Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 6,000
Hầu hết mỗi doanh nghiệp phải dành ra ít nhất từ 01 - 02 ngày/tuần để cho người lao động nghỉ ngơi, gọi là ngày nghỉ hằng tuần. Dưới đây, LuatVietnam sẽ điểm lại những quy định đáng chú ý về ngày nghỉ hằng tuần để người lao động biết và đòi hỏi quyền lợi cho mình.
1/ Người lao động được nghỉ hằng tuần mấy ngày?
Về chế độ nghỉ hằng tuần, khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ:
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Theo đó, mỗi tuần, người lao động sẽ được sắp xếp nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục, tức nghỉ ít nhất 01 ngày.
Tuy nhiên, do đặc thù của công việc sản xuất kinh doanh mà chu kỳ lao động không thể bị gián đoạn nên doanh nghiệp không thể sắp xếp thời gian nghỉ cố định trong tuần cho người lao động. Trường hợp này, doanh nghiệp phải bố trí cho người lao động nghỉ ít nhất 04 ngày/tháng.
Do đó, tùy từng doanh nghiệp và đặc thù công việc mà người lao động thường được nghỉ từ 01 - 02 ngày/tuần, tương đương khoảng 04 - 08 ngày/tháng.
2/ Lịch nghỉ hằng tuần do ai quyết định?
Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Theo đó, lịch nghỉ hằng tuần sẽ do người sử dụng lao động quyết định và phải được ghi nhận tại nội quy lao động của doanh nghiệp, đồng thời niêm yết công khai tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 118 Bộ luật Lao động, trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, quyền quyết định vẫn nằm ở phía người sử dụng lao động nhưng vẫn sẽ có sự tham gia góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để việc bố trí, sắp xếp lịch nghỉ hằng tuần được phù hợp với người lao động.
3/ Nghỉ hằng tuần có bắt buộc phải sắp xếp vào thứ 7, Chủ nhật không?
Như đã đề cập ở trên, người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền quyết định lịch nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày nào đó khác trong tuần.
Theo đó, không bắt buộc phải nghỉ hằng tuần vào ngày thứ 7, Chủ nhật mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể bố trí các ngày khác trong tuần để cho người lao động nghỉ theo quy định.
Thậm chí, do đặc thù công việc, có trường hợp người lao động còn phải đi làm cả tuần mà không có ngày nghỉ. Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp phải bố trí cho người lao động nghỉ để đảm bảo người đó được nghỉ trung bình 4 ngày/tháng.
Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp thường chọn thực hiện theo chế độ nghỉ Chủ nhật hoặc nghỉ cả thứ 7 và Chủ nhật.
4/ Nghỉ hằng tuần có được hưởng lương không?
Nghỉ hằng tuần là một trong những quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ quy định về việc người lao động được nghỉ liên tục ít nhất 24 giờ liên tục trong mỗi tuần chứ không ghi nhận về việc có được hưởng lương khi nghỉ hằng tuần hay không.
Cùng với đó, Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng ghi nhận một số thời gian được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương bao gồm:
- Nghỉ giữa giờ.
- Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
- Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
- Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh.
- Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
- Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động.
- Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ.
- Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Có thể thấy, nghỉ hằng tuần cũng không thuộc một trong các trường hợp trên. Vì vậy, khi nghỉ hằng tuần, người lao động sẽ không được hưởng lương, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
5/ Đi làm ngày nghỉ hằng tuần được tính lương thế nào?
Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm vào ngày nghỉ hằng tuần sẽ được tính theo lương làm thêm giờ. Do đó, nếu không nghỉ hằng tuần mà đi làm, người lao động được tính lương như sau:
* Đi làm ngày nghỉ hằng tuần thông thường:
- Tiền lương làm việc ban ngày = 200% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
- Tiền lương làm việc ban đêm = 270% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Căn cứ: Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019.
* Đi làm vào ngày nghỉ hằng tuần trùng ngày nghỉ lễ, Tết:
Khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nêu rõ:
3. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết.
Theo đó nếu đi làm ngày nghỉ hằng tuần mà trùng nghỉ lễ, người lao động sẽ được trả theo lương làm thêm vào ngày lễ. Cụ thể như sau:
- Tiền lương làm ban ngày = 300% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm
(Nếu tính cả tiền lương ngày lễ, người lao động được hưởng ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường)
- Tiền lương làm việc ban đêm = 390% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm
(Nếu tính cả tiền lương ngày lễ, người lao động được hưởng ít nhất 490% lương của ngày làm việc bình thường)
Căn cứ: Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019.
Lưu ý: Khi làm thêm giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần là không quá 12 giờ/ngày (theo khoản 4 Điều 60 Nghị định 145/2020).
6/ Buộc nhân viên đi làm ngày nghỉ, doanh nghiệp bị phạt thế nào?
Nghỉ hằng tuần là quyền của người lao động, do đó, người lao động có quyền nghỉ hoặc không nghỉ. Doanh nghiệp không được phép bắt ép người lao động đi làm vào ngày này. Nếu cố tình vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 2 Điều 17 Nghị định này ghi nhận:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Như vậy, nếu không bố trí cho người lao động nghỉ theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.
Cùng với đó, nếu người lao động đồng ý làm ngày nghỉ thì thời gian làm việc tối đa cũng chỉ là 12 giờ, nếu vượt quá, doanh nghiệp sẽ bị phạt như sau:
- 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- 10 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- 20 - 40 triệu đồng: Vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- 40 - 60 triệu đồng: Vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- 60 - 75 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Căn cứ: khoản 4 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Nguồn: Luật Việt Nam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này