Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 6,826
Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Văn Hiến, Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng du lịch là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự biến động nguồn nhân lực khu vực và thế giới. Những yếu tố tác động đến ngành du lịch không chỉ là môi trường văn hóa mà còn là vấn đề quản trị nguồn nhân lực hiệu quả.
Cần gần 40.000 lao động/năm
Theo Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000/năm, trong đó hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt 7,0%/năm. Nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp như hướng dẫn viên, lễ tân… trong ngành ước tính cần 870.000 người vào năm 2020.
Toàn cảnh hội thảo
Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và ngắn hạn. Vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế đòi hỏi sự liên kết giữa hệ thống đào tạo và doanh nghiệp.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, mặc dù nguồn nhân lực ngành du lịch đã được quan tâm và phát triển thời gian qua nhưng vẫn còn mất cân đối trong cơ cấu, chất lượng theo vùng miền, địa phương. Nguồn nhân lực của ngành chủ yếu tập trung ở những trung tâm du lịch, thành phố lớn.
Song song đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết của ngành du lịch. Đây không chỉ là thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành mà còn là bài toán đặt ra cho hệ thống đào tạo ngành này.
Đơn cử, ngành du lịch Việt Nam đang thiếu đội ngũ cán bộ cấp cao ở cả khối doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, quản lý nhà nước… cho đến hoạch định chính sách chiến lược, đào tạo, nghiên cứu. Ngành này vẫn chưa có cơ chế huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào đào tạo nguồn nhân lực cũng như thiếu cơ chế phối hợp, liên kết giữa các bên liên quan.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Quỳnh Như - giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội việc làm và trao đổi trong lĩnh vực du lịch. Điều này cũng dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt trong thị trường lao động. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng trong nước, chứ chưa nói đến ASEAN và quốc tế.
Để ngành du lịch Việt Nam thu hút hàng triệu du khách, xây dựng thương hiệu, bảo tồn giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra quốc tế cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải được xác định là yếu tố sống còn của “ngành công nghiệp không khói” này.
Thích ứng cách mạng công nghệ 4.0
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế thế giới. Theo ông Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, ngành du lịch chiếm vị trí hàng đầu trong thương mại toàn cầu, được xem là ngành xuất khẩu và tạo việc làm lớn nhất thế giới. Tổ chức Du lịch thế giới đã đưa ra dự báo, trong thế kỷ 21, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất. Do đó, ngày càng nhiều quốc gia xem phát triển du lịch là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Việt Nam.
Xác định du lịch là ngành mũi nhọn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế đặc thù trong phát triển nguồn nhân lực, định hướng xây dựng lực lượng lao động đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Các bộ, ngành cũng không ngừng cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, cạnh tranh, hội nhập và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin và xem đây là giải pháp đột phá để cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Chính sự phát triển và tác động của công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi lớn trong quy hoạch phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện phát triển du lịch cho biết, ngành du lịch Việt Nam đã triển khai chuẩn hóa hệ thống đào tạo nghề du lịch đáp ứng tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia tương đương văn bằng nhằm thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Điển hình, đào tạo về kỹ năng du lịch có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên công nghệ, gắn nghiên cứu với ứng dụng.
Mặt khác, số hóa thông tin, tăng cường khai thác kho dữ liệu về điểm đến, dịch vụ, nghiệp vụ… hướng đến gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách du lịch. Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của các nước ASEAN chính là sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo nhân lực du lịch.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung phân tích và đánh giá nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập, từ đó xác định mục tiêu cụ thể để phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, đưa ra những giải pháp phù hợp với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới. Ngành du lịch Việt Nam chú trọng khắc phục những hạn chế như so với yêu cầu phát triển ngành, lực lượng lao động vừa yếu vừa thiếu ở các khâu then chốt, nhiều lĩnh lực liên quan đến du lịch chưa xem trọng phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu công việc…; hay tỷ trọng lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch còn thấp, khoảng 30% lao động sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ trở lên….
Mỹ Phương
Nguồn: Theo baodansinh.vn
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này