Trong cuộc sống công sở, đôi khi bạn cũng gặp phải những tình huống khó khăn và thất bại. Những lúc như vậy, bạn khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân và chỉ muốn bật khóc, nhất là đối với những nhân viên nữ.
Hình ảnh của bạn khi bạn khóc thật là tồi tệ và nó sẽ khiến đồng nghiệp nghĩ bạn làm việc không hề chuyên nghiệp chút nào. Vì vậy, để giúp bạn kiềm chế tốt được cảm xúc của bản thân ở nơi làm việc, hãy tham khảo một số lời khuyên dưới đây.
Chuẩn bị trước những tình huống khó khăn: Bạn sắp phải tham dự một cuộc họp, bạn biết rằng cuộc họp này chắc chắn sẽ xảy ra những mâu thuẫn và căng thẳng. Vì vậy, hãy chuẩn bị trước những khó khắn đó. Ngoài ra, bạn cũng nên thử tập tranh luận với một người bạn thân. Bạn càng chuẩn bị tốt bao nhiêu thì bạn sẽ càng giảm thiểu được nguy cơ bột phát cảm xúc bấy nhiêu.
Luôn bình tĩnh trong những tình huống nhạy cảm: Một lần nữa, bạn lại không được tăng lương, điều này khiến bạn buồn bã và chỉ muốn bật khóc. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh trước khi bước vào phòng của sếp và phàn nàn, thắc mắc. Kiềm chế sự thất vọng của mình và cân nhắc kỹ mọi điều bạn muốn nói với sếp. Sự bình tĩnh sẽ khiến bạn tự tin hơn và không bị yếu đuối khi nói chuyện với sếp.
Hãy tập trung và hiểu cảm xúc của bản thân: Nếu bạn đang trải qua một ngày vô cùng tồi tệ, bạn nghĩ rằng chỉ có khóc thì mới giải toả được những điều đen đủi trong ngày. Tuy nhiên, hãy lắng nghe cảm xúc và lý trí của mình, hành động sao cho phù hợp. Trong những lúc như vậy, hãy tự nhủ với bản thân rằng nước mắt sẽ làm bạn trở nên yếu đuối trong mắt đồng nghiệp và sếp sẽ nghĩ bạn chẳng làm được việc gì ngoài việc khóc. Như vậy, bạn sẽ không còn muốn khóc nữa.
Tìm cách giải toả cảm xúc: Nếu bạn là người mau nước mắt và dễ khóc, hãy nghĩ ra việc gì đó để ngăn không cho nước mắt rơi khi bạn biết rằng mình sắp khóc. Bạn hãy nghĩ về một tình huống hài hước bạn đã trải qua, uống một thứ gì đó thật lạnh. Đi tản bộ xung quanh văn phòng, thở sâu có thể giúp bạn thư giãn hơn. Tuy nhiên, trong tình huống bạn không kịp để kiềm chế được nước mắt rơi và khóc trước mặt đồng nghiệp hoặc sếp thì cũng không nên lo lắng. Tốt nhất là sau đó, bạn hãy đến nói chuyện và giải thích với đồng nghiệp hoặc sếp về vấn đề của bạn. Hành động này sẽ giúp sếp và đồng nghiệp tạo cho bạn thêm cơ hội để bình tĩnh giải quyết vấn đề bạn đang phải đối mặt.