Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 37,226
Học sinh tiểu học học ngoại ngữ |
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008 - 2020, tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ năm 2010 (hiện nay là môn học tự chọn) đối với các trường tiểu học từ lớp 3.
Rào cản
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục (GD) tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội, việc dạy học tiếng Anh cho học sinh (HS) lớp 3 như một môn học tự chọn đã được Hà Nội thực hiện từ năm học 1991-1992. Nghĩa là đã gần 20 năm, tuy nhiên đến nay ngay trong địa bàn thành phố cũng không phải tất cả các trường tiểu học đã thực hiện được đại trà môn học này. Cụ thể, mới có 661/680 trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh.
Lý do cản trở lớn nhất việc đưa ngoại ngữ vào trường tiểu học ở Hà Nội theo ông Tiến là do cơ sở vật chất của các trường chứ không phải ở đội ngũ giáo viên hay vấn đề nào khác. Ông Tiến nói: “Nhu cầu của phụ huynh về việc học ngoại ngữ cho trẻ là rất lớn, nếu không muốn nói là 100% phụ huynh ở thành phố đều muốn con mình được học ngoại ngữ từ nhỏ, thậm chí học từ lớp 1. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của một bộ phận nhà trường hiện nay đã không đáp ứng được mong mỏi đó. Số trường tổ chức được việc dạy học ngoại ngữ cũng chính là số trường HS được học hai buổi/ngày, bởi lẽ nếu chỉ được học 1 buổi/ngày thì chưa tính những môn học tự chọn, trẻ đã phải học 5 tiết/buổi. Nếu không có buổi học thứ hai để giãn thời khóa biểu và đưa thêm môn học tự chọn thì dù có mong muốn đến mấy cũng không thể “nhồi” thêm cho trẻ học đến 6-7 tiết chỉ trong một buổi sáng hoặc chiều”.
Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ GD tiểu học - Bộ GD-ĐT: Phải có 30.000 - 40.000 giáo viên tiếng Anh
Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 6.000 GV dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Mỗi năm các trường sư phạm cũng chỉ cung cấp 300 - 500 GV mới. Như vậy cho dù các trường sư phạm có “tăng tốc” đào tạo cũng phải một thời gian dài nữa mới có đủ số GV cần thiết. Một khó khăn nữa là thời gian học, điều kiện cơ sở vật chất. Cả nước hiện nay chỉ có khoảng 35% HS được học 2 buổi/ngày. |
Bà Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trường còn phải chung cơ sở vật chất với trường Tiểu học Nguyễn Du - cho biết: “Chúng tôi phải thuê thêm 15 phòng học ở Cung thiếu nhi Hà Nội để cho HS được học buổi 2. Tuy nhiên, phải ưu tiên cho những khối lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 2, trong khi đó, môn Tiếng Anh lại được dạy từ lớp 3. Vậy nên những môn tự chọn đó chúng tôi vẫn chưa thể xếp thời khóa biểu được”.
Ngay giữa thủ đô đã vậy, ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì khó khăn này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bà Trần Thị Thắm - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai nói: “Hiện nay việc dạy học môn tự chọn tiếng Anh mới chỉ thực hiện được trong một số ít trường (khoảng 20 trên tổng số hơn 200 trường tiểu học của Lào Cai). Những trường này tập trung toàn bộ ở khu vực thành phố, thị trấn, còn hầu hết những trường nằm ở vùng sâu, vùng xa chưa có trường nào đưa vào giảng dạy được môn học này. Buổi học thứ hai của các trường vùng dân tộc thiểu số thì để củng cố cho HS về môn Tiếng Việt cũng đã rất chật vật rồi”.
Quy định “cứng” nhưng nên “mềm”
Ông Phạm Xuân Tiến khẳng định: “Việc đưa ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bộ GD-ĐT nên có những chỉ đạo cứng nhưng vẫn phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế khác nhau của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, không nên áp đặt. Cũng không nên vì những khó khăn của vùng sâu, vùng xa mà kéo nhu cầu của vùng thành thị xuống thấp hơn và ngược lại, cũng không thể vì những thuận lợi của vùng thành thị mà bắt những vùng khó khăn phải “kiễng chân” quá so với khả năng và điều kiện thực tế của mình. Cả hai cách áp đặt như vậy đều không thể mang lại hiệu quả như mong muốn”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Thắm cho rằng: “Nên có một lộ trình cụ thể, việc bắt buộc dạy tiếng Anh cần tiến hành ở vùng thuận lợi trước. Đi cùng với đó là việc đầu tư, chuẩn bị đồng bộ cho các trường cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng dạy. Đến khi nào điều kiện thực tế cho phép thì mới đưa vào triển khai như một môn học bắt buộc ở diện đại trà”. Đó cũng là mong muốn chung của các địa phương. Bà Nguyễn Thị Hòa góp ý: “Cần tiến hành từng bước, ở đâu có điều kiện thì thực hiện tới đó và cũng không nên chờ đợi đến khi tất cả các nơi có điều kiện như nhau mới tiến hành đồng loạt...”.
Ngoài ra, việc quản lý chất lượng dạy và học môn học này khi đưa vào giảng dạy trong các nhà trường ra sao cũng là cả một vấn đề. Ông Phạm Xuân Tiến cho biết: “Ngay các phòng GD-ĐT ở Hà Nội cũng chưa có lấy một chuyên viên phụ trách, chỉ đạo chuyên môn về môn tiếng Anh. Trong khi đó, hiệu trưởng các trường tiểu học thì hầu hết đều có trình độ “i tờ” về ngoại ngữ, có dự giờ thì cũng không thể kiểm soát được giáo viên của mình dạy có đạt yêu cầu hay chưa, có đúng nội dung kiến thức mà chương trình yêu cầu hay không?... Vậy thì ai sẽ là người đủ trình độ để giám sát chất lượng trong việc dạy và học môn học này đây?”.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Thanh Niên
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này