Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 18,813
Thế giới thời trang không chỉ dành cho các nhà thiết kế và tạo mẫu châu Âu. Nếu như nước Pháp kiêu hãnh về một Pierre Cardin, còn nước Italia hay nước Đức tự hào về Giorgio Armanie và Hugo Boss thì người Mỹ cũng không kém với tên tuổi của Ralph Lauren.
Ông được coi là một trong những nhà kinh doanh thời trang thành đạt nhất nước Mỹ hiện nay. Từ hàng chục năm nay thương hiệu thời trang Polo của Ralph Lauren đã trở thành tiêu biểu cho một phong cách Mỹ. Và tập đoàn kinh doanh thời trang của Ralph Lauren đang là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Polo có mặt tại trên 130 nước trên thế giới và mang về cho ông chủ trên 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2004.
Ralph Lauren sở hữu nhiều thương hiệu thời trang đắt giá. Nói đến tên ông là người ta nghĩ ngay đến những chiếc áo phông Polo thể thao, mạnh mẽ mà vẫn rất lịch sự. Đó chính là thế mạnh của các sản phẩm thời trang Ralph Lauren.
Cái tên Ralph Lauren, cũng có giá trị không kém nhà tạo mẫu thời trang huyền thoại Pierre Cardin. Người ta vẫn thường thử tính ông sẽ có bao nhiêu tiền với một danh sách dài các thương hiệu đẳng cấp quốc tế như Polo Sport, Lauren, RALPH, Ralph Lauren, Polo by Ralph Lauren, Polo Jeans Co. hay Ralph Lauren Purple Label.
Ralph Lauren sinh năm 1939 tại New York trong một gia đình không giàu có nhưng lại có gen nghệ thuật. Ông là con trai út trong số 4 người con của một hoạ sĩ tương đối nổi tiếng. Khá nhiều người đã biết đến cha của Ralph Lauren khi ông này là hoạ sĩ chuyên vẽ các bức tranh lớn trang trí trên nhnữg bức tường lớn.
Ngay từ bé, Ralph Lauren đã được hít thở trong một không gian nghệ thuật với một môi trường đầy màu sắc. Có lẽ vì thế mà dường như trong con người của Ralph Lauren đã có sẵn cái gen nghệ thuật. Ông có thể say sưa và có cảm nhận rất nhanh, rất nhạy với màu sắc, với thời trang.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Ralph Lauren đã khác biệt với trẻ cùng lứa bởi sự nhạy cảm màu sắc và nghệ thuật đó. Ralph Lauren luôn tỏ ra là một cậu bé sành điệu, thích ăn diện và rất biết ăn diện. Ở trường học cũng như khi ra đường người ta cũng luôn dễ nhận thấy điều đó bởi phong cách ăn mặc rất mốt và rất chịu chơi của cậu bé Ralph.
Chuyện kể rằng khi mới chỉ là cậu học sinh trung học, Ralph Lauren đã rất thích được “thắng” những bộ complet đắt tiền. Và Ralph Lauren đã giấu bố mẹ để làm kỳ được theo ý thích của mình. Bao nhiêu tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt tiết kiệm được, Ralph Lauren bỏ hết ra để sắm một bộ complet “tuyệt đỉnh” lúc đó với giá trên 100 USD. Đây là món tiền rất lớn vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ 20 và lại càng lớn với một thanh niên mới lớn, con nhà không lấy gì làm khá giả như Ralph Lauren. Sau “vụ” này, bố mẹ của Ralph rất bực mình và giận dữ về cậu con trai út ăn chơi sành điệu và rất bướng bỉnh.
Tưởng rằng Ralph Lauren sẽ theo học tại một trường đào tạo về thời trang nào đó thì ông đã gây sốc cho cả gia đình, đột nhiên đòi theo học ngành thương mại. Ngay cả trong những quyết định quan trọng cả một đời người như vậy, Ralph Lauren đã tỏ ra quyết đoán. Ông đã học trường quản trị kinh doanh tại khu phố Manhattan nổi tiếng.
Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh, Ralph Lauren xin vào làm chân bán hàng cho một công ty chuyên sản xuất găng tay. Công việc của Ralph Lauren là chuyên đi tiếp thị, tìm khách và bán hàng. Những kinh nghiệm thị trường và cả những mưu mẹo kinh doanh Ralph Lauren đã có từ đây. Trước sau, Ralph Lauren vẫn là một anh chàng rất thích diện. Người ta thường thấy anh bán hàng Ralph Lauren luôn nổi bật đầy kiêu hãnh với những bộ cánh mốt nhất.
Sau một thời gian, Ralph Lauren chuyển sang làm cho hãng Rivetz chuyên sản xuất caravat. Ralph Lauren lại càng có điều kiện hơn tìm hiểu các nhu cầu thời trang nam mà chính ông là một khách hàng thường xuyên. Khi trực tiếp phải gặp những ông khách khó tính cùng với nhu cầu của chính bản thân, Ralph Lauren đã tự mình thiết kế caravat.
Là người kinh doanh nhưng Ralph Lauren vẫn không hề mất đi phong cách và cái máu nghệ sĩ trong mình. Ông say sưa làm sang cho mình và giới mày râu bởi những caravat kiểu cách và ấn tượng. Ralph Lauren khi đó đã là chủ sở hữu của vô số mẫu mã caravat khác nhau nhưng không để triển lãm mà để kinh doanh kiếm tiền.
Ralph Lauren đột ngột xin thôi việc tại công ty Rivetz để tự kinh doanh. Năm 1968, Ralph Lauren thành lập công ty thời trang Polo Fashion. Không có đủ số tiền 50.000 USD để khởi nghiệp nên Ralph Lauren đã cần có sự tham gia góp vốn của một người anh trai.
Và đương nhiên, sản phẩm đầu tiên mà ông kinh doanh chính là những chiếc caravat “cây nhà lá vườn” được thiết kế nhiều màu sắc, đầy chất ngẫu hứng mà vẫn sang trọng.
Ngay từ khi khởi nghiệp kinh doanh chỉ với mỗi một mặt hàng caravat, Ralph Lauren đã xác định đúng đối tượng khách hàng của mình. Đó là những người có thu nhập khá trở lên và có một phong cách sống, thị hiếu mang tính thể thao.
Cái tên Polo không phải là tình cờ mà cả một sự nghiên cứu chọn lựa nghiêm túc của Ralph Lauren. Ông quyết tâm xây dựng một thương hiệu riêng cho mình. Polo chính là tên của một trong những môn đua ngựa được ưa chuộng. Đua ngựa rõ ràng là một môn thể thao thường chỉ cho giới quí tộc. Và vì thế cái tên Polo sẽ vừa đem lại cảm giác mạnh mẽ, trẻ trung của thể thao lại vừa mang bóng dáng sang trọng của giới quí tộc, thượng lưu. Đấy là mong ước và cũng là mục tiêu mà Ralph Lauren quyết tâm đạt được với thương hiệu Polo của mình.
Sản phẩm caravat Polo của Ralph Lauren được khá nhiều người ưa thích. Thế nhưng ông chỉ bán được trực tiếp mà không tiếp cận được với các hệ thống cửa hiệu thời trang. Các cửa hàng thời trang nhỏ gần như cự tuyệt hoàn toàn với một thương hiệu còn vô danh như Polo.
Không chán nản, Ralph Lauren tìm đến các trung tâm thương mại lớn. Đặc biệt nhất là ông còn dám liều lĩnh đến đặt vấn đề tiêu thụ caravat của mình tại trung tâm thương mại thời trang Blomigdale’s nổi tiếng lừng danh ở New York.
Ralph Lauren đã bị coi là người bảo thủ và cứng rắn cả trong nghệ thuật thiết kế lẫn trong kinh doanh. Các trung tâm thương mại đều ra điều kiện nhập hàng của Ralph Lauren là sửa lại mẫu caravat cho nhỏ lại và phải bỏ mác Polo để thay vào đó một thương hiệu khác có sẵn. Cả hai đòi hỏi đó đều bị Ralph Lauren khăng khăng cự tuyệt. Ông tin tưởng vào sự độc đáo của các sản phẩm do mình thiết kế và quyết tâm xây dựng một thương hiệu riêng bắt đầu từ con số không.
