Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 28,186
Buổi học nào SV đến đông đủ, háo hức nhất: chắc chắn là buổi học phụ đạo. Học phụ đạo để có được đề cương ôn tập ít câu hỏi nhất, để đến được gần đề thi nhất và để nộp tiền. Một số SV cho rằng, phụ đạo chẳng qua là một hình thức “chùa thầy” tập thể và có phần... “hợp pháp”.
Đau đầu với tiền phụ đạo
T.V.A, sinh viên trường ĐH Xây dựng cho biết: "Kỳ nào cũng vậy, cứ gần đến ngày thi là lớp lại tổ chức một buổi mời thầy phụ đạo. Tiền bồi dưỡng là chuyện đương nhiên, trung bình khoảng 500.000đ, tùy thầy và tùy môn có thể nhiều hơn". Tiếng là sinh viên tự tổ chức và chủ động mời thầy cô lên lớp nhưng thực ra đây là "kinh nghiệm" mà khóa trên truyền cho khóa dưới, "cứ thế mà làm, không phải thắc mắc".
ĐH Xây dựng, cũng như các trường khối tự nhiên khác, những môn đại cương phải học thuộc nhiều tương đối là "khó chịu" với dân khối A, B... nên chuyện mời thầy phụ đạo những môn này đã thành lệ. "Bọn mình chủ động đề xuất với thầy cô. Cũng không ngại lắm vì đã thành lệ rồi", T.V.A nói thêm.
Nội dung các buổi phụ đạo này là tổng kết một cách khái quát nhất những gì đã học, sau đó, thầy sẽ giới hạn câu hỏi ôn tập hoặc đưa ra các dạng đề có khả năng thi vào. Thời gian một buổi phụ đạo như thế chỉ kéo dài một cho đến ba tiết, quá ít để sinh viên có thể tiếp thu thêm kiến thức, nhưng đủ để cả lớp có được "những vấn đề chính" cho thi cử.
Ở các trường này, môn đại cương học chung cả khoá, không tách lớp nên số tiền mỗi sinh viên nộp cho một môn không lớn lắm. Song nếu tính tổng số tiền nộp cho tất cả các môn đại cương trong một kỳ học thì lại không hề nhỏ.
Lấy ví dụ từ 1 lớp ở trường B.K: Trong hai năm đầu, học toàn bộ các môn đại cương; tiền phụ đạo một môn đại cương trung bình là 1 triệu đồng; một kỳ có khoảng 7 môn, tức là lớp sẽ phải gánh tầm 7 triệu tiền phụ đạo mỗi kỳ. Một con số không hề dễ chịu! Đó là chưa nói đến việc đi riêng.
Ai muốn điểm cao hơn thì... đến nhà thầy. Kinh nghiệm của sinh viên trường B.K trong chuyện này là đi theo nhóm khoảng 4, 5 người, mỗi người góp 300.000đ, "sang" thì 500.000đ. "Việc mời thầy phụ đạo cả lớp chỉ là cái cớ để thăm dò xem thầy (cô) đó có "dễ" không. Nếu thấy ổn là bọn mình tổ chức đi riêng luôn", N.H.Đ, với bốn năm kinh nghiệm lớp trưởng, và cũng bằng ấy năm kinh nghiệm "mời thầy phụ đạo" chia sẻ.
Bình thường, chuyện tổ chức lớp phụ đạo sẽ do sinh viên đề xuất, nhưng cũng có trường hợp thầy cô "gợi ý" ngay trên lớp: "Nếu các em có gì chưa rõ, thầy sẽ dành một buổi để tổng kết lại".
Phép vua vẫn thua lệ làng!
Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, nội dung học trên lớp gồm: phần lý thuyết, phần thực hành, tuyệt nhiên không có chương trình phụ đạo ở bất kỳ môn nào. Tất cả các trường đại học cũng không có qui định nào trong vấn đề này. Tuy nhiên, hiện tượng phụ đạo trước ngày thi mà như nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ, chủ nhiệm khoa Tâm lý học ĐH KHXH&NV là "không thể chấp nhận được" và "trái với đạo đức người thầy", vẫn diễn ra như một thông lệ.
Đến phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời duy nhất: "Trường không tổ chức hình thức phụ đạo ở tất cả các môn". Do phòng đào tạo "quá bận công việc", "không trả lời bất cứ câu hỏi nào".
Chúng tôi tìm đến Phó giám đốc Học viện Ngân hàng - TS. Tô Kim Ngọc và nhận được thông tin sau: "Học viện Ngân hàng không có hiện tượng phụ đạo. Nếu có chỉ là thầy cô dành một hoặc hai tiết cuối cùng hệ thống lại nội dung môn học và trả lời thắc mắc của sinh viên với tinh thần tự nguyện. Trường hợp sinh viên đề nghị học phụ đạo phải đưa ra được danh sách những câu hỏi cần giải đáp trước. Tuyệt đối không có chuyện thầy cô giới hạn đề thi rồi nhận tiền của sinh viên".
Cô Tô Kim Ngọc cũng nhấn mạnh việc trường có ngân hàng câu hỏi thi. Đề thi gồm hai phần tự luận và trắc nghiệm được bốc thăm ngẫu nhiên nên việc giới hạn đề thi là không thể xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, sau những buổi phụ đạo có bồi dưỡng, dạng đề vẫn được đưa ra và một danh sách dài câu hỏi ôn thi vẫn được rút ngắn lại theo kiểu "khoanh vùng tâm bão".
Điều này đặt ra một câu hỏi nan giải về việc quản lý ngân hàng đề. "Nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào, sinh viên có thể viết kiến nghị bỏ vào Hộp thư thanh tra của trường. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ ý kiến nào từ phía sinh viên về vấn đề này".
Đó là lời khẳng định chắc chắn từ các thầy cô Học viện Ngân hàng, nhưng những gì sinh viên của trường nói thì không hoàn toàn như vậy: "Chuyện học phụ đạo, đi thầy cô lớp nào chả có. Môn nào lớp cũng mất 500.000 đến một triệu. Thầy nào "hách" quá thì phải đi nhiều hơn, chẳng hạn như môn tài chính phải là một triệu mới được. Cô thống kê lớp mình còn nói khéo để SV tự hiểu", (B.T.Y, sinh viên năm ba).
Một điều chắc chắn là sinh viên không bao giờ tố cáo những việc này với nhà trường, dù là thông qua Hòm thư góp ý hay Hộp thư thanh tra - là những “địa chỉ” mà trường nào cũng có nhưng hầu như không ai dùng đến.
Lý do mà họ đưa ra là "ngại rắc rối" và "đã là truyền thống rồi thì nói làm gì nữa"(N.H.V- sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng tâm sự). Thế nên, mùa thi sắp đến, và sinh viên lại tất bật chuyện "phụ đạo".
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Sinh Viên Việt Nam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này