Tại hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, TTHC giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19”, diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết, để kịp thời ứng phó dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh (ĐKKD), sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa phi giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 ĐKKD, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa KTCN và 30/120 TTHC về KTCN. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành cũng đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn năm tháng hoạt động, đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 39 triệu lượt truy cập; hơn 150.000 tài khoản đăng ký; gần 8,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; gần 85.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng; tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, có rất nhiều lợi ích từ cải cách TTHC. Việc này góp phần khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; tăng năng lực cạnh tranh cho DN; giải phóng nguồn lực của người dân, DN dành cho việc tuân thủ các thủ tục không cần thiết; tạo ra môi trường đầu tư - kinh doanh (ĐT-KD) lành mạnh, hiệu quả, khuyến khích ĐT-KD; giảm chi phí giám sát của Nhà nước cũng như chi phí tuân thủ của người dân, DN… Cải cách TTHC là một trong những kênh quan trọng giúp DN “vực dậy” hoạt động sản xuất, kinh doanh thời hậu Covid-19.
Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh (MTKD) tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã có những bước cải thiện nhanh, rõ nét, các DN đã tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí hoạt động so trước. Tuy nhiên, vẫn còn những nút thắt cần tiếp tục được tháo gỡ nhằm tạo “cú huých” đột phá cho việc phát triển của DN.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị phù hợp từng đối tượng chủ thể kinh doanh để DN tự tham chiếu, đánh giá và hoàn thiện bản thân DN. Với những đối tượng chưa đạt tiêu chuẩn, Nhà nước cần đưa ra các chính sách nâng đỡ, dìu dắt; còn với những DN đã đạt chuẩn nên đưa ra các chính sách khuyến khích DN phát triển. Hiện nay, đang tồn tại thực trạng là các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cộng đồng DN nhỏ và vừa (NVV) đang thiếu MTKD trên không gian số. Vấn đề số hóa, chuyển đổi số đang được đề cập rất nhiều, tuy nhiên để hoàn toàn nắm được việc số hóa là gì, chuyển đổi số là gì… một cách cụ thể rõ ràng thì giới DNNVV gần như còn rất mơ hồ.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam bày tỏ, tại Nghị quyết số 68/NQ-CP (NQ 68) về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 mới được Chính phủ ban hành, đã nêu quan điểm: Cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển DN. Do đó, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành cho DN và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19. Điều này, có ý nghĩa và tác động rất lớn tới sự ổn định và niềm tin của DN, người dân. Bên cạnh đó, tích cực cải thiện MTKD, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho DN, người dân.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào 10 nhóm lĩnh vực cải cách MTKD, cắt giảm ĐKKD, TTHC… mới chỉ đề cập đến một phần của môi trường, thể chế, điều kiện kinh doanh. NQ 68 ra đời là chương trình cải cách toàn diện và tổng thể, hướng tới bãi bỏ tất cả các quy định từ ĐKKD hay TTHC. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, Chính phủ nên đem tinh thần chống dịch Covid-19 vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế minh chứng, tinh thần đó tạo ra rất nhiều hiệu quả, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã có rất nhiều gói biện pháp và kết quả đạt được là rất tích cực.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ tạo lực đẩy giúp DN có thể phục hồi tốt nhất.