Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 8,893
Quấy rối nơi công sở thực ra không phải hiện tượng hiếm có. Nó có thể biến công ty thành môi trường độc hại dù công việc tuyệt vời đến đâu. Vấn đề với phần lớn nạn nhân là không nhận định được mức độ nào nên báo cáo, và phải làm gì nếu gặp phải. Mong rằng kiến thức từ “Bí thuật công sở” của CareerViet có thể góp phần bảo vệ bạn.
Thế nào là “quấy rối”?
Trên thực tế, một số tình huống quấy rối bắt đầu trở nên “bình thường” trong mắt người ngoài, dù mức độ khốn khổ mà nó gây ra cho nạn nhân là nghiêm trọng. Thông thường, hành vi quấy rối không bị báo cáo hay khiếu nại, vì nạn nhân không chắc chắn những gì mình gặp phải đã đủ để coi là “bị quấy rối” hay chưa, và cũng không biết nên làm gì.
Việc thay đổi nhận thức chính là phương án đầu tiên để tất cả mọi người có thể bảo vệ bản thân.
Tại Mỹ, phong trào "Me Too" đã nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục. Các nhà nghiên cứu cho biết họ ghi nhận "sự sụt giảm của các hình thức quấy rối tình dục nghiêm trọng nhất" tại công sở trong khoảng 2016 - 2018. Cùng với đó là nhiều điều luật mới được ban hành sau khi các nạn nhân đứng lên tố cáo.
Định nghĩa về “Quấy rối nơi công sở”
1. Quấy rối tình dục
Về quấy rối tình dục, một tin tích cực là từ 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (dựa trên quy định trong nội quy lao động) vào danh sách các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Điều 84. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc 1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. 2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử. 3. Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định. |
Ngoài ra, Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định người sử dụng lao động phải ban hành Nội quy lao động và Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động.
Như vậy, về mặt luật pháp, đã có những định nghĩa tương đối cụ thể về hành vi quấy rối tình dục cũng như các biện pháp quy định cho doanh nghiệp để ngăn chặn cũng như xử lý, bồi thường cho hành vi đó.
Bạn hãy nhớ: Quấy rối tại nơi làm việc không chỉ giới hạn ở quấy rối tình dục và không loại trừ quấy rối giữa hai người cùng giới tính.
Quấy rối tại nơi làm việc không chỉ giới hạn ở quấy rối tình dục
2. Quấy rối thông thường
Vâng, điều quan trọng phải nhắc lại 2 lần: “Quấy rối” không chỉ bó hẹp trong việc xâm hại tình dục, mà nó có thể là rất nhiều hành động hoặc lời nói không được nạn nhân đồng thuận mà có thể chính chúng ta từng là thủ phạm vì cho đó là “bình thường”. Những hành vi tiêu cực này thường hạ thấp đối tượng dựa trên chủng tộc, ngoại hình, tôn giáo, giới tính (bao gồm cả việc mang thai), bản dạng giới, tuổi tác, vùng miền, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, hoặc vấn đề di truyền. Những hành vi này càng khó chấp nhận nếu: nạn nhân buộc phải chịu đựng để tiếp tục làm việc, hoặc khiến nạn nhân cảm thấy công sở trở nên đáng sợ, thù địch hoặc mang tính lạm dụng. Hoặc nếu vì hành vi quấy rối của cấp trên, mà mức lương hoặc vị trí của nạn nhân bị ảnh hưởng thì cũng là việc không thể chấp nhận.
Để dễ hiểu, một số hành vi sau là quấy rối:
- Bình luận trực tiếp với đồng nghiệp là người dân tộc thiểu số về một món ăn truyền thống của họ với thái độ khinh miệt. Ví dụ: “món thắng cố nhìn thấy gớm mà người vùng núi các bạn ăn được nhỉ”.
- Bình luận với đồng nghiệp đang mang thai về đứa trẻ. Ví dụ: “Chị lại đẻ con gái thì giờ phải lo giữ chồng ấy nhỉ?!”; “Chị là single mom thì sau này con chị nó khổ thôi!”...
- Bình luận giới tính, tuổi tác, ngoại hình: “Em 35 tuổi rồi giờ đứa nào nó dám lấy, người như con cá rô đực thế này chắc khó đẻ con”.
- Bình luận bản dạng giới: “Mày trông rõ con trai mà hành xử như pê-đê thế!”.
- Trêu chọc người mắc hội chứng tự kỷ bằng cách ôm, đụng chạm, hoặc cố tình làm họ khó chịu…
- Trêu chọc người bị khiếm thính và làm như thể họ là đồ ngốc vì không hiểu điều bạn đang nói
- Đồng nghiệp nam xoay lưng trần của đồng nghiệp nữ về phía máy ảnh hoặc đám đông để trêu chọc trong tiệc công ty
- Trêu chọc một người là béo, lùn, chân ngắn, đụt, cù lần, không hợp thời...
