content-id" style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; vertical-align: baseline; outline: 0px;">

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Thế nhưng trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội.

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Ai hiểu được nỗi vất vả của người lao động? - Ảnh 1.

Xung quanh đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết việc điều chỉnh các quy định, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần được xem là cần thiết, giữ vững vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Tuy nhiên, từng điều chỉnh cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm quyền lợi để giữ chân người lao động ở lại hệ thống. "Tôi rất băn khoăn về đề xuất cắt giảm tỉ lệ 50% mức hưởng so với quy định hiện nay nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đây là đề xuất chưa có bước đi và lộ trình thích hợp. Trong thời gian này, những chính sách tạo ra cú sốc như thế có thể tạo làn sóng người lao động phải chạy chính sách, như vậy sẽ không bảo đảm được an sinh xã hội" - ông Quảng nói.

Gởi ý kiến đến Báo Người lao động, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ bất bình với đề xuất này. Bạn đọc Lê Văn Đạo bày tỏ: "Người lao động đã vắt kiệt sức để làm việc và để được đóng bảo hiểm xã hội rồi, khi không có khả năng đóng tiếp, hoặc vì lý do nào đó họ không đóng tiếp nữa, muốn rút một lần. Xin hãy trả đủ cho họ để họ tự lo cuộc sống vốn dĩ đã không khấm khá gì". Bạn đọc Lê Duy Linh, khẩn nài: "Người lao động làm việc vất vả và cực khổ lắm, có lúc phải lấy nước mắt chan cơm vì quá mệt. Làm công nhân như em đây cũng thì cơm đủ cho ngày 3 bữa...Xin đừng giảm!!!

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Ai hiểu được nỗi vất vả của người lao động? - Ảnh 2.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Lan, bức xúc: Tôi làm đổ mồ hôi nước mắt kể cả xương máu mới có tiền đóng bảo hiểm xã hội để mong về già có lương hưu nhưng đời người đâu có thuận theo ý mình hoài đâu. Có khi bênh hoạn làm không nổi thì phải nghỉ chứ làm sao bây giờ. Tôi đóng 100% thì cớ sao tôi nghĩ việc để lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cũng như thuốc men bệnh tật mà các vị lại chỉ trả cho tôi có 50% tiền tôi trích nộp là sao?. Bạn đọc Nguyen Sa thì viết: "Tiền của người lao động đóng vào thì phải đủ theo quy định, khi rút ra thì chỉ cho một nửa, nhưng lại bắt buộc phải đóng đủ. Vậy thì sao gọi là công bằng nhỉ?"

Bạn đọc Nguyễn Định Hiệp cho rằng đây là quyền lợi và quyền tự do cá nhân chính đáng của người lao động, để người lao động dùng quyền định đoạt của bản thân. Không ai đứng trên quyền lợi của người lao động. Nếu đề xuất hưởng 50% số tiền rút một lần phải nên xem lại tính hợp pháp, vận động kêu gọi tham gia bảo hiểm xã hội để rồi bảo hiểm xã hội lại tính toán.

Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Một khi người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội thì dù ít hay nhiều họ vẫn rút" - Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, bày tỏ.