Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 18,091
Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi "Mình là ai?" trong cơ quan? Đã bao giờ vì một lý do nào đó mà bạn trở thành cái bóng của một người và không còn trả lời nổi câu hỏi đơn giản trên?
Sau một tuần đi làm, tôi nhận thấy chị Lan phòng tôi có vẻ như được sếp "cưng" hơn nhiều người khác. Mỗi lần đi gặp gỡ một đối tác quan trọng, sếp thường đưa chị đi cùng, hoặc gặp và tham khảo ý kiến của chị. Mọi người đều nói chị may mắn và có nhiều cơ hội để thăng tiến. Tâm lý của một "ma mới" như tôi bao giờ chẳng thích được ghi điểm với sếp và để lại chút gì đó trong lòng mọi người. Thế là tôi cố gắng bắt thân với chị Lan, cố gắng tìm hiểu xem sếp "cưng" chị ở điểm gì: ngoại hình ưa nhìn, cách ăn mặc hay nói năng... Và tôi bắt đầu học theo chị: mua túi xách, phấn trang điểm, quần áo như chị, tập theo cách đi lại, kể cả cách cười và vuốt tóc của chị. Cho đến một hôm, chị trưởng phòng hết sức ngạc nhiên thấy tôi: "Thu à, em lạ quá, chẳng giống em mọi khi nữa".
Trong những cuộc họp nhóm hay họp giao ban bảo vệ kế hoạch kinh doanh, mọi người đều đánh giá rất cao Trung vì anh luôn là người điềm tĩnh, nói rất ít trong buổi họp, lắng nghe, và cuối cùng luôn đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Các đồng nghiệp và chính bản thân tôi cũng ngưỡng mộ vì kiến thức và năng lực công tác của anh. Hình như ít nói trong cuộc họp sẽ hiệu quả hơn, thế là tôi thử luôn. Buổi họp hôm đó bàn về chiến lược tung sản phẩm mới ra thị trường, tôi ngồi như tượng, chỉ hút thuốc và trầm ngâm. Cuối buổi, tôi mới đưa ra ý kiến của mình (bữa đó tôi đã chuẩn bị rất chi tiết nên ý kiến cũng được sếp để ý).
Nhưng từ buổi họp thứ 2, từ một chàng nhân viên vui vẻ, sôi nổi, thường xuyên góp phần "tạo cảm hứng" trong các buổi họp, tôi trở nên lầm lì, xa lạ. Hơn nữa, năng lực của tôi không đủ để có thể "chốt hạ" trong mọi cuộc họp bằng những ý kiến chí lý. Có những buổi họp tôi cứ ngồi đăm chiêu như thế cho đến hết. Một hôm, giám đốc nhân sự gọi tôi lại và bảo: "Chúng tôi tuyển cậu với mong muốn cậu sẽ hoà nhập vào môi trường này và đóng góp được nhiều như tháng đầu tiên cậu đến đây. Nhưng thời gian vừa qua cậu đã làm tôi rất thất vọng. Có cái gì đó khiến tôi cảm giác cậu đang chìm nghỉm dần..."
Mọi người nói tôi là người khéo léo, biết chiều theo ý người khác. Vào công ty mới, tôi cho rằng việc đầu tiên là phải được lòng tất cả đồng nghiệp. Vì thế, tôi bắt đầu "chiến dịch" kết thân, thăm hỏi hết người này đến người khác. Nhưng mọi thứ không suôn sẻ như tôi nghĩ, có những chị trong phòng không ưa nhau ra mặt. Khi thấy tôi muốn chia sẻ với họ, họ bắt đầu mượn tôi làm bia đỡ đạn để nói xấu người kia vì với ai tôi cũng tỏ ra rất đồng tình, ủng hộ họ. Sau một thời gian ngắn, chính tôi nhận ra rằng mình đang cố thu nhặt ở mỗi người một tính cách để hoàn thiện mình, để hoà đồng với mọi người. Còn các anh chị trong phòng thì càng ngày càng nhìn tôi với con mắt ngờ vực: họ không biết tôi muốn gì, tại sao lại thích gần gũi và bắt chước họ. Nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào vì nếu không như vậy, tôi sẽ rất mờ nhạt trong công ty...
OFT, Trung tâm nghiên cứu nghề nghiệp và thương mại Anh đã đưa ra một cảnh báo: 75,4% các nữ viên chức có tham vọng thăng tiến đều học cách để thăng tiến như những người trước đã làm. Cứ trung bình 2 phòng trong công sở thì có những "cặp bài trùng" của nhau, từ cách ăn mặc đến cách cư xử. Rõ ràng là những cái bóng đang đè nặng lên bạn, chỉ vì một mong muốn: Bạn sẽ được người khác để ý nhiều hơn. Giống bất cứ ai, cho dù đó là những người tốt nhất thì mãi mãi bạn cũng chỉ là một "bản sao không công chứng" của họ và không bao giờ trả lời nổi câu hỏi: "Mình là ai?". Mặc dù câu trả lời bao giờ cũng rất đơn giản: "Tôi là tôi, và không giống bất cứ ai!".
1. Tự tạo cho mình thế giới riêng: Điều này khác với việc tự cô lập mình. Thế giới của bạn là những phần công việc bạn có thể làm tốt bằng năng lực thực của mình mà không ai thay thế được.
2. Nhìn nhận những ưu điểm của người khác nhưng không lặp lại họ. Bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: nếu là mình sẽ phải làm tốt hơn như thế nào?
3. Quan sát để nhận biết đồng nghiệp và sếp coi trọng bạn ở điểm gì và duy trì những thế mạnh ấy.
4. Cuối cùng là làm việc hết mình. Vì bạn đang sống trong công sở, và đương nhiên tiêu chí để mọi người đánh giá cao sự có mặt của bạn bao giờ cũng là khả năng thực sự trong công việc. Đó cũng là dấu ấn riêng mà không ai xoá mờ đi được.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: (Theo SVVN)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này