Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 12,011
"Đối tượng hay khiến họ nổi cơn ghen tuông nhất chính là đồng nghiệp/sếp của vợ mình!". Đó là ý kiến của 178/230 người tham gia khảo sát về tất cả những gì họ nghĩ về tình yêu.
Con số đứng thứ hai thuộc về những người tình cũ của các quý bà... Khi sát cánh cùng bạn ở công sở là một đối tác, một đồng nghiệp hay một ông chủ nam giới, thế có nghĩa là bạn sắp sửa phải đối mặt với những ánh mắt soi mói, và nghe những câu chuyện ngồi lê đôi mách xung quanh mối quan hệ của bạn và anh ta.
Khi "không có lửa..."
Kinh nghiệm về quan hệ với đồng nghiệp khác giới của Minh Liên, 30 tuổi, phụ trách marketing cho một ngân hàng ở Hà Nội là rất đáng học hỏi.
Liên có một bạn hàng là nam giới, và cô rất quý mến anh ta. "Nếu bạn cứ cố tỏ ra bí mật, kín đáo thì mọi chuyện càng tệ. Qua làm việc với anh bạn đối tác của tôi cũng như những bạn hàng nam giới khác, tôi nhận thấy một điều rất rõ ràng là: thiên hạ sẽ lập tức đồn đại nếu bạn tìm cách che giấu bất cứ cái gì, dù nhỏ hay lớn, dù bạn có thiện ý hay cố tình. Vì thế, tôi cảm thấy nếu tôi chẳng có gì phải giấu cả thì tôi nên thẳng thắn, công khai mọi việc...".
Liên đưa ra ví dụ là cô không bao giờ nói chuyện với anh chàng đối tác kia khi cửa phòng đóng, họ luôn gặp nhau ở nơi công cộng, nói chuyện, bàn bạc thoải mái trước mặt những người khác, hoặc ít nhất là trước mặt cô trợ lý của anh ta. "Nếu chúng tôi cần phải giải quyết công việc trong một bữa ăn, tôi luôn gọi điện báo cho chồng tôi biết là tôi sẽ đi ăn tối với ai, vì việc gì, ở nhà hàng nào...".
Người nhiều khả năng tung tin đồn nhất chính là cô thư ký của sếp, hay của người bạn hàng. Rất có thể, cô gái này mê ông chủ mình và muốn giữ anh ta cho riêng mình. Mà cũng có thể chỉ là do tính thích "buôn dưa lê" cố hữu.
Bạn hãy cố gắng đừng làm cho cô ta nghi ngờ bất kỳ điều gì những lúc bạn phải có mặt cạnh sếp của cô ấy. Hãy kéo cô ta vào cuộc, làm cho cô ấy tin rằng bạn cũng không thiết tha gì với việc phải đàm phán một vấn đề lâu đến thế này, và rằng nếu có cô ấy cùng giúp sức để vấn đề được giải quyết nhanh chóng thì thật là hay.
Đừng gọi điện trực tiếp cho anh ta, hãy thông qua cô thư ký để cô ta được biết bạn gọi điện cho anh ta vì công việc. Còn với những đồng nghiệp của mình, hãy chia sẻ những thông tin cũng như mọi vấn đề đang bàn bạc giữa bạn và đối tác nam giới kia. Đây không chỉ là cách bạn tránh tai tiếng cho riêng mình mà còn là cách bạn tránh những mối quan hệ không cần thiết với chính đối tác kia.
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Bạn đã đối nhân xử thế vẹn toàn mọi nhẽ, bạn cũng đã cố gắng để bản thân mình không trở thành một đối tác khó chịu, nhưng những người đồng nghiệp vẫn không để cho bạn được yên. Nhìn chung, do giao tiếp nơi công sở khá là tế nhị và phức tạp: bạn cần tạo dựng một mối quan hệ thân thiết, nhưng lại không được quá riêng tư, nên bạn phải biết phân loại tính cách từng nhóm người để có thái độ cư xử thích hợp nhất.
Với những đồng nghiệp khiếm nhã, lịch sự và thẳng thắn là thái độ cư xử tối ưu. Tại nơi làm việc, loại người này khá nhiều và biểu hiện dưới nhiều dạng. Có thể là những người ưa làm bạn khó chịu vì thói tự nhiên chủ nghĩa của họ, có thể là những người tò mò và ưa bình phẩm...
Tốt nhất là bạn đừng hy vọng có thể thay đổi họ, cũng đừng tỏ thái độ hay giải thích, than phiền này nọ. Khi thấy bạn tự tin, bình thản, không có phản ứng gì, tự khắc họ sẽ không làm phiền bạn nữa. Với những người không trung thực, bạn sẽ rất khó đoán biết quan điểm, thái độ của họ. Có thể họ là một người thân thiết với bạn nhưng rồi lại gây hại cho bạn lúc nào không hay.
Trong công việc, họ sử dụng nhiều mánh khóe khiến bạn gặp thất bại, chẳng hạn đưa cho bạn những thông tin sai lệch, báo cáo sai về bạn với sếp... Với những người ưa "ngồi lê đôi mách", mà dạng người này trong mỗi cơ quan không phải là ít, bạn cũng phải có cách bảo vệ mình. Cách đơn giản nhất: cố gắng giảm tối đa những cơ hội bị nghe "rỉ tai" những lời như thế.
Trong trường hợp không thể tránh được, bạn không nên đưa ra lời nhận xét hay bình phẩm nào, nhưng nên tỏ thái độ đồng tình hay không với lời kể của người đồng nghiệp, với cái cách mà anh ta "đưa tin" và nhất là thói quen "ngồi vỉa hè" của anh ta. Như thế, mọi chuyện sẽ chấm dứt.
Trên thực tế, dù đồng nghiệp là người khó chịu hay "dễ chịu", điều đó đều có thể gây khó khăn cho bạn. Nếu tỏ thái độ bất hợp tác, bạn sẽ tự gây khó khăn cho công việc của mình, nhưng nếu hợp tác quá chặt chẽ và thiếu cẩn trọng, bạn lại tự gây tổn thương cho những mối quan hệ riêng.
Tất nhiên, nếu bạn điều hoà được tiếng nói trái tim và sự tỉnh táo của lý trí, bạn sẽ tìm ra cách ứng xử thích hợp nhất để một phần ba thời gian trong ngày bạn cảm thấy hiệu quả và dễ chịu.
Nguồn: (Theo Tư Vấn & Tiêu dùng)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này