|
Một hộ dân làm nghề đan nón ở Quảng Trạch
|
Dọc theo dòng sông Gianh hiền hòa, ở các xã Quảng Tân, Quảng Trung, Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình có rất nhiều hộ làm nghề “xỏ lá”. Thực ra “xỏ lá” chỉ là cách nói vui của bà con để chỉ nghề đan nón. Người trong làng, lớn lên trong độ tuổi biết ăn, biết chơi là học đan nón, có những em bé chỉ mới 5 tuổi đã thoăn thoắt đan nón như thể biết nghề từ trong bụng mẹ.
Đan nón rất công phu. Ngoài cái khung được thợ làm sẵn cần có thêm những vật liệu như vành nón, lá, cước đan, kim. Người làm nón mua cây đùng đình về phơi khô, chuốt thành từng vành nhẵn thín, thon tròn, kích thước tùy thuộc vào khoảng cách giữa các vành nón, vành nón cái (vành rộng dưới cùng) phải làm bằng thân tre mới bảo đảm bền chắc. Lá để đan nón cũng được mua về phơi khô, trải ra cho rộng theo từng bè, sau đó ủi trơn láng trên bàn ủi được nung nóng từ nồi than lửa đỏ rực. Lá trắng nõn nà dùng làm lớp mặt trên, lá xấu hơn được làm nền dưới, loại lá già ngả màu xám được dùng làm lớp giữa. Một chiếc nón thường có 16 vành. Đan hết các vành nón, người ta tháo nón ra khỏi khuôn, lấy kéo cắt phần lá thừa và cặp vành vừa để tạo dáng đẹp cho nón vừa
bảo vệ phần lá dưới không bị tua ra. Trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể làm được 3 chiếc nón, mỗi chiếc khoảng 12.000 đồng, trừ chi phí, cũng còn được khoảng 10.000 đồng.
Chị Thu, người có thâm niên đan nón mấy chục năm, tâm sự: “Để đan được chiếc nón đẹp phải ngồi suốt ngày, nhức mắt, đau lưng, mỏi tay lắm. Nhưng riết rồi cũng thấy yêu nghề, vả lại thu nhập cũng thường xuyên”.