Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 17,936
Đã bao giờ chúng ta cảm thấy công việc luôn là một gánh nặng? Ngày nghỉ cuối tuần đã đến mà đầu óc vẫn còn "chất" đầy các hồ sơ cần giải quyết?...
Cứ thế, dần dần cái cảm giác "mình không còn là mình nữa" sẽ hành hạ bạn. Vậy thì, một khi đã rơi vào hoàn cảnh này, chúng ta hãy thay đổi! Hy vọng 10 ý tưởng dưới đây sẽ giúp bạn có được một "cái nhìn mới" về bản thân.
Quá chú trọng vào thành tích đôi khi có hại
Đôi khi vì quá "ôm đồm" công việc mà chúng ta bị suy sụp. Chuyên gia tâm lý Christine Barriller cho biết: "Trong một công ty luôn hối hả và thúc đẩy cho mọi việc chạy tốt, suy nghĩ và áp lực về hai chữ thành tích sẽ là một chiếc bẫy nguy hiểm cho các nhân viên".
Sau giờ làm việc, nếu bạn dành hẳn một quãng thời gian để vui đùa cùng con cái thì thật là tuyệt vời. Cái hạnh phúc nhỏ bé đó sẽ giúp bạn "chống đỡ" tốt hơn những căng thẳng của ngày hôm sau.
Không ai hiểu ta bằng chính ta
Trang bị kỹ năng "tự biết mình" sẽ giúp chúng ta xây dựng nên một thái độ tự tin, một ý thức tự chủ trong công việc và cuộc sống, đưa đến một hiện tượng gọi là "thăng hoa cá nhân".
Tâm lý thanh thản sẽ giúp mang lại hiệu quả công việc cao nhất. Hiện nay, các chuyên gia phân tâm học cho rằng đối với mỗi cá nhân, có được một thái độ sống tích cực còn hữu ích hơn là có được những kỹ năng làm việc xuất sắc.
Những "giải pháp có sẵn" thực tế ít khi... có sẵn
Tất cả những suy nghĩ và giải pháp mà chúng ta hun đúc để có được những ý tưởng sáng tạo trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống cá nhân không bao giờ là quyển sách đã được viết sẵn. Do đó, để có thể tự tạo cho mình những thay đổi nhằm hướng đến một sự hoàn thiện nào đó, chúng ta phải tự đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể, và xoáy vào những ý tưởng khả dĩ giúp chúng ta "đi tới". Không ai có thể làm thay chúng ta việc này!.
Luôn tự đánh giá bản thân
Đây là thời điểm mà chúng ta xác định rõ nhất những ước mơ và hoài bão của chính mình. Khi đó, bạn sẽ định nghĩa được những gì là quan trọng nhất trong công việc, cuộc sống xã hộ cũng như gia đình, để cuối cùng có thể khám phá ra những điều làm bạn thỏa mãn nhất, những gì bạn chưa thực hiện được hoặc quá tầm với của mình.
Ông L, một giám đốc kỹ thuật 47 tuổi kể: "Suốt hơn 10 năm, tôi làm cật lực như một robot mà chưa hề nhìn lại mình một cách thấu đáo. Đến một lúc tôi cảm thấy cuộc sống sao mà nhàm chán quá, tôi mới phát hiện rằng mình không biết... vui! Thế là tôi tìm đến những hoạt động xã hội như giúp đỡ những người khuyết tật để có được một tinh thần thoái mái, minh mẫn và sáng tạo hơn".
Bớt khắt khe với bản thân là liều thuốc quý
Khá nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng "bôi đen" cuộc sống của mình, tự quan trọng hóa những khiếm khuyết và lỗi lầm cũ. Vậy thì tại sao chúng ta không thử tự khen mình về những phẩm chất và ưu điểm đã và đang có? Nói không quá lời, một khi bạn biết tự "tổng hợp" những ưu điểm riêng thì ắt sẽ tìm được sự tự tin bộc lộ ra ngoài bằng những cử chỉ và hành động cụ thể. Kết quả là tập thể và cả thủ trưởng của bạn sẽ tin cậy bạn hơn, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cũng rộng đường hơn.
