo theo đó, thời gian thử việc của người lao động sẽ được tính vào thời gian hưởng các chế độ của BHXH.
Nếu đủ điều kiện thì ngay cả khi đang thử việc, người lao động vẫn được hưởng các chế độ liên quan đến ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,…
Đặc biệt, mặc dù trong thời gian thử việc, người lao động có thể chỉ được nhận ít nhất 85% mức lương của công việc làm thử nhưng mức lương đóng BHXH của người lao động có thể sẽ cao hơn mức này.
Cụ thể, Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH ghi nhận:
Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Như vậy, mức lương đóng đóng BHXH của người lao động trong thời gian thử việc không phải mức lương mà người này được nhận mà sẽ là mức tiền lương, tiền công ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Do đó, thực tế mức lương đóng BHXH có thể sẽ cao hơn lương thử việc mà người lao động được nhận.
Ký hợp đồng lao động để thử việc có thêm quyền lợi gì? (Ảnh minh họa)
Được tự ý chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian thử việc
Trong quá trình thử việc, không phải người lao động nào cũng suôn sẻ và thuận lợi. Nhiều trường hợp, các bên đã phải lựa chọn việc chấm dứt hợp đồng ngay trong thời gian thử việc.
Với hợp đồng lao động thông thường, các bên muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì nhiều trường hợp sẽ phải báo trước cho bên còn lại biết, hoặc không báo trước nhưng phải thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì mới được coi là chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bên tự ý chấm dứt hợp đồng sẽ phải bồi thường cho bên còn lại một số tiền nhất định.
Tuy nhiên nếu ghi nhận thời gian thử việc trong hợp đồng lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian này, các bên sẽ không phải báo trước và đồng thời cũng không phải bồi thường.
Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 2 Điều 27 BLLĐ năm 2019 như sau:
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo đó, nếu chấm dứt hợp đồng lao động ngay trong thời gian thử thử việc, người lao động sẽ không cần phải báo trước và không cần bồi thường cho người sử dụng lao động.
Ngoài hai quyền lợi kể trên, nếu ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động thì người lao động cũng được hưởng các quyền lợi về đảm bảo thời gian làm việc bình thường, làm thêm giờ, chế độ nghỉ lễ, Tết,…
Trên đây là những phân tích về quyền lợi khi ký hợp đồng lao động để thử việc. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.