Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,153
Cần có chính sách hỗ trợ và bảo đảm việc làm để lao động nữ phát huy khả năng, không bị gián đoạn quá trình lao động
Tại cuộc họp về bình đẳng giới mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết lao động nữ (LĐN) đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy vậy, họ đang gặp nhiều khó khăn và rào cản trong công việc. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương khi chính sách an sinh thay đổi. LĐN chiếm tỉ lệ lớn trong số những người rút BHXH một lần.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2022, cả nước có khoảng 4,9 triệu lượt người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần. Trong đó, nữ giới rút BHXH một lần nhiều hơn nam giới (chiếm 55%). Tại TP HCM, 9 tháng năm 2023 có gần 86.000 người rút BHXH một lần, trong đó nữ chiếm hơn 46.000 người.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tình trạng này là do LĐN tham gia BHXH khá sớm, ngay từ khi mới gia nhập thị trường lao động nhưng sau đó cũng sớm rời khỏi hệ thống BHXH. Nguyên nhân là LĐN nông thôn di cư từ khi mới 17-18 tuổi để đi tìm việc làm tại các nhà máy, công ty trong các KCN và bắt đầu tham gia BHXH.
Tuy nhiên, đến độ tuổi 28-29, họ từ bỏ công việc làm công hưởng lương và rời khỏi hệ thống BHXH để trở về quê kết hôn, sinh con. Một số khác vẫn trụ lại các TP lớn nhưng công việc dễ bị gián đoạn do nhiều yếu tố như sức khỏe yếu khi mang thai, chăm con nhỏ hoặc cha mẹ đau yếu cần người chăm sóc… Giai đoạn không thể đi làm, họ buộc phải rút BHXH một lần để trang trải.
Lao động nữ gặp nhiều áp lực khi vừa làm việc vừa chăm lo cho gia đình. Ảnh: THANH NGA
Từng là công nhân KCS một công ty giày da, chị Nguyễn Thị Thu Hà (46 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TP HCM, cho hay đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần thứ nhất vào năm 2005 (có quá trình tham gia BHXH khoảng 5 năm), chị nghỉ việc về quê (tỉnh Bình Thuận) để sinh con. Khi ấy, thu nhập của chồng không ổn định nên chị phải rút BHXH một lần để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Khi con gần 1 tuổi, chị quay lại TP HCM và xin vào công ty cũ làm việc.
Sau 7 năm, được gia đình cho đất xây nhà, vợ chồng chị quyết định về quê sinh sống. Lần này, chị Hà rút BHXH một lần để trả một phần nợ xây nhà và làm vốn chăn nuôi. Làm ăn thất bại, vợ chồng chị quay lại TP HCM kiếm sống. Chị cho biết: "Tôi hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài nhưng khi gặp hữu sự, nếu không rút BHXH một lần thì tôi không biết bấu víu vào đâu".
Cũng từng 2 lần đi đến quyết định rút BHXH một lần trong 10 năm làm việc, chị Trần Thị Thúy Vinh (41 tuổi, quê Bạc Liêu), hiện phải làm phụ hồ để kiếm sống. Lần đầu chị Vinh quyết định nghỉ việc để rút BHXH một lần vào năm 2018 là để chăm sóc con nhỏ bệnh tật. Lần thứ hai là đầu năm 2024. Chị cho hay phụ nữ chịu nhiều ràng buộc, mẹ bệnh, sắp tới chị phải về quê chăm sóc, cùng lúc phải lo cho hai người bệnh, mẹ và con gái nên chị buộc phải rút BHXH một lần.
LĐN đang chịu sự bất bình đẳng về điều kiện việc làm, trả lương và trong thăng tiến nghề nghiệp. Do vậy, để hỗ trợ LĐN cũng như hạn chế họ rút BHXH một lần, theo các chuyên gia an sinh, cần phải hoàn thiện chính sách liên quan đến đối tượng này.
Đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong ngành dệt may, tỉ lệ LĐN chiếm từ 70%-75%, NLĐ bắt đầu làm việc từ rất sớm (18-20 tuổi) và bắt đầu suy giảm khả năng lao động ở độ tuổi 45 trở lên. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên khiến sự chênh lệch giữa tuổi nghề và tuổi hưu ngày càng lớn.
Khó làm việc đến lúc nghỉ hưu, điều này dẫn đến việc họ chọn rút BHXH một lần. Từ thực tế trên, Công đoàn ngành đề xuất cần xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu của LĐN trong ngành dệt may để họ dễ tiếp cận chính sách an sinh.
Theo bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam, để hỗ trợ LĐN, cần chú trọng thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính, trong đó ưu tiên tuyển dụng, sử dụng LĐN vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn làm công việc phù hợp. Trong trường hợp LĐN đang nuôi con nhỏ nhưng hết hạn hợp đồng lao động thì ưu tiên tái ký hợp đồng lao động với họ, hạn chế tình trạng mất việc khi mang thai, sinh con dẫn đến quyết định rút BHXH một lần.
Bà Phương cũng kiến nghị cần tạo điều kiện để LĐN có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp thông qua việc xác nhận thời gian nghỉ thai sản của LĐN được tính vào thâm niên công tác để thực hiện các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, đào tạo và thăng tiến... "Với LĐN, gánh nặng gia đình rất lớn, để họ an tâm làm việc và gắn bó với hệ thống BHXH lâu dài cần có sự quan tâm của nhà nước và doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ về nhà ở, nơi gửi con, hỗ trợ chi phí gửi trẻ…" - bà Phương kiến nghị.
Nguồn: Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này