Như bạn đã thấy ở trên đều là các ví dụ về việc gây tổn thương cho đối tượng tiếp nhận, dù là vô tình hay cố ý. Các hành vi trên không chỉ là xấu xí hay kém văn minh, mà thực tế đã được định nghĩa là “quấy rối” ở nhiều quốc gia. Mức độ quấy rối có thể tăng dần từ trò đùa xúc phạm, nói tục, đặt biệt danh cho đến hành hung, đe dọa, chế giễu, lăng mạ… Kẻ quấy rối có thể là sếp của bạn, lãnh đạo ở bộ phận khác, đồng nghiệp hoặc thậm chí là nhân viên ngoài hợp đồng. Nhưng không quan trọng là ai - không ai có quyền xâm hại đến danh dự hoặc thân thể của bạn.
Nếu các hành vi này nếu diễn ra nhiều lần, có thể coi là một hình thức bắt nạt nơi công sở. Cũng lưu ý là nạn nhân không nhất thiết phải là người bị quấy rối; bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi quấy rối. Ví dụ: nhân viên C phải chứng kiến cảnh lãnh đạo A bắt nạt nhân viên B quá nhiều lần. Nhân viên C cảm thấy khó chịu vì chuyện này vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của bản thân nhưng không dám lên tiếng vì phải giữ việc làm. Như vậy, nhân viên C đang phải sống trong môi trường độc hại và căng thẳng mà anh ta không mong muốn.
Lưu ý: Không phải tất cả các hành vi khó chịu đều được coi là quấy rối nếu không mang tính hệ thống và khiến cho môi trường làm việc đầy đe dọa, thù địch hoặc xúc phạm.
Bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi quấy rối
Quấy rối khi phỏng vấn xin việc
Quấy rối cũng có thể xảy ra ngay trong cuộc phỏng vấn xin việc. Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng đặt những câu hỏi mang tính phân biệt, xúc phạm về giới tính, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, tuổi tác, khuyết tật, nguồn gốc dân tộc, vùng miền hoặc sở thích tình dục cũng là quấy rối.
Đây là những câu hỏi phân biệt đối xử vì chúng không hề liên quan đến khả năng, kỹ năng và trình độ của bạn để thực hiện công việc.
Luật pháp và các lựa chọn của bạn
Với Quấy rối tình dục, điều bạn cần làm là ghi lại các hành vi đó bằng văn bản: Chuyện gì - Khi nào - Ở đâu - Ai gây ra - Lời nói/ Hành động quấy rối - Ai chứng kiến - Phản ứng của bạn. Sẽ rất tốt nếu bạn có các bằng chứng như: ghi âm, video, ảnh chụp… Sau đó, thực hiện bản khiếu nại với đầy đủ thông tin và gửi qua email đến bộ phận Nhân sự và lãnh đạo để khiếu nại. Bạn nên yêu cầu họ đảm bảo quyền riêng tư và nhớ ghi rõ: trường hợp không được giải quyết thỏa đáng sẽ được tiếp tục khiếu nại lên thanh tra lao động để được giải quyết theo đúng pháp luật.
Hiện Luật lao động mới chỉ hỗ trợ các nạn nhân bị quấy rối tình dục bằng các điều luật cụ thể. Còn đối với nạn nhân bị bắt nạt, các điều luật chưa thực sự cụ thể, và chỉ hỗ trợ trong trường hợp họ muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
Tuy vậy, vẫn có lợi cho bạn, nếu bạn ghi lại các bằng chứng cho thấy hiện tượng này đã xảy ra và gây thiệt hại đến sự nghiệp của bạn do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Ðiều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Nếu đủ căn cứ, bạn có thể kiện đối tượng về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các hình thức xử phạt đối với hành vi này có từ phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, đến phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề…
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này không phải là lời khuyên pháp lý và không thể thay thế cho những lời khuyên pháp lý chính thức. Luật Lao động, Luật Dân sự và Luật Hình sự sẽ có những thay đổi nhất định trong tương lai, hoặc có những điều luật bổ sung mà bài viết này không thể phản ánh được hết. Điều CareerViet muốn chia sẻ ở đây là: nhận thức về các kiểu hành vi quấy rối, và những sự hỗ trợ về luật pháp đối với nạn nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục có các nội dung về đề tài này để hỗ trợ các nạn nhân có thêm kiến thức để tự bảo vệ bản thân. CareerViet mong mỗi chúng ta luôn vững vàng, trau dồi kiến thức, tuân thủ pháp luật và cùng nhau xây dựng văn hóa công sở tốt đẹp.
Nguồn hình: Internet
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này