Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 12,911
Phỏng vấn là cơ hội để thể hiện bạn là ứng viên tốt nhất cho vị trí ứng tuyển. Nhưng để làm được điều đó, bản thân bạn cần nắm rõ những điểm mạnh cá nhân. CareerViet sẽ giúp bạn xác định điểm mạnh cũng như cách thể hiện chúng hiệu quả khi trả lời phỏng vấn.
Việc có điểm mạnh, kỹ năng và phẩm chất liên quan đến công việc mà bạn nhắm đến là rất quan trọng. Trong lúc phỏng vấn, bạn cần thể hiện được rằng kỹ năng bạn có - bao gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm - là phù hợp nhất cho những gì họ cần cho vị trí này.
Hãy dành vài phút để suy nghĩ về điểm mạnh cá nhân
Nếu bạn không chắc về điểm mạnh của bản thân, hãy thử:
Ghi chép những điều bạn thích
Hoạt động nào bạn thích làm nhất và những yếu tố nào làm nó thú vị? Có phải vì nó có bất kỳ kỹ năng hoặc mô hình hoạt động nào đặc thù không? Ví dụ, nếu bạn thích chơi cờ vua, khả năng bạn là người có tư duy hệ thống và năng lực giải quyết vấn đề mạnh mẽ.
Xem xét lại phản hồi từ mọi người
Hãy nhớ lại những điều mà người khác thích hoặc ngưỡng mộ về bạn, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp của bạn hoặc cách bạn tổ chức một nhóm. Hay những lần bạn được giải thưởng hoặc sự công nhận từ tổ chức cho một kỹ năng nào đó...
Làm bài test trực tuyến
CareerViet đã có bài test kết quả tính cách và năng lực để bạn có thể đánh giá bản thân ngay và luôn.
Hình mẫu bạn hướng đến
Những thần tượng trong nghề hoặc ngoài đời - bạn ngưỡng mộ những điểm mạnh nào của họ, và liệu bạn có điểm chung đó không?
“Biết địch, biết ta - Trăm trận trăm thắng”. Ít nhất bạn nên có một danh sách thế mạnh để lựa chọn và chia sẻ với nhà tuyển dụng đúng không?
Khi xác định được điểm mạnh rồi, hãy thực hành đan xen chúng vào câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Nhà tuyển dụng có thể hỏi theo mẫu câu “Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?”, hoặc đặt ra câu hỏi tình huống để đánh giá hành vi. Nhưng về cơ bản, câu trả lời nên đầy đủ các yếu tố: tình huống - nhiệm vụ - hành động - kết quả để thể hiện điểm mạnh.
Đặt mình vào tình huống từng trải qua để tự rà lại điểm mạnh
Ngoài ra:
Tập trung vào chất lượng
Không khoe quá nhiều thế mạnh, mà chỉ chọn 3 - 5 điểm mạnh liên quan đến ngành và có ý nghĩa cho vị trí đang phỏng vấn.
Ví dụ:
“Tôi tin rằng sự chủ động, kỹ năng giao tiếp và tổ chức là ba điểm mạnh lớn nhất của tôi. Trong kỳ nghỉ hè năm thứ 3 Đại học, tôi đã phụ trách quản lý nội dung website của tờ báo X. Tôi đã phối hợp với bộ phận nội dung để nhận tin bài và bộ phận kỹ thuật để làm mới hoặc chỉnh sửa giao diện. Khác với người tiền nhiệm, tôi chủ động hỏi về chủ đề của tờ báo trong tháng tiếp theo, và đề xuất các cách hiển thị mới trên website với kỹ thuật. Tôi khiến giao diện và nội dung được thay đổi hàng tháng một cách đồng nhất với chủ đề của báo in và đảm bảo rằng tất cả các thành viên liên quan đều hiểu được hiệu quả và thông điệp mà những thay đổi này có thể truyền tải."
Nhấn mạnh bằng những câu chuyện cá nhân
Xác định những câu chuyện bạn có thể chia sẻ để chứng minh kinh nghiệm. Bắt đầu bằng cách trả lời trực tiếp câu hỏi, sau đó củng cố bằng một chia sẻ cá nhân.
Ví dụ: “Sự tò mò và khả năng ghi nhớ các thông tin về con người là một trong những điểm mạnh lớn nhất của tôi. Khi nhận một dự án mới, tôi thích hỏi khách hàng những câu hỏi về sở thích và nhu cầu, gốc gác của họ nếu được. Qua đó, tôi có thể kết nối cá nhân với họ trong khi vẫn đảm bảo công việc hiệu quả. Tôi cho rằng mối quan hệ chất lượng với khách hàng rất quan trọng đối với chương trình bán hàng nói riêng và công ty nói chung. Vì thế, tôi tin rằng mình sẽ là một người bán hàng bất động sản tốt."
Thêm một vài phút để suy nghĩ về điểm mạnh cá nhân, biết đâu bạn sẽ tìm ra những cách trả lời phỏng vấn sáng tạo hơn nữa để làm nổi bật bản thân. Hãy là một ứng viên khiến nhà tuyển dụng mong muốn, chứ không chỉ cần.
Source: CareerViet
Please sign in to perform this function