Và rồi cuối cùng Blomigdale’s đã nhận bán hàng của Ralph Lauren mà không đòi các điều kiện như trước nữa. Cái tên Polo đã được chấp nhận là một thương hiệu khi được đứng chung cùng với các tên tuổi khác trong một trung tâm thương mại cao cấp.
Sau này nhìn lại cả quá trình phát triển của mình, Ralph Lauren cũng đã thừa nhận thành công của mình thật sự bắt đầu từ khi Blomigdale’s chấp nhận bán hàng mang tên Polo. Trải qua hơn ba mươi năm, Polo đã trở thành một thương hiệu đẳng cấp quốc tế, không chỉ cho caravat mà còn cho tất cả các mặt hàng thời trang, đặc biệt là thời trang nam.
Sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng với các sản phẩm thời trang độc đáo đã khiến Ralph Lauren nghĩ ngay đến việc mở rộng kinh doanh. Năm 1971, người ta lần đầu tiên thấy xuất hiện các cửa hàng thời trang Polo của Ralph Lauren.
Và gu thẩm mỹ thời trang mạnh mẽ, trẻ trung mà vẫn sang trọng của Ralph Lauren đã chinh phục được đa số khách hàng tầm trung lưu trở lên. Số lượng cửa hàng Polo cứ tăng dần lên. Và số sản phẩm của ông cũng tăng rất nhanh. Cứ đến mỗi mùa là Ralph Lauren lại có ngay những bộ sưu tập thời trang mới rất hấp dẫn người tiêu dùng.
Ralph Lauren không chỉ tập trung vào sở trường chính là thời trang nam mà còn mở rộng sang cả thời trang nữ. Và ông đã sớm thành công ngay với những bộ sưu tập thời trang mang đậm phong cách thể thao mà vẫn rất lịch sự dành cho phái đẹp.
Lúc này thương hiệu Polo đã bắt đầu trở nên nổi danh. Ralph Lauren thành công với các sản phẩm của mình không phải đơn thuần là đẹp hay là giá rẻ. Triết lí kinh doanh thời trang của ông rất rõ ràng và độc đáo. Ralph Lauren đã từng tự hào quảng bá “tôi không thiết kế quần áo mà thể hiện những giấc mơ thông qua quần áo”. Các hoạt động PR, quảng cáo đều thể hiện quan điểm kinh doanh của Ralph Lauren là không phải bán hàng đơn thuần mà đem lại một phong cách sống cho người mua sản phẩm.
Chính vì vậy mà Ralph Lauren đã bán được hàng với giá không hề rẻ chút nào. Những người mặc đồ của Ralph Lauren đều muốn chứng tỏ rằng mình thuộc tầng lớp khá giả, vừa sang trọng lịch sự kiểu truyền thống nhưng lại vẫn có nét mạnh mẽ, trẻ trung của thể thao.
Dày công xây dựng thương hiệu Polo rất thành công, Ralph Lauren cũng nghĩ ngay việc khai thác thương hiệu này một cách triệt để nhất, hiệu quả nhất. Và rất nhiều sản phẩm cá nhân, đồ trang sức cá nhân như đồng hồ bút viết, cặp sách hay mỹ phẩm đồ dùng trong nhà như đồ gỗ, đồ trang trí, đồ dùng thể thao cũng được mang tên thương hiệu Polo.
Thậm chí từ nhiều năm nay người ta còn có thể đặt hàng toàn bộ nội thất của một căn hộ, một nhà nghỉ theo mẫu thiết kế của Ralph Lauren. Một chiếc xe ô tô Camping dùng làm nhà nghỉ di động có thể mang thương hiệu Polo có giá tới hàng trăm nghìn USD.
Năm 1997, công ty thời trang của Ralph Lauren được niêm yết trên thị trường chứng khoán và đã được định giá gần 1 tỉ USD. Sự thành công của thương hiệu Polo và các thương hiệu khác của Ralph Lauren đã làm cho tài sản của ông chủ tăng liên tục.
Ralph Lauren đầu tư khá nhiều vào bất động sản với nhiều toà nhà cao cấp tại New York và cả ở Jamaica. Ngoài ra, người ta còn biết đến nhà thiết kế tài năng và giàu có Ralph Lauren còn có một thú chơi tốn tiền là sưu tầm ôtô và đồng hồ cổ.
Nguồn: (Theo TBKTVN)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này