Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 24,823
Công nhân trong các xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hầu hết là nữ. Đa số họ đang bị vắt kiệt sức, nhiều người lâm vào cảnh bệnh tật…
Suốt ngày đêm đứng lột tôm
Hai chị em ruột Nguyễn Thúy Kiều, 32 tuổi và Nguyễn Thị Ánh Xuân, 22 tuổi, ở xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng), làm việc tại Cty TNHH Chế biến Thủy sản út Xi ở xã Tài Văn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).
Nguyễn Thúy Kiều kể: “Sáng sớm, em vô ca đến 5 giờ chiều mới về nhà trọ, nấu cơm ăn, đi ngủ. Trong xí nghiệp phải đứng suốt, hễ nghe “bạch” là có người xỉu”.
Lương được trả theo sản phẩm - Nguyễn Thị Ánh Xuân nhớ lại: “Lúc mới vô làm thử việc lột tôm bị nước ăn lở tay chân, tiền lương chỉ đủ cơm hàng ngày. Hiện nay, em làm khâu nhúng bột, đỡ cực hơn, lương gần 2 triệu đồng”.
Cả Xuân và Kiều đều là những nữ công nhân có hợp đồng. Các xí nghiệp chế biến thủy sản còn có lực lượng lao động thời vụ. Vào vụ tôm, xe của các xí nghiệp chạy theo những tuyến đường cố định để rước lao động.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) cho biết: “Hễ thấy xe xí nghiệp chế biến thủy sản Ngọc Sinh chạy dọc theo tuyến đường từ khuya là biết có nhiều tôm. Lao động công nhật chủ yếu lột tôm, trả công theo sản phẩm, ngoài ra chẳng có chế độ gì”.
Nhà ở cạnh Quốc lộ 1A, ấp Cây Trâm, xã Định Bình (TP Cà Mau), 4 mẹ con chị Võ Thị An làm nghề lột tôm cho Cty TNHH chế biến thủy sản Quốc Việt. Chị Võ Thị An nói: “Trồng lúa thì nghèo túng quanh năm. Chuyển sang nuôi tôm, tôm chết hoài.
Bốn mẹ con tôi đi lột tôm kiếm sống qua ngày. Thức dậy lúc nửa đêm, đến cửa xí nghiệp ngồi chờ mở cửa vào lột tôm. Lớn tuổi rồi, giành giật từng con tôm, bị người ta chửi như con nít. Nhưng khi tôm nhiều thì họ đóng cửa lại không cho ra về, đói bụng muốn xỉu luôn”.
Bà Nguyễn Thị Ba và 3 đứa cháu ngoại lao động công nhật tại các xí nghiệp chế biến thủy sản phường 8 (TP Cà Mau). Bà cháu ở dưới Rạch Lùm, xã Khánh Hải (Trần Văn Thời) lên thuê gian nhà trọ 130 ngàn đồng một tháng để ở và lột tôm.
Bà Ba kể: “Từ ngày cha nó chết, bỏ chúng cù bơ cù bất, không có gạo ăn nói chi học với hành. Nhờ lột tôm mà chúng có miếng ăn, tấm áo mặc lành lặn. Ngày lễ, Tết cũng được gói bột ngọt, gói muối i-ốt”. Bao năm rồi, bà cháu dắt díu nhau đi lột tôm, nhưng cũng chỉ làm “ngày nào ăn ngày ấy”. Ráo mồ hôi là hết tiền.
Tương lai đi về đâu?
Lao động vất vả trong môi trường độc hại, ăn uống thiếu thốn, nghỉ ngơi ở các căn nhà trọ thiếu tiện nghi tối thiểu nên nữ công nhân xuống sức rất nhanh, nhiều người mang trọng bệnh khi tuổi đời còn trẻ.
