Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 16,732
Năm học này, Bộ GD-ĐT dự định sẽ gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại sự thay đổi này sẽ gây kẽ hở tiêu cực khi sức ép vào ĐH của HS lẫn phụ huynh quá lớn.
Nhiều HS đề nghị Bộ GD & ĐT nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh Phương Nguyên
Theo Bộ GD-ĐT, hai kỳ thi có ý nghĩa quan trọng nhất đối với học sinh THPT, là kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ chỉ cách nhau chưa đầy hai tháng. Vì vậy, nó đã trở thành một gánh nặng quá lớn về tâm lý và hao tổn sức lực của học sinh, đồng thời rất tốn kém tiền của và nhân lực.
Bộ GD-ĐT cho hay, nước Nga đã thực hiện kỳ thi chung này từ năm 2003 và kết quả rất khả quan. Việc gộp hai kỳ thi quan trọng này thành một có nhiều ưu điểm nổi trội. Ngoài việc có thể tiết kiệm được một khoản lớn tiền của và sức lực của gia đình, xã hội, còn góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và đào tạo.
Không những thế, kỳ thi này còn là dịp để đánh giá đúng chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, từ đó có những biện pháp điều chỉnh khi cần thiết.
Thi "hai trong một" sẽ tạo kẽ hở tiêu cực?
Trao đổi với VTC News, GS.TS Nguyễn Lân Dũng không đồng tình với phương án bỏ thi ĐH theo khối của Bộ GD-ĐT, bởi theo ông, mỗi trường có từng yêu cầu riêng.
“Nếu gộp hai kỳ thi thành một thì chương trình phân ban ở bậc THPT mà Bộ vừa thí điểm trở thành vô nghĩa. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp phải đạt tiêu chuẩn và các hội đồng thi không chấm khác nhau” - GS Dũng phân tích.
Ông dẫn chứng: Ở Trung Quốc, thí sinh thi chung đề trên toàn quốc, các môn đều thi bằng trắc nghiệm và được chấm bằng máy tính. Kết quả thi của từng thí sinh được thông báo trên mạng Internet và học sinh đăng ký nguyện vọng dựa trên số điểm biết được. Thế nhưng, để vào các trường ĐH, thí sinh vẫn phải thi.
GS Văn Như Cương cũng đồng tình phương án này bởi hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ có mục đích hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp của một khóa học nào đó nhằm mục đích kiểm tra xem thí sinh có đạt được các yêu cầu tối thiểu mà khóa học đã đề ra hay không. Còn kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ là kỳ thi nhằm chọn ra những người giỏi hơn những người khác.
Theo GS Văn Như Cương, việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” ở địa phương khó tránh khỏi hiện tượng tiêu cực khi sức ép vào ĐH của phụ huynh và học sinh quá lớn.
Nhiều trường ĐH cũng không đồng tình với đề án của Bộ khi gộp hai kỳ thi. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2006 - 2007 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2007 - 2008 cho các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc ngày 16/8, đa số các ý kiến cũng cho rằng mục đích của hai kỳ thi này hoàn toàn khác nhau nên không thể gộp hai kỳ thi làm một. Còn nếu để giảm áp lực và tốn kém cho xã hội thì nên xét tốt nghiệp THPT thay vì bỏ thi tuyển sinh ĐH.
Ông Đào Trung Đồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng, Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ lộ trình ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Không loại trừ những học sinh có thể chạy điểm, chạy cả kỳ thi tốt nghiệp THPT để đủ điểm vào ĐH.
Tuy nhiên, điều mà ông Đồng băn khoăn hơn cả là nếu gộp hai kỳ thi thì sẽ giải quyết ra sao với những trường hợp đã được công nhận tốt nghiệp THPT nhưng lại trượt ĐH trước đó? Và liệu năm sau, thí sinh vẫn số điểm như thế có được xét vào ĐH hay không?
Nếu "gộp", phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng
Tuy không phản đối việc gộp hai kỳ thi làm một, nhưng một luồng ý kiến khác đề nghị Bộ GD-ĐT phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc áp dụng phương án "hai trong một" này.
GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục) ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT "bởi ghép hai kỳ thi thành một sẽ giảm căng thẳng, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội". Tuy nhiên, GS Phụ cho rằng, Bộ phải nghiên cứu đề án này kỹ lưỡng, thực hiện có tiến độ, có quá trình chứ không làm một cách vội vã.
Trong chuyên mục “Thư gửi Bộ trưởng” thuộc diễn đàn của Bộ GD-ĐT, HS Thùy Trang (Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) khi nghe tin Bộ gộp hai kỳ thi cũng thừa nhận bị "choáng váng" trước quyết định đột ngột này.
"Việc Bộ GD-ĐT đưa ra những cải cách quá nhanh khiến chúng cháu choáng váng và rất dễ dẫn đến hậu quả không như mong muốn” - Trang bày tỏ.
Ủng hộ việc bỏ kỳ thi ĐH, CĐ nhưng cô HS này tỏ ra rất băn khoăn trước việc đang học sâu 3 môn thi ĐH, bây giờ lại phải cuống cuồng lo cho tận 6 môn thi tốt nghiệp mà còn chưa biết cụ thể là những môn nào.
"Thi tốt nghiệp là thi những môn cơ bản, vậy những người tài năng ở một bộ môn đặc biệt nào đó làm sao có thể khẳng định được mình? Thi cơ bản những 6 môn thì biết bạn giỏi ở lĩnh vực nào mà cho vào ĐH?
Không lẽ một bạn trình độ chỉ thuộc loại cơ bản cũng được vào cùng lớp với một bạn có năng khiếu thực sự? Các bạn đam mê tự nhiên sẽ được xếp cùng với các bạn yêu thích xã hội? Nói đưa học bạ ra để xét, nhưng cả nước có cả trăm trường cấp ba đâu có theo một chỉ tiêu chấm điểm chung?" - Đó là câu hỏi về hàng loạt bất cập mà cô HS này đặt ra với lãnh đạo ngành giáo dục.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Source: Theo VTC
Please sign in to perform this function