Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 16,643
Hơn 200 triệu dân Indonesia đều biết đến tên tuổi của Liem Sioe Liong, người giàu có nhất của nước này. Ông được khâm phục bởi khả năng kinh doanh nhạy bén và thành đạt trên thương trường của ông.
Nhưng đồng thời ông cũng được nể sợ bởi quyền lực kinh tế và những mối quan hệ rất lớn của ông. Với cả một hệ thống chân rết chằng chịt khắp mọi ngành kinh tế, Liem Sioe Liong đã có những ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí có tính quyết định tới nền kinh tế Indonesia.
Như nhiều nước Đông Nam Á, kinh tế của Indonesia chịu ảnh hưởng rất nhiều của nhóm người thương nhân Hoa kiều định cư ở đây mà chính là Liem Sioe Liong.
Tập đoàn kinh doanh của Liem Sioe Liong đã vươn ra nắm bắt gần như mọi ngành kinh tế của Indonesia. Liem Sioe Liong đã xây dựng thành cả một đế chế riêng của dòng họ Liem.
Đế chế này tham gia vào các ngành xây dựng, ngành thép, chế biến gỗ, làm giấy và các ngành công nghiệp chế biến khác và sở hữu nhiều đồn điền rộng lớn tại Indonesia và nước ngoài. Đã có thời kỳ ông còn được mệnh danh là vua dừa do sở hữu tới hơn 1 triệu cây dừa. Ảnh hưởng ghê gớm của Liem Sioe Liong còn vươn ra cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và cả bất động sản.
Liem Sioe Liong sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 20 tuổi, Liem Sioe Liong đã cùng với một người anh rời quê sang tận Indonesia để kiếm sống. Và họ đã được một ông chủ một xưởng ép dầu dừa nhận vào làm việc.
Như đa phần người Hoa kiều ở khắp nơi trên thế giới này, trong con người Liem Sioe Liong luôn có cái máu kinh doanh. Vì vậy chàng thanh niên họ Liem vẫn không ngừng nuôi chí tự lập, dù chỉ là buôn bán lặt vặt. Liem Sioe Liong đem số vốn liếng nhỏ bé dành dụm được mở cửa hàng bán lạc rang và hài lòng với công việc kinh doanh của mình.
Nhanh nhẹn, mau mồm mau miệng và khéo léo nên Liem Sioe Liong có rất nhiều khách hàng quen. Cuộc sống vất vả nhưng cũng đủ ăn. Không chỉ muốn có vậy, ông mở rộng cửa hàng và bán thêm cả cà phê hạt cũng như cà phê đã rang xay. Liem Sioe Liong lúc đầu chuyên bán lẻ, thậm chí ông còn chịu khó nhận đưa hàng đến tận từng nhà. Dần dần Liem Sioe Liong đã chuyển dần sang bán buôn là chính và đã trở thành một ông chủ “ba Tàu” chính hiệu.
Ông buôn bán mọi thứ, miễn là có lãi. Lúc đầu chỉ là thực phẩm, lạc, cà phê, đường rồi thêm cả hàng quần áo, đồ dùng, máy móc, thiết bị.
Sau hơn 10 năm lăn lộn buôn bán nhỏ, có vốn nên Liem Sioe Liong bắt đầu với những phi vụ kinh doanh lớn hơn. Ông buôn gỗ quí, buôn thuốc men, quần áo với số lượng lớn. Ông tiếp cận và làm quen được với một số nhân vật trong quân đội. Ông môi giới cho các nhà buôn người Hoa trúng thầu cung cấp trang bị cho quân đội.
Chỉ trong một thời gian ngắn gần như các doanh nhân người Hoa đã nắm trọn toàn bộ “cái bánh” lớn là cung cấp hàng cho quân đội Indonesia. Liem Sioe Liong không còn chần chừ nữa và nhảy vào cuộc kinh doanh lớn. Ông không môi giới mà nhận thầu trực tiếp và trở thành người cung cấp chủ yếu các lô hàng quan trọng về trang phục, thuốc men cho nhiều đơn vị quân đội.
Chính trong thời gian này Liem Sioe Liong đã làm quen với Suharto, người sau này trở thành Tổng thống của Indonesia. Buôn có bạn, bán có phường, Liem Sioe Liong liên kết với nhiều Hoa kiều khác đã dần trở thành người có máu mặt trong khối nhà buôn người Hoa ở Indonesia.
Có thể nói trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20, người gốc Hoa đã thao túng cả nền kinh tế Indonesia. Liem Sioe Liong và nhiều doanh nhân người Hoa đã có giai đoạn khốn khó bởi sự tẩy chay và đe dọa của người bản xứ. Nhưng những mối quan hệ sâu ngày càng tăng và cả những liên kết lợi ích kinh tế với gia đình Suharto đã giúp Liem Sioe Liong vượt qua giai đoạn nguy hiểm và ông ngày càng phất lên với các hoạt động kinh doanh của mình.
Người ta không thấy ông có rất nhiều những bất động sản là nhà cửa biệt thự hay vàng bạc. Liem Sioe Liong chủ trương có tiền là đầu tư kinh doanh. Những cú thắng “quả” liên tiếp của Liem Sioe Liong đã đem lại cho ông rất nhiều tiền và ông tiếp tục có vốn để đầu tư vào tập đoàn kinh tế Salim-Group của gia đình.
Tập đoàn Salim lại sở hữu đa phần cổ phiếu của Ngân hàng BCA (Bank Central Asia) là ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Indonesia. Thông qua đầu tư bằng kênh tín dụng của ngân hàng BCA, tập đoàn Salim mà Liem Sioe Liong là ông chủ đã kiểm soát được rất nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp năng như thép, cơ khí và công nghiệp xây dựng.
