Công ty TNHH TS Vina là doanh nghiệp FDI được thành lập năm 2013, chủ sử dụng là người Hàn Quốc, hoạt động trong ngành may công nghiệp. Công ty thuê nhà xưởng của Tổng Công ty Tiên Sơn để hoạt động.
Người lao động lao đao
Năm 2014, khi công ty đi vào hoạt động đã giải quyết công ăn
việc làm cho nhiều lao động địa phương, có lúc lên tới con số hàng ngàn. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty bắt đầu nợ tiền lương, nợ BHXH người lao động, thậm chí nợ cả của người vận chuyển hàng hóa, người nấu ăn…
Người lao động lao đao vì bị chủ người nước ngoài nợ rồi "bặt vô âm tín".
Tình trạng trên khiến người lao động thường xuyên ngừng việc tập thể, đình công. Các cơ quan chức năng, các đoàn liên ngành của tỉnh, trung ương đã tiến hành kiểm tra và xử phạt nhiều lần, nhưng công ty vẫn chây ỳ, dẫn đến tình trạng tồn đọng “nợ khủng”, khiến người lao động lao đao.
Anh Nguyễn Văn Hải, Tổ trưởng tổ Cơ điện của Công ty TS Vina cho biết: "Tôi là một trong những công nhân đầu tiên làm việc tại công ty từ năm 2014. Nhưng đến hết tháng 4/2017, công ty không đóng BHXH cho công nhân nữa.
Hàng tháng chúng tôi vẫn bị trừ tiền lương vào khoản bảo hiểm. Vì quá bức xúc nên chúng tôi có lên huyện đình công, thì đại diện công ty hứa sẽ cố gắng giải quyết, thế nhưng hứa mãi mà không làm. Vợ tôi cũng là công nhân của công ty này và cũng bị nợ bảo hiểm. Gia đình tôi còn bị thiệt đơn thiệt kép, bởi vợ tôi sinh con tháng 11/2017, trong khi tiền bảo hiểm nợ từ tháng 5 nên không được hưởng tiền thai sản".
Tương tự gia đình anh Hải, chị Trịnh Thị Hạnh, công nhân của công ty này cũng không được nhận tiền thai sản với lý do chị sinh con vào tháng 2/2018 mà trong thời gian này công ty không đóng bảo hiểm cho chị. Không những vậy, lương tháng 11 và 12/2019 chị cũng chưa được nhận.
Không chỉ công nhân phải lâm cảnh lao đao, người nấu ăn cho công nhân như bà Trịnh Thị Liên cũng vậy. “Tôi nấu ăn cho công ty từ năm 2014, ban đầu suôn sẻ. Sang năm 2015, công ty không thanh toán đủ tiền nấu ăn tập thể cho tôi, đến tháng lại trả 1 phần rồi tiếp tục nợ chồng lên. Công ty nợ tôi có lúc cao nhất lên tới gần 3 tỷ và hiện tại là gần 1,5 tỷ đồng" - bà Liên nói.
Lần lữa mãi nợ vẫn hoàn nợ nên năm 2018, bà buộc phải ngừng nấu, công nhân phải tự lo ăn uống ở ngoài. Về phía Công ty cũng có hẳn một văn bản nhận lỗi và vạch ra lộ trình trả nợ rất cụ thể, kể cả sang năm 2020. Mỗi tháng công ty cam kết trả nợ cho bà 100 triệu cho đến hết nợ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, bà đã không liên lạc được với chủ doanh nghiệp này nữa.
"Từ năm 2017, Công ty bắt đầu nợ tiền của tôi, thời điểm cao nhất lên đến 800 triệu đồng. Lúc này, tôi ép nên họ trả dần theo kiểu nhỏ giọt và khất lần, hiện món nợ là gần 500 triệu. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi không chạy xe cho họ nữa và giờ tôi cũng không biết Giám đốc Công ty đang ở đâu” - anh Trịnh Văn Ngọc, làm hợp đồng vận chuyển công nhân, hàng hóa với Công ty TS Vina ngậm ngùi.
Gian nan công cuộc đòi nợ!
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Khang, Giám đốc BHXH huyện Yên Định cho biết, công ty TS Vina nợ BHXH từ tháng 4/2017. Đã có nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, trung ương về kiểm tra và có lần xử phạt.
Công ty đã nộp phạt và vạch ra kế hoạch trả nợ, nhưng thực tế lại không thực hiện. Hiện số nợ đã lên đến hơn 18 tỷ đồng.
Công ty TS Vina thuê mặt bằng nhà xưởng, máy móc không giá trị bao nhiêu.
Theo các nhà chức trách thì công cuộc “đòi nợ” này rất gian nan, bởi ông chủ là người nước ngoài nên việc liên lạc, triệu tập rất khó. Nếu Công ty tiếp tục chây ỳ thì chỉ còn con đường khởi kiện.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Đối với Công ty TS Vina thì các đoàn thanh tra, liên ngành của tỉnh, trung ương kiểm tra, thanh tra, xử phạt rất nhiều lần từ năm 2014 đến năm 2019. Giờ chỉ còn cách khởi kiện, chúng tôi sẵn sàng nhận ủy quyền để đồng hành cùng người lao động.
Tôi cho rằng khởi kiện thì đương nhiên Công ty TS Vina thua, nhưng thi hành án bằng gì. Bản thân ông chủ doanh nghiệp không có tài sản ở đây, chỉ thuê mặt bằng nhà xưởng với số lượng máy móc đã qua sử dụng mà giá trị không đáng bao nhiêu. Các cơ quan cũng đang bí chỗ này".
Liên quan đến việc này, lãnh đạo UBND huyện Yên Định cũng cho biết không thể liên lạc với ông chủ người Hàn. Huyện đã nhiều lần gửi giấy mời yêu cầu họ tới làm việc nhưng đều không có mặt. UBND huyện Yên Định cũng đã làm báo cáo UBND tỉnh về việc này".
Bình Minh