Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,406
6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.
Tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.
7. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 697,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.868,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 459,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng vốn và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 308,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% và giảm 3,4%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam [5] tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 422,1 triệu USD [6], gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước [7]. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,3 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
[5] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 22/9/2021.
[6] Vốn đầu tư điều chỉnh trong 9 tháng năm 2021 giảm so với 8 tháng do có dự án công ty cổ phần Tập đoàn Điện lạnh điện máy Việt Úc với mục tiêu nhập khẩu và phân phối các sản phẩm điện gia dụng và đồ dùng gia đình tại Myanmar điều chỉnh giảm vốn đầu tư 3,99 triệu USD.
[7] Vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
8. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm (thu ngân sách Trung ương bằng 73,6%; thu ngân sách địa phương bằng 81,1%), trong đó thu nội địa đạt 836,2 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%; thu từ dầu thô 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 170 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó: Chi thường xuyên đạt 689,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa [8]
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng Chín giảm 2% so với tháng Tám. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5% [9]
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 8/2021 đạt 27,23 tỷ USD, cao hơn 1,03 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý III/2021 ước tính đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%. Trong 9 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,66 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 214 tỷ USD, tăng 19,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Hàn Quốc đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 8/2021 đạt 27,34 tỷ USD, thấp hơn 162 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng Chín, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý III/2021 ước tính đạt 84,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5% so với quý II năm nay (tăng 11,8% so với quí I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%. Trong 9 tháng năm 2021 có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 227,65 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15 tỷ USD, tăng 22,4% và chiếm 6,2%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 40,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Thị trường ASEAN đạt 30,7 tỷ USD, tăng 41,2%. Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 19%. Hoa Kỳ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tám nhập siêu 110 triệu USD [10]; 8 tháng nhập siêu 2,63 tỷ USD; tháng Chín ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD [11] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
[8] Số liệu tháng 9/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào ngày 28/9/2021.
[9] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 388,42 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 202,54 tỷ USD, tăng 4,1%;nhập khẩu đạt 185,88 tỷ USD, giảm 0,8%.
[10] Ước tính tháng Tám nhập siêu 1,3 tỷ USD.
[11] Trong đó, 9 tháng năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 42,8 tỷ USD, tăng 70,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 24,1 tỷ USD, tăng 29,6%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỷ USD, tăng 112,3%.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 872 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II giảm 16,9%; quý I giảm 80,6%). Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,9% (quý II tăng 20,3%; quý I giảm 3,4%).
Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 2,66 tỷ USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 107 triệu USD (chiếm 4% tổng kim ngạch), giảm 96,6%; dịch vụ vận tải đạt 266 triệu USD (chiếm 10%), giảm 72,1%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 14,35 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 7,4 tỷ USD (chiếm 51,2% tổng kim ngạch), tăng 32,9%; dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 18,7%), giảm 24,1%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng năm 2021 là 11,69 tỷ USD.
10. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06%; CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 [12]. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.
CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý III/2021, CPI tăng 0,93% so với quý trước và tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 9/2021 giữ ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.
[12] Tốc độ tăng CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,07%; tăng 3,79%; tăng 3,57%; tăng 2,5%; tăng 3,85%; tăng 1,82%.
11. Một số tình hình xã hội
a) Lao động và việc làm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước [13], tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020 [14]
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2021 ước tính là 47,5 triệu người, bao gồm 14,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 30,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 15,8 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực dịch vụ 17,2 triệu người, chiếm 36,1%. Tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,4%; khu vực dịch vụ là 18,8 triệu người, giảm 2,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%), trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng là 2,91% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,72%), trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%.Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III ước tính là 4,39%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.
[13] Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý III/2021 giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
[14] Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2020 là 2,34%; quý II/2020 là 2,85%; quý III/2020 là 2,73%; quý IV/2020 là 2,63%; quý I/2021 là 2,42%; quý II/2021 là 2,62% và quý III/2021 là 3,72%. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2020 là 1,98%; quý II/2020 là 2,98%; quý III/2020 là 2,72%; quý IV/2020 là 1,82%; quý I/2021 là 2,20%; quý II/2021 là 2,60% và quý III/2021 là 4,39%.
b) Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Trong 9 tháng năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Trước tình hình đó, Chính Phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ban hành để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Tính đến ngày 21/9/2021 tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố [15] chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.
Trong 9 tháng năm 2021,tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 10.434,1 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.014,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.624 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói; các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2.349,1 tỷ đồng; hỗ trợ người dân do tình hình bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… là 2.446,1 tỷ đồng. Có hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
[15] Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên và 19 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
c) Tình hình dịch bệnh
Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp [16]. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong có chiều hướng giảm. Tính đến 17 giờ ngày 27/9/2021 Việt Nam có 766.051 trường hợp mắc, 538.454 trường hợp đã được chữa khỏi (18.758 trường hợp tử vong).
[16] Tính đến 17 giờ ngày 27/9/2021 trên thế giới có 232.652 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (4.763,3 nghìn trường hợp tử vong).
d) Tai nạn giao thông [17]
Trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.135 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.237 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.898 vụ va chạm giao thông, làm 4.146 người chết, 2.695 người bị thương và 2.932 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, gồm 19 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 15 người chết, 10 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
[17] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải).
đ) Thiệt hại do thiên tai [18]
Thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng năm nay làm 77 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 25,2 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 86,1 nghìn ha lúa và 44,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 579 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 12,8 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 1.355,2 tỷ đồng, giảm 81,1% so với cùng kỳ năm trước.
[18] Tổng hợp Báo cáo từ 63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ báo cáo từ ngày 19/8-18/9/2021.
e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Trong 9 tháng năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 12.365 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 10.943 vụ với tổng số tiền phạt 191,1 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2021 [19], trên địa bàn cả nước xảy ra 1.770 vụ cháy, nổ, làm 82 người chết và 120 người bị thương, thiệt hại ước tính 343,9 tỷ đồng.
Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước./.
[19] Theo báo cáo nhanh từ Bộ Công an ngày 23/9/2021.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này