Chị Lê Thị Linh, 21 tuổi, quê ở Long Phú (Sóc Trăng) sau hơn 1 năm làm việc tại Xí nghiệp Chế biến thủy sản Thái Tân, kể: “Em đứng làm việc nhiều lúc bị chảy nước mũi và hai chân như kim đâm”.
Còn Nguyễn Thị Việt, làm việc tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Phương Nam, hơn 4 tháng bị xỉu trên 10 lần: “Làm việc tập trung, mùi hôi thuốc khử, tôm cá tanh rình, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Mỗi tháng, em có 7 ca phải làm việc trên 20 giờ/ngày đêm”.
Dương Sà Ly, 30 tuổi, ở Liêu Tú (Long Phú) làm tại xí nghiệp út Xi gần 2 năm thì bị bệnh nhức chân do đứng nhiều trong phòng lạnh nên phải nghỉ giữa chừng.
Công nhân lột tôm trở thành cán bộ quản lý giỏi như chị Lê Thị Cúc ở phường 7 (TP Cà Mau) nhưng mới 50 tuổi đã phải nghỉ hưu vì: “Tôi lao động trong ngành thủy sản gần 30 năm có đến 4 lần giải phẫu thanh quản. Nữ công nhân chế biến thủy sản còn làm là có tiền, hết làm thì bất hạnh theo về. Có quá nhiều đồng nghiệp của tôi bất hạnh trong cuộc sống gia đình”.
Nữ công nhân lại không được đóng các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Cty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng) có gần 5.000 công nhân. Trong 2 năm 2003, 2004, Cty này chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 747 người, số còn lại 3.131 người không được đóng và Cty đã chiếm đoạt của họ hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó, người lao động bị trừ 3% lương để thành lập quĩ phúc lợi trái pháp luật.
Cà Mau có 18 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đăng ký sử dụng 15.434 lao động nhưng chỉ 9.633 lao động được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Số lao động thực tế làm việc tại các doanh nghiệp còn cao hơn nhiều lần so với số đăng ký.
Ông Nguyễn Viết Tạo, Giám đốc BHXH Cà Mau, bức xúc: “Còn nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa thực hiện chế độ BHXH cho người lao động từ 3 tháng trở lên, nhất là công nhân lột tôm. Phải đóng thì các doanh nghiệp chỉ đóng BHXH theo tiền lương tối thiểu, chưa đúng tiền lương thực lĩnh. Các chế độ như trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thực hiện nghiêm túc”.
Hầu hết trình độ học vấn của công nhân trong các xí nghiệp chế biến thủy sản lại thấp, tâm lý an phận nên công nhân chưa biết tự bảo vệ mình. Nữ công nhân chế biến thủy sản biến con tôm, con cá thành sản phẩm có giá trị cao đem lại giàu có cho xí nghiệp và đất nước nhưng tương lai của họ thì chưa được quan tâm. Cơ quan nào, cấp nào sẽ giúp đỡ họ cũng là để bảo đảm phát triển ổn định một ngành kinh tế?
Nhiều công nhân bị bệnh tai mũi họng và ngoài da |
Ông Ngô Minh Linh, Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Khoa y tế lao động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng khám sức khỏe định kỳ 262 công nhân chế biến thủy sản tại Cty TNHH thủy sản út Xi phát hiện 46 người bị bệnh tai-mũi-họng (viêm xoang, viêm mũi), 63 người bị bệnh da liễu (nấm móng chân, tay). Tại Cty chế biến thủy sản tổng hợp Sóc Trăng có 1.324 công nhân được khám sức khỏe đã phát hiện 220 người bị bệnh tai-mũi-họng, 71 người bị bệnh da liễu. Bà Lê Tuyết Minh, Chủ tịch công đoàn Cty chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau cũng cho biết: “Kết quả khám sức khỏe vào ngày 10/11/2004, có 1.098 công nhân thì tất cả bị bệnh răng hàm mặt, 608 người bệnh tai-mũi-họng! |
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Source: (Theo Tiền Phong)
Please sign in to perform this function