|
Ba lao động tuổi từ 13-16 đang làm việc tại một cơ sở may trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình – TPHCM
|
Lao động "nhí" đang bị vắt kiệt sức
Lao động trẻ em là vấn đề nhức nhối của xã hội, tồn tại nhiều năm qua ở TPHCM, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết căn cơ... Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Tân - TPHCM mở đợt kiểm tra 20 cơ sở may trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa, phát hiện 41 lao động vị thành niên đang làm việc. Qua khảo sát, cho thấy chỉ riêng phường này có đến 361 cơ sở may, sử dụng gần 300 lao động vị thành niên. Hầu hết các em đã được chủ cơ sở về quê “mua” tận gốc.
Làm việc 15-16 giờ/ngày Làm việc tại cơ sở may ở khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa, hai em Vi Văn Hùng, Hoàng Văn Kiên cho biết: Lúc trước, bà Nguyễn Thị Tám, chủ cơ sở, về quê các em ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tìm lao động. Bà Tám đã trả cho bố mẹ mỗi em 10 triệu đồng, với điều kiện các em phải làm việc trong 2 năm. Ngoài việc được chủ bao ăn ở, các em chẳng còn thu nhập nào khác. Tính ra, làm cật lực 15-16 giờ mỗi ngày, các em chỉ được trả khoảng 400.000 đồng/tháng.
Từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng cho 2 năm làm việc là giá “mua” lao động trẻ em từ các tỉnh hiện nay. Một số em cho biết bà chủ thường bảo các em còn quá nhỏ, chỉ vào học việc nên trả lương thấp. Nhưng thực tế, các em phải làm việc nhiều và nặng nhọc hơn cả công nhân ở các công ty may. Cá biệt, một trường hợp ở phường 13, quận Tân Bình, cơ quan công an phát hiện 4 em nhỏ được “mua” với giá mỗi em 4,5 triệu đồng/2 năm. Nếu không làm đủ 2 năm, vì bất cứ lý do gì, coi như tiền công trước đó bị mất.
Nghe lời ngon ngọt của các chủ cơ sở thiếu lương tâm, cha mẹ của các em vốn là những nông dân chân chất cứ tưởng con mình sẽ được học nghề nhẹ nhàng, có cơm ăn, áo mặc đàng hoàng... Họ đâu biết con họ bị tống vào các khu nhà trọ, làm việc quần quật, không được nghỉ ngơi. Nhiều em sau thời gian vào TP làm việc trở về quê với thân hình còm cõi, cạn kiệt sức lực, thương tích đầy mình, tinh thần hoảng loạn vì bị bạo hành.
Em Ka Thoa, vừa 14 tuổi, đang học lớp 8 tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, phải bỏ học giữa chừng để vào làm việc cho cơ sở may trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Cùng làm với Thoa còn có 3 em khác cũng phải bỏ học khi chưa qua lớp 8.
Em Lê Thị Trúc Ly, quê ở huyện Nghĩa An, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết em sinh năm 1995, đang học lớp 7. Hè vừa qua, có người cùng quê về nói với gia đình cho em vào TPHCM học may nên cha cho em nghỉ học. Cùng xóm với Ly cũng có nhiều hoàn cảnh như thế: nhà nghèo, có cơ hội kiếm tiền, gia đình bắt các em nghỉ học, đi làm.
Điều kiện lao động khắc nghiệt, thời gian nghỉ ngơi còn không đủ nói gì đến vui chơi, giải trí. Sáng ăn qua loa rồi lao vào làm việc đến 24 giờ thì lăn ra ngủ.
Lúng túng trong xử lý Lao động trẻ em là vấn đề nhức nhối của xã hội, tồn tại bao nhiêu năm qua ở TPHCM, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết căn cơ.
Ông Phan Anh Nhân, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú, cho biết: Việc xử lý những cơ sở sử dụng lao động trẻ em còn nhiều lúng túng. Nếu phát hiện thì xử phạt, không cho tiếp tục hoạt động. Thế nhưng, đây là những cơ sở nhỏ. Nếu đóng cửa, họ lại sang nơi khác thuê mặt bằng làm việc. Còn đối với lao động chưa đến tuổi, các em cũng không đủ hiểu biết, điều kiện để báo cáo cơ quan chức năng khi bị cưỡng bức lao động.
Cuối năm 2007, UBND TPHCM đã lập đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn TPHCM từ năm 2007-2010. Vừa qua, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã lập kế hoạch chi tiết cho đề án trên. Theo đó, cuối năm 2008 và đầu năm 2009 sẽ có cuộc tổng khảo sát, thanh kiểm tra tình hình sử dụng lao động trẻ em trên toàn địa bàn.
Chúng ta không dám hy vọng mọi trẻ em được học hành, vui chơi theo đúng quyền mà các em được hưởng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta có quyền yêu cầu một sự đối xử có tình người với trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn. Vì nghèo khó, các em phải vào đời sớm, chịu nhiều thiệt thòi nên càng phải được trả công sòng phẳng, được bảo đảm những điều kiện lao động tối thiểu.
Sử dụng trẻ em làm việc nặng nhọc có thể bị phạt tù
Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại nguy hiểm theo danh mục Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều trẻ em; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. |