|
Cổng trường ĐH luôn là niềm mơ ước của hàng triệu thí sinh.
|
Chọn thi 2 khối, cả hai khối học lực lại làng nhàng như nhau nên nhiều sĩ tử trễ nải đến làm thủ tục thi. Mơ hồ và mỏi mệt, họ vô cảm bước vào cuộc chiến “vượt vũ môn”.
Nguyễn Hoàng Hải là thí sinh đến từ một huyện miền núi của Thanh Hóa. Học lực xấp xỉ ngưỡng trung bình và đó cũng chính là lý do để Hải quyết định lựa chọn tới hai khối thi, A và C.
Lý do của Hải khi lựa chọn oái ăm như vậy là khối A thì có nhiều trường thi, cơ hội xét tuyển từ trường nọ sang trường kia vì thế cũng sẽ rất nhiều; Khối C thì... đơn giản, không cần phải xuất sắc, thông minh gì, nếu giỏi quay cóp thì cơ hội đỗ có khi là trong bàn tay!
Chọn thi 2 khối, cả hai khối học lực lại làng nhàng như nhau nên thi khối A hay thi khối C tâm trạng của Hải đều là như nhau: Cứ đến trường thi rồi lựa đâu tính đấy, biết đâu vận may sẽ mỉm cười với mình!
Khối A, Hải dự thi vào trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Ngay sau buổi thi đầu tiên, tinh thần của cậu đã gần như rã đám vì câu hỏi nào cậu cũng thấy như... mới lạ và cậu đã giải bài luyên thuyên trong... vô định! Ba buổi thi đã trôi qua với Hải dài dằng dặc như vậy.
Kết thúc đợt thi thứ nhất, Hải nhất định đòi về quê để nghỉ ngơi cho... lại sức mặc dù khoảng cách giữa hai đợt thi chỉ có 3 ngày. Về nhà, thầy u lại mổ gà tưng bừng ăn mừng cho đợt thi đầu. Có khí thế rồi, tay xách nách mang, mẹ con cậu lại rồng rắn tiếp tục ra Hà Nội làm thủ tục dự thi đợt 2.
Đến trường thi, Hải tranh thủ làm một giấc khi chờ làm thủ tục, giám thị gọi năm lần bảy lượt mới choàng tỉnh.
Là nữ nhi, lại ở một vùng quê rất nghèo của huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Nguyễn Thị Oanh cũng là một thí sinh dự thi hai khối A và B. Khối A, Oanh thi vào trường ĐH Thương mại; khối B, Oanh thi vào trường ĐH Nông nghiệp. Quyết định lựa chọn thi hai khối xuất phát từ kinh nghiệm của chị gái Oanh, cũng dự thi hai khối hồi năm 2006 đã đỗ và hiện đang là sinh viên của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
Những ngày ôn thi chen chúc ở các lò luyện của Hà Nội đã khiến cô bé 17 tuổi này, vốn đã gầy gò yếu ớt càng trở nên kiệt sức. Sau ngày thi đầu tiên của đợt một, hai chị em phải dắt díu nhau ra bệnh viện truyền nước. Hoàn hồn được tí chút, em lại lao vào ôn thi đến gần sáng.
Mệt quá khiến em khó ăn và càng khó ngủ. Kết thúc buổi thi cuối cùng của đợt một, em rời khỏi phòng thi xanh rớt như một tàu lá chuối và ước mơ duy nhất của em lúc đó chỉ là tìm được một chiếc giường để ngả lưng và ngủ một giấc dài như chưa bao giờ được ngủ.
Gia tài đi thi của hai chị em chỉ là vài trăm nghìn của bố mẹ em vừa bán đi vài tạ lạc. Chị nhường ăn cho em đi thi mà em cũng chẳng thể nuốt nổi. Nhìn đứa em gái bờ vai gầy gò, cả tuần đi thi đêm nào cũng trằn trọc, sáng nào cũng như sáng nào luôn trong tình trạng phờ phạc, ngơ ngác, cô chị thương muốn trào nước mắt. Chị bảo em: “Cố lên đi em, 12 năm ăn học chỉ có một tuần này vất vả thôi!”
Sáng nay đến làm thủ tục dự thi đợt 2, Oanh đứng dường như cũng chưa vững. Có lẽ trong đầu đầu em lúc này chỉ là nỗi ám ảnh mệt mỏi của những quầng sáng hoa tím hoa cà trước mắt và niềm mong ngóng sao cho sớm kết thúc những ngày thi.
Có bao nhiêu thí sinh như Hải và Oanh? Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có tới hàng chục nghìn thí sinh đăng ký dự thi cả hai khối. Không chỉ thí sinh mệt mà các trường cũng mệt khi phải đương đầu với hồ sơ “ảo”.
Đứng trước thực trạng này, hầu hết các thành viên của Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đều không biết nên đưa ra lời khuyên thế nào bới theo họ đó là sự lựa chọn của chính các em và các em phải chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn của mình.
Còn thí sinh, nếu không vì những giấc mộng thôi thúc rằng gắng gượng mấy cũng phải đến bằng được cổng trường ĐH, có lẽ cũng không ai trong số họ muốn trở thành một “đấu sĩ” vô cảm.