Lo sợ - vật cản vô hình
Luôn tự nhủ rằng "tôi muốn thay đổi" nhưng trên thực tế chưa bao giờ làm việc đó, bạn đang lo sợ. Đôi khi nỗi lo chủ yếu chỉ là một sự giằng xé tư tưởng giữa ước muốn được "ngang dọc" để tiến thân trong công việc và khao khát sự bình yên trong cuộc sống cá nhân, và rồi cuối cùng bạn không tìm được giải pháp thỏa đáng!
Đó là một trong nhiều vật cản tâm lý vô hình do bạn suy tưởng kìm hãm cuộc sống bạn. Để thoát khỏi mớ bòng bong này, hãy đặt câu hỏi: Đâu là khát vọng đích thực nhất mà tôi cần đến để có được cuộc sống hoàn hảo hơn? Và tất nhiên bạn hãy cố gắng tìm lời giải.
Các mục tiêu xa và gần
Mọi việc sẽ sáng tỏ khi bạn tự "thẩm định" lại và xác định được những gì bạn muốn làm trong 2, 5 hay 10 năm tới. Nhưng đừng đặt mục tiêu quá cao và quá xa, nhằm tránh bị ngợp! Chủ động được quá trình biến chuyển của cuộc sống một cách nhẹ nhàng thì không còn gì tốt bằng. Với những mục tiêu vĩ mô, trong đó chia ra nhiều mục tiêu vi mô để có thể hoàn tất trong một giai đoạn ngắn và từng bước một. Và đừng bỏ cuộc giữa chừng!
Tâm lý "luyến tiếc những ngày đã qua"
Trước khi bắt tay vào một dự án, chúng ta cần định ra đúng cái giá phải trả sao cho cảm thấy thoải mái nhất. Và cũng cần xác định đúng đích đến. Những thay đổi mà bạn muốn thực hiện chắc chắn sẽ tạo ra một ảnh hưởng nhất định lên các mối quan hệ giữa cá nhân với đồng nghiệp, với thủ trưởng, và cả gia đình và bạn bè.
Nhưng trước nhất, đó là những thay đổi về tâm sinh lý tác động lên chính bản thân mình và chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt hàng ngày. Nói đến thay đổi, một cách nào đó, là nói đến quá trình "đoạn tuyệt với quá khứ". Quá trình này đôi khi quá khó khăn!
Khoảng lặng cần thiết
Sau khi đã xác định được những uẩn khúc tâm lý khiến cuộc sống bị chao đảo, bạn hãy tự cho mình một độ dài thời gian cần thiết để bình tâm lại, để thoái mái nhìn nhận mọi vướng mắc đã qua và sẵn sàng giải quyết những trở ngại sắp tới.
Anh H, 45 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty kinh doanh đã biết cách tự đặt ra khoảng lặng cần thiết: "Hiện nay, tôi đã biết từ chối những gì mình không thể chấp nhận được. Tôi đã học được cách tiếp nhận những điều mới mẻ một cách hợp lý, vừa phải và đã biết cách nói không".
Tìm kiếm đồng minh
Lời khuyên của chuyên gia là "hãy biết lôi kéo người khác". Để thay đổi và "hiệu chỉnh" bản thân thành công, chúng ta cũng cần tránh rơi vào tâm trạng cô độc, mà ngược lại nên tìm đối tượng thích hợp có thể giúp chúng ta thực hiện tốt kế hoạch của mình. Không đâu xa, gia đình và bạn bè sẽ là những đồng minh tin cậy. Đó sẽ là chất xúc tác hiệu quả nhất giúp chúng ta thành công.
Trong cuộc sống, có một lúc nào đó chúng ta tự hỏi: "Đâu là điều quan trọng nhất đối với tôi: hướng dẫn và dìu dắt con trong cuộc sống hay tập trung mọi nỗ lực cho nghề nghiệp? Câu hỏi đó có thể quay cuồng trong đầu bạn. Khi đó, bạn có thể tham khảo ý kiến sau đây của một chuyên gia tư vấn tâm lý: cơ quan và gia đình đều có mối quan hệ tương hỗ. Cuộc sống và sinh hoạt của bạn tại nơi làm việc sẽ giúp làm phong phú mối quan hệ của bạn với gia đình con cái, và ngược lại. Vấn đề là chúng ta có biết cách thiết lập và phát triển sự tương tác đó hay không.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo CNTD
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này