Từ giữa những năm 60, Liem Sioe Liong cùng với một số đại gia người Hoa làm chủ hoàn toàn thị trường bột mì và thị trường xi măng của Indonesia. Có nhiều năm liền, riêng một công ty xi măng của Liem Sioe Liong đã chiếm tới 50% sản lượng xi măng của cả nước. Với vị thế như độc quyền Liem Sioe Liong có thể thao túng giá cả trên thị trường nội địa và vì thế lợi nhuận mà ông có được là rất lớn.
Không chỉ thị trường nội địa Indonesia chịu sự kiểm soát rất lớn của Liem Sioe Liong mà ngay cả các hoạt động kinh tế với nước ngoài ông cũng thò bàn tay của mình vào để tìm cách kiểm soát hay chí ít là gây ảnh hưởng. Liem Sioe Liong cho thành lập rất nhiều các loại công ty xuất nhập khẩu khác nhau để kinh doanh với các đối tác và thị trường chính của Indonesia.
Tổng cộng Liem Sioe Liong có tới gần 200 công ty khác nhau của mọi lĩnh vực. Tổng doanh số xuất nhập khẩu hàng hóa của các công ty này lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
Có thể ví cả tập đoàn kinh tế Salim của gia đình Liem Sioe Liong như là con bạch tuộc khổng lồ với hai cái vòi lớn vươn ra quấn chặt nhiều ngành kinh tế Indonesia. Một vòi chính là ngân hàng BCA kiểm soát thị trường nội địa và vòi bạch tuộc kia là Quĩ đầu tư Thái Bình Dương trong đó riêng Liem Sioe Liong đã chiếm tới gần 30% cổ phần.
Và chính cái quĩ đầu tư này với cả một hệ thống các công ty, tổ chức, chi nhánh nước ngoài đã kiểm soát phần lớn các hoạt động xuất nhập khẩu. Địa bàn hoạt động của tập đoàn kinh tế Liem Sioe Liong không chỉ bó hẹp mỗi thị trường Indonesia mà còn lan tỏa ra nhiều nước, trong đó đương nhiên quan trọng nhất là các nước Đông Nam Á và khu vực lân cận.
Đại gia kinh doanh Liem Sioe Liong đã cho xây những trụ sở khá hoành tráng ở Thái Lan, Malaysia hay Hong Kong. Liem Sioe Liong cũng có nhiều quan hệ kinh doanh với các đối tác Hà Lan, Mỹ và một số nước châu Phi.
Do đâu mà chỉ trong vòng mấy chục năm mà hình thành và tồn tại một đế chế Liem Sioe Liong khổng lồ và đầy quyền uy kinh tế như vậy? Bên cạnh khả năng kinh doanh nhạy bén, Liem Sioe Liong đặc biệt có tài ngoại giao và quan hệ khôn khéo. Liem Sioe Liong có mặt khắp nơi, mọi chỗ, mọi ngành trong nền kinh tế Indonesia nhưng các công ty đều đứng danh người khác hoặc là công ty cổ phần với nhiều nhân vật có thế lực.
Các nhà phân tích khẳng định, chính mối quan hệ thâm giao với gia đình Tổng thống Suharto đã tạo cho Liem Sioe Liong một vỏ bọc và một điều kiện rất lớn để kinh doanh. Rất nhiều công ty, Liem Sioe Liong đã khôn khéo để cho con trai hay người nhà của Tổng thống đứng tên hoặc tham gia cổ đông chính.
Tham gia góp vốn vào ngân hàng BCA của gia đình Liem Sioe Liong có hai con trai của Suharto. Có những thông tin cho rằng vì thế mà những lúc khó khăn về vốn và thanh khoản thì BCA được nhà nước bơm tiền khá dễ dàng. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong tính cách của Liem Sioe Liong là ông khéo léo trong ngoại giao, biết nhiều và quan hệ rộng với các chính khách, nhà chính trị. Liem Sioe Liong có biệt tài nhận xét đánh giá con người rất tinh tế chính xác.
Ông thường “ngắm” trước những nhân vật sẽ có vị trí cao trong chính trường và xã hội để làm quen và kết thân. Trường hợp của Tổng thống Suharto là ví dụ tiêu biểu nhất. Liem Sioe Liong quen và kết bạn với Suharto khi ông này chỉ là một anh lính trẻ đang làm nghĩa vụ quân sự. Còn vô số trường hợp khác tương tự và Liem Sioe Liong đã tận dụng tối đa các lợi thế này để phục vụ mưu cầu kinh doanh của mình. Liem Sioe Liong đã khôn khéo và kỳ công xây dựng cho mình các liên minh chặt chẽ với những người có thế lực.
Sự liên minh đó rất nhiều trường hợp được ràng buộc bởi các quan hệ kinh tế đa chiều. Nhiều thông tin thống kê cho thấy có tới ít nhất gần 30 công ty của Liem Sioe Liong là có cổ phần của các quan chức cấp cao của nhiều ngành kinh tế quan trọng như ngoại thương, tài chính, công nghiệp, y tế...
Trong những năm 70 và 80 ông là tỉ phú giàu nhất châu Á với hàng tỷ USD. Rõ ràng Liem Sioe Liong rất thành đạt, thành công với sự nghiệp của mình. Thế nhưng cách ông làm giàu thì không phải ai cũng có thể học theo để thành công như vậy.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: (Theo TBKTVN)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này