Nhiều sĩ tử đang học ngày học đêm với những “chiến thuật”: Khoanh vùng học có “trọng điểm”, thậm chí dự định mang cả đồng xu may rủi vào phòng thi để chọn đáp án môn trắc nghiệm...
|
|
Sĩ tử ôn luyện tới tận giây phút cuối cùng trước khi thi. (Ảnh: Thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008).
|
Sở trường “cõng” sở đoản “Vì thời gian học không nhiều, lại phải bao quát toàn bộ kiến thức chương trình lớp 12 nên bọn mình không thể “nhồi nhét” hết được. Hơn nữa, đỗ ĐH mới là cái đích lớn hơn, quan trọng hơn nên bọn mình phải chú trọng học 3 môn thi ĐH. Khi thi tốt nghiệp, tổng 3 môn này phải đạt ít nhất 21 điểm, 3 môn còn lại chẳng nhẽ không được 9 điểm?”. Tô Lan Anh (Lớp 12 Văn, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ.
Mặc dù nhiều năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng Lan Anh có thể chấp nhận thi tốt nghiệp đạt loại trung bình. Theo Lan Anh, chỉ có khoảng 1/3 học sinh lớp em là đặt mục tiêu đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi. Còn lại chỉ cần “qua”.
Tương tự, Phạm Quỳnh Nga (Lớp 12 Anh, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) vừa đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp thành phố nên khá tự tin rằng môn này có thể “vớt” 1-2 môn khác lên. Nga chia sẻ: “Mình cố gắng dồn sức học các môn thi ĐH thôi chứ thi tốt nghiệp thì chỉ cố qua điểm liệt”.
Vì vậy, với những môn không thi ĐH, các sĩ tử thường cố gắng “khoanh vùng” đặt trọng tâm để kiếm điểm. Một tuần cuối cùng, Tạ Hương Ly (Lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) mới học Địa vì học trước sợ lúc gần thi lại quên.
Riêng đề cương ôn tập môn này đã có tới 110 câu, không thể học kịp cả quyển sách trong thời gian ngắn, Ly phải có “chiến thuật” để kiếm điểm trung bình. Đó là chú trọng học vẽ biểu đồ vì phần thực hành đã chiếm tới 4 điểm.
Với môn Sinh học, Ly tập trung học những phần gắn với thực tế còn bài tập gene quá khó thì có thể bỏ qua vì không chiếm quá nhiều điểm. “Thi thử, mình làm như vậy, được 7,6 điểm” - Ly cho biết.
Một số thành viên trên diễn đàn của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) còn thảo luận liệu có nên mang… đồng xu hay xúc xắc vào phòng thi để chọn đáp án câu trắc nghiệm.
“Trượt là chết!” Vũ Thị Hoa (THPT Dân lập Nguyễn Tất Thành, Phú Thọ) cho biết mình đã được nhiều giáo viên “cảnh báo” rằng đây kỳ thi tốt nghiệp năm nay rất “cam go” vì không có thi lần 2 để làm lại. Nếu lỡ trượt, đến năm sau có thể phải thi tận 8 môn nếu tổ chức thi “2 trong 1”. Vì thế, Hoa phải tích cực đi học thêm tất cả các tối trong tuần, đêm về học tới 12h, ngủ được 3 tiếng tới 3h sáng dậy học tiếp với quyết tâm “trượt là chết”.
Một học sinh lớp 12 ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) lo âu: “Trước khi thi, bọn mình cũng thăm dò sức học của học sinh các trường khác thi cùng cụm. Nghe nói trong 3 trường lần này trường em vẫn là khó nhất nên chắc cũng không nhờ vả được gì. Nhưng lo nhất vẫn là vụ chấm chéo vì chẳng biết các thầy cô ở tỉnh khác có chặt tay với bọn mình không”.
Chính vì rất lo lắng cho kỳ thi “đặc biệt” của năm nay mà các sĩ tử học ôn ngày đêm.
Nhìn thời khoá biểu học thêm của Tô Lan Anh với 12 ca/tuần đã thấy chóng mặt nhưng Lan Anh khẳng định thời khoá biểu này chỉ là “muỗi” so với nhiều bạn bè khác. “Có bạn ra khỏi nhà từ 7h sáng, chỉ đảo về nhà ăn cơm trưa rồi đi học tới 9h tối mới về. Lịch học của các bạn còn dày đặc hơn mình rất nhiều”. Mẹ Lan Anh cũng đang thu xếp để tuần cuối cùng này mời 1 giáo viên dạy Địa có tiếng về kèm riêng mình để hệ thống lại kiến thức.
Vì lịch học quá căng thẳng, lại không có đủ thời gian để kịp ăn uống tử tế, mới đây Lan Anh đã bị ngất ngay trên cầu thang lên lớp học. Cùng lớp với Lan Anh còn có 4, 5 bạn khác hạ huyết áp, ngất xỉu tại lớp, đều cùng lý do học tập quá căng thẳng.