Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 52,272
Theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tư vấn Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm (Tổng đài 1088), quan niệm “đàn ông phải có sự nghiệp” đang trở thành gánh nặng không đáng có đè nặng lên vai phái mạnh. Quan niệm này đã nảy sinh nhiều bi kịch, khiến đa số nam giới không tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình.
Đổi gia đình lấy sự nghiệp
Anh Phạm Lê Minh, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Điều này khiến nhiều người tưởng vợ con anh rất hạnh phúc, vì có chồng thành đạt. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, bởi chị Huyền - vợ anh Minh vẫn vất vả bươn chải kiếm sống, nuôi con, thậm chí còn phải trả những khoản nợ do việc kinh doanh của chồng gây ra, bởi công ty của anh bị thua lỗ nặng. Mặc dù anh nhận thầu những công trình tiền tỷ, nhưng do cách điều hành không khoa học nên sau mỗi lần thanh quyết toán, số tiền anh thu được không đủ trang trải tiền vật tư, công thợ, vận chuyển và những chi phí phát sinh khác.
Sự nghiệp "đè chết" đàn ông
Thấy chồng càng kinh doanh càng đổ nợ, chị Huyền khuyên anh nên bỏ kinh doanh, đi làm việc khác. Số tiền anh nợ, hai vợ chồng sẽ cùng nhau làm lụng tích cóp trả dần, nhưng anh Minh nhất mực không nghe. Anh bảo: “Để có việc làm kiếm chục triệu đồng mỗi tháng, đối với anh quá đơn giản. Nhưng đã làm thằng đàn ông thì phải có sự nghiệp; Muốn đổi đời thì phải làm lớn. Nếu cứ đi làm thuê lèo tèo mấy triệu đồng/ tháng thì còn có nghĩa lý gì”.
Bằng cách nghĩ đó, anh Minh vẫn đeo đuổi giấc mộng doanh nhân thành đạt, bất chấp mọi lời khuyên của người thân trong gia đình. Tiền ngày càng vơi, nợ ngày càng lớn, hiện đã lên đến hàng tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Vợ con anh sống nheo nhóc, khổ sở, nhà phải đi thuê.
Những thất bại trong công việc, căng thẳng về tiền bạc, những bất đồng trong quan niệm sống, sự thiếu hụt vai trò của người cha trong gia đình... khiến gia đình anh lúc nào cũng căng như dây đàn. Anh ngày càng trở nên nóng nảy, mọi hành động lời nói vượt tầm kiểm soát. Chịu đựng không nổi, chị Huyền đành đâm đơn ra tòa ly hôn...
Đa số đàn ông đều... khổ
Chị Nguyễn Yến Nhi, chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (TƯ Đoàn TNCS HCM) cho rằng, trường hợp như anh Minh không hiếm trong cuộc sống. Nhiều người đàn ông do không thoát khỏi quan niệm “đàn ông phải có sự nghiệp” nên tự tạo áp lực cho mình. Họ quay cuồng giữa năng lực và khát vọng. Khi không thành đạt, họ tự chuốc thêm những đau khổ không đáng có cho mình. Bi kịch ở chỗ, số đàn ông có sự nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ; Số còn lại đa phần vẫn là những người đàn ông công chức, lao động bình thường.
Cho đến nay chưa ai làm một cuộc điều tra xã hội học nào về vấn đề này, nhưng xét từ bi kịch trên cho thấy đa số đàn ông hiện nay đều khổ. Do quá đam mê sự nghiệp, nhiều người đã đánh mất sức khỏe, tiền bạc, có người còn mất cả gia đình, thậm chí đánh mất cả chính mình. Ngoài ra, còn có một dạng bi kịch khác: Khi không có sự nghiệp, họ trở nên mặc cảm để rồi nảy sinh những ứng xử tiêu cực như: rượu chè, cờ bạc bê tha, đối xử với vợ con cục cằn thô lỗ, dùng nắm đấm biểu đạt sức mạnh của mình...
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tư vấn Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm (Tổng đài 1088) cho rằng, quan niệm “đàn ông thì phải có sự nghiệp” cần phải được giải phóng. Chính quan niệm này đã chất lên vai nam giới một gánh quá nặng.
Những người đàn ông bình thường cảm thấy không những bị cha mẹ, bạn bè, vợ con coi thường mà ngay chính bản thân cũng mặc cảm là mình kém cỏi. Cũng chính bởi quan niệm này đã khiến hầu hết đàn ông quên mất vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Vai trò đó, không phải duy nhất là tiền bạc hay sự thành đạt ngoài xã hội mà là tổng hòa của tình yêu thương và trách nhiệm.
Hạnh phúc gia đình, sự lớn lên của con cái mới chính là hạnh phúc đích thực của mỗi người, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà. Sự thành đạt chỉ là một mặt trong muôn vàn yếu tố tạo nên hạnh phúc đó.
Theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, đàn ông nên coi sự nghiệp và gia đình quan trọng như nhau. Nếu thành công trong sự nghiệp mà gia đình bất hạnh, tan vỡ thì làm sao có hạnh phúc trọn vẹn.
Nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc và sự phấn đấu để có sự nghiệp là hai quá trình tương hỗ, không hề đối nghịch, triệt tiêu nhau như một số người lầm tưởng. Tuy nhiên, hiện không ít người vẫn sai lầm cho rằng, hai thứ đó như nước với lửa, có cái nọ thì phải mất cái kia.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Nguồn: Theo Gia đình
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này