|
Hầu hết các hoạt động hiện nay đều áp dụng CNTT (quản lý hệ thống theo dõi khách hàng và camera bảo vệ tại một ngân hàng). Ảnh: Thanh Hải
|
Nghịch lý trong thị trường lao động hiện nay: Thừa lao động, nhưng luôn thiếu nguồn nhân lực làm được việc, đặc biệt là lao động có tay nghề, chất lượng cao...
Một hội thảo mang chủ đề "Việc và nghề CNTT" vừa được Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu khu vực 3 ( VDC3) và Học viện Công nghệ quốc tế NIIT phối hợp tổ chức mới đây đã mổ xẻ những mâu thuẫn này.
Tuyển khó Ông Trần Mạnh Huy - Giám đốc FPT IS tại Đà Nẵng - cho biết, hiện nay trên thị trường lao động rất khan hiếm nhân lực về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Riêng lĩnh vực kinh doanh của Cty ông là BPO (Business Process Outsourcing)- một trong những ngành nghề mới về dịch vụ làm sổ sách kế toán- dự kiến cần đến 10.000 lao động. Đây là nghề mới trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu rất lớn, trong cũng như ngoài nước, nhưng
tuyển dụng lao động lĩnh vực này rất khó, bởi phổ biến tình trạng người giỏi CNTT lại không có chuyên môn về kế toán, kém ngoại ngữ, hoặc ngược lại. Không chỉ thế, hiện các DN kinh doanh lĩnh vực thương mại CNTT cần trên 60% nhân lực có nghề CNTT.
Ông Huy dẫn chứng, từ việc dùng, buôn bán điện thoại di động, máy tính văn phòng đến sản xuất máy bay, tên lửa... cũng đều cần thiết nhân lực có tay nghề cao lĩnh vực CNTT. Trên thế giới đang cần 3 triệu lao động CNTT trong năm 2009, nhưng đến 2020 cần đến 20 triệu lao động CNTT. Riêng tại VN, hiện nay cũng có nhu cầu hàng chục ngàn người. Ví dụ Hãng Boeing đang tìm kiếm đối tác để làm dự án tại VN, nhưng dự án nhỏ nhất của họ cũng cần đến 1.000
kỹ sư CNTT. Harvey Nash (Anh) vào VN từ 2001, đã sử dụng 500 kỹ sư phần mềm.
Ngành gì cũng cần CNTT Ông Cù Huy Đức - Tổng GĐ DTT Globeteam Inc DTT Group - cho biết, VN là một trong những điểm ngắm và điểm đến của nhiều DN nước ngoài trong lĩnh vực CNTT. Tuy vậy, nghề nghiệp CNTT hiện nay ở VN vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều sinh viên VN còn thiếu các kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể, thiếu thông tin... nên mất luôn cả cơ hội làm việc.
Phó GĐ Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu khu vực 3 (VDC3) tại Đà Nẵng - ông Lên Văn Sự chia sẻ: Ngoài những ngành nghề quen thuộc như lập trình, viết website, huấn luyện đào tạo, hỗ trợ khách hàng, quản lý hệ thống thông tin điện tử... hiện có nhiều nghề CNTT rất mới, thiếu nhân lực như tiếp thị, viết sách kỹ thuật, kiểm tra chỉnh sửa phần mềm, giao dịch - đàm phán điện tử, giao dịch thương mại - thanh toán điện tử... Cũng có nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo các chứng chỉ này, song nhiều sinh viên thiếu thông tin.
Đặc biệt những sinh viên học các ngành chuyên môn khác càng không mặn mà tham gia các khoá đào tạo CNTT. Lâu nay, những lớp huấn luyện, chiêu sinh đào tạo CNTT đều nhắm vào đối tượng sinh viên IT, nhưng lại thiếu tuyên truyền, phổ biến những thông tin cần thiết cho các học viên có chuyên môn khác. Đây là khiếm khuyết của nhà đào tạo, cũng là điểm yếu của sinh viên - người lao động.