|
Anh Phạm Hồng Niên, chống mảng chở học sinh đi học về qua sông tại bến Đắm
|
Bên đôi bờ sông Âm, dẫu đã có nhiều đổi thay, đời sống của đồng bào các xã Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh... huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hoá vẫn còn nhiều vất vả. Khó khăn hơn cả là hành trình đến với cái chữ. Dòng sông Âm chia đôi địa giới hành chính của xã Vân Am. Tính từ điểm đầu cho đến điểm cuối của xã Vân Am, thì sông Âm dài 17 km.
Vân Am có 17 thôn (bên hữu có 7 thôn, có 4 thôn có đồng bào sinh sống ở cả 2 bên tả, hữu sông), với hơn 6.000 khẩu/1.134 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,8%.
Nơi này có 3 dân tộc Kinh, Mường, Thái cùng sinh sống (chủ yếu là dân tộc Mường).
Dòng sông Âm đã đem lại điều kiện thuận lợi về nguồn nước sinh hoạt, sản phẩm sông nước và thiên nhiên trữ tình nhưng dòng Âm cũng đã từng cuối trôi đi nhiều ngôi nhà, nhiều người xấu số trong những trận mưa to, lũ quét, lũ ống.
Toàn xã Vân Am có 4 trường học (một trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS), đều được xây dựng phía bên tả sông. Việc xây dựng 2 khu lớp học lẻ bên hữu sông vẫn không đáp ứng được việc học tập của các em học sinh.
Anh Phạm Hồng Niên (ở làng Đắm) chống mảng ở bến Đắm được 4 năm cho biết: “Từ năm 2004 trở về trước, khi chính quyền xã chưa bố trí người chống bè, mảng thì việc qua sông do người dân tự chủ động. Có khi học sinh phải bơi qua sông hoặc tự chèo đò. Nhiều tai nạn đã xảy ra như: lật thuyền, mất hàng hóa, cặp sách...
Do địa hình của dòng chảy sông Âm, nên ở đây không thể dùng thuyền thúng, đò để sang sông được vì rất nguy hiểm. Những khi nước dâng cao, chảy xiết chúng tôi phải dừng việc chở người qua sông. Có những đợt thi học kỳ, khai giảng, học sinh phải tập trung ở khu chính. Chở được hết các học sinh qua sông cũng gần 2 giờ đồng hồ nên chuyện muộn giờ học, giờ thi của các cháu diễn ra thường xuyên.”
Hiện nay, ở bến đỗ này, chính quyền xã bố trí hai người thay nhau vận hành bè, mảng. Đến khoảng 7 giờ 30 phút tối (mùa khô) và 6 giờ tối (mùa mưa) là bè, mảng chống sào nghỉ.
“Toàn trường có 185 học sinh, chiếm gần 20% số học sinh của toàn trường, phải đi mảng qua sông đến lớp học. Những khi có mưa lũ, nước lớn nhà trường cho phép các em được nghỉ học. Có những đợt nước lớn đến cả tuần, học sinh nhớ trường, nhớ lớp cứ đứng bên kia nhìn sang, chúng tôi thấy xót xa mà chẳng thể làm gì.
Sau đó, nhà trường phải bố trí các thầy, cô giáo bồi dưỡng, phụ đạo để học sinh theo kịp chương trình. Với lịch học như thế này diễn ra hằng năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương nói chung và mỗi học sinh nói riêng”- Thầy Phạm Văn Hải, Hiệu trưởng trường THCS Vân Am cho biết. Ngoài học sinh THCS ra, có thêm hàng trăm cháu học bậc mầm non và tiểu học phải sang sông bằng bè, mảng để theo học.
Một buổi chiều ở bến Đắm, cùng nhiều bà mế sang sông đón con, cháu về, chị Bùi Thị Nho (làng Đắm) tâm sự: “Mỗi ngày có bốn lượt, tôi đưa đón con trai là Phạm Thành Vinh (4 tuổi) đang học mầm non sang sông. Có những hôm, nhiều người bận chuyện nương rẫy, nên tôi đón cả vài cháu khác cùng về. Đi lại thường xuyên ở bến sông này, nhưng mỗi khi cầm tay lũ trẻ đứng trên mảng tôi không tránh khỏi cảm giác lo sợ, rùng mình. Đã từ lâu, chúng tôi ước mơ có một cây cầu nối đôi bờ để dân bản bớt nhọc nhằn, lo lắng”.
Khi mùa nước lên, chẳng riêng gì lũ trẻ ham học đứng gọi người chèo mảng để đi học không được đáp lại, mà những trường hợp người ốm đau phải đi viện cũng đành chịu đựng, chờ đợi. Những khó khăn này cũng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các xã miền núi khác như Phùng Giáo, Phùng Minh... - nơi có dòng sông Âm chảy qua.
Gần hai mươi cây luồng kết chặt lại thành mảng và một cây sào để một người chống, chở cả hơn chục người qua sông. Sóng nước mấp mé, dập dình những chuyến bè, mảng qua sông vẫn đang chở nặng khát vọng của đồng bào nơi đây về một cây cầu.