Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 13,436
Suốt mấy năm học đại học, bạn bè mới có "cơ hội" chứng kiến sự "vội vã" hiếm có của những sinh viên này. Quen nhẩn nha, "thong dong", giờ sắp ra trường, nếu không "vắt chân lên cổ" để lo ôn thi tốt nghiệp, lo làm đồ án tốt nghiệp thì có lẽ, bước chân của những sinh viên này sẽ cứ mãi "lưu luyến" chốn giảng đường.
1 tháng "gánh" 5 năm
Bạn bè của Hưng đã rất quen với việc cậu cứ “lượn” như diều gặp gió! Hiếm khi lắm mới thấy Hưng ở nhà ban ngày. Nhưng cậu đi đâu thì bạn bè chả ai biết được. Sau năm đầu đạt kết quả cao, những năm sau, kết quả học tập của cậu đuối dần.
Năm nay, Hưng đang học năm cuối và phải làm đồ án tốt nghiệp. Cậu sinh viên khoa Cơ khí của ĐH Bách Khoa Hà Nội vẫn tỏ ra hết sức “bình thản”. Hàng ngày, cậu vẫn dậy lúc mọi người bắt đầu ăn cơm trưa. Sau bữa ăn qua loa, cậu lại “lượn” đến tận tối mịt.
Còn một tuần, Hưng chấm dứt chuỗi ngày chơi bời của mình để ở nhà làm đồ án. Hôm đầu tiên ở nhà, bạn bè cùng phòng hết sức ngạc nhiên vì sự thay đổi lạ lùng này. Suốt 6, 7 ngày, cậu cắm cúi làm đồ án, chỉnh sửa lung tung và có nhiều chỗ, chính cậu cũng không biết phải sửa thế nào cho đúng.
Ròng rã 1 tuần, Hưng mệt mỏi rã rời, không còn muốn động đến máy móc bài vở gì cả. Thế là đồ án của cậu vẫn được nộp cho thầy nhưng có nhiều đoạn, các số liệu “ngoảnh mặt không thèm nhìn nhau”, khiến bạn bè xem qua cũng phải bật cười! Bởi đồ án đó, cậu “mua” cả tệp trong máy lẫn bản in về để chỉnh sửa! Hưng tự tin khoe rằng, chỉ mất nhiều nhất là một tuần để cậu “xào nấu” đồ án này biến nó thành của mình. Thầy có tinh ý đến mấy cũng sẽ phải “chào thua”!
Khác với Hưng, Quân là sinh viên năm cuối Khoa Cầu đường, ĐH Xây dựng Hà Nội. Gọi là sinh viên năm cuối nhưng thực chất, Quân đã đi mòn trường Xây dựng suốt … 7 năm qua! Sau 2 năm không thể ra trường vì không nộp được đồ án, nhìn bạn bè náo nức đi làm, Quân mới đặt "quyết tâm" phải hoàn thành đồ án đúng “tiến độ”. Nhưng khổ nỗi, sử dụng Autocad không thạo, lại lâu lắm rồi không đụng đến, bây giờ, cậu không biết đường nào mà vẽ vời. Kiến thức trong đầu Quân sau ngần ấy năm học gần như vẫn là con số 0 vì nó bị mai một sau những đêm chơi game hay nhậu nhẹt cùng đám bạn.
Quân nảy ra “sáng kiến” chia đồ án thành nhiều phần nhỏ, sau đó, mang từng phần đến gõ cửa nhà của những người bạn đã ra trường, nhờ họ hoàn thành hộ với lí do là “tao đang phải làm các phần khác, nhiều quá không thể kham nổi nên nhờ mày làm hộ phần này”.
Nhìn cảnh cậu chạy đôn chạy đáo khắp nơi, bạn bè thấy thương nên nhận lời làm giúp. Chỉ khi họ cùng gặp nhau, họ mới biết là tất cả các phần trong đồ án của Quân là các chất xám được “tổng hợp” từ nhiều nguồn khác nhau!
Và cũng như đồ án của Hưng, đồ án của Quân cũng gặp phải những “sự cố” số liệu khiến ai cũng phải cười! Bởi các phần được làm riêng, các số liệu không thống nhất nên nhiều chỗ, kết quả tính toán “choảng” nhau chan chát.
Kiệt sức vì "nước rút"
Không giống như Hưng, Thanh là sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí Tuyên truyền. Kết thúc 3 tháng thực tập tốt nghiệp, cô quay về ôn thi tốt nghiệp trong nỗi lo lắng không biết phải bắt đầu từ đâu, vì kiến thức lỏng lẻo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Còn một tháng để học, Thanh đã cố gắng hết sức. Ngày ngày, cô lên thư viện, lục tìm tất cả các loại sách vở có liên quan và “ngấu nghiến” đọc. Nhưng chỉ được vài hôm, cô đã mệt nhoài vì không thể nhồi nhét vào đầu liền một lúc tất cả mọi thứ. Cô lại quay về nhà trọ, lập một kế hoạch ôn thi khác.
Để tiết kiệm thời gian,Thanh mua cơm hộp thay vì nấu nướng cẩn thận như trước đây. Mọi sinh hoạt cũng được rút gọn hết sức để tiết kiệm tối đa thời gian cho việc học. Chẳng biết cô có học được nhiều không khi mà kiến thức của 4 năm đại học giờ phải được nhét vào đầu chỉ trong vòng có gần một tháng.
Sau những đêm thức trắng và lo lắng việc học hành, cô lăn ra ốm. Đỉnh điểm là trước hôm thi tốt nghiệp 2 ngày, Thanh bị ngất xỉu trong phòng trọ.
Những nụ cười buồn
Trong 3 người trên, tôi may mắn được dự lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp của Quân. Quân bảo vệ gần cuối cùng trong số gần 20 người cùng bảo vệ hôm đó. Nhưng có lẽ, các thầy trong hội đồng phản biện phải tỉnh ngủ giữa trưa hè nóng bức vì những gì mà cậu trình bày trước hội đồng phản biện.
Khi một thầy trong hội đồng phản biện hỏi lại về vấn đề vừa nói, Quân đứng yên. Bởi cậu không thể giải thích cho thầy tại sao lại có thể tính toán ra kết quả như thế này. Nhưng điều lạ lùng là kết quả tính toán ấy vẫn... đúng! Thế là cả hội đồng bảo vệ cùng tất cả những người có mặt hôm đó đều cười, một nụ cười buồn.
Có lẽ các thầy đều biết các “mánh khoé” mà sinh viên của mình sử dụng để hoàn thành đồ án. Hàng năm, các thầy chấm biết bao nhiêu đồ án, phản biện bao nhiêu sinh viên, và chính các thầy cũng đã từng là sinh viên nên các thầy không còn xa lạ gì với những thủ thuật “copy” rồi “paste” rồi “edit” như thế này. Chính vì thế, một giáo sư đã công tác và hướng dẫn cho nhiều sinh viên trong nhiều năm tại trường Đại học Xây dựng cho biết, thầy không thấy sự sáng tạo nào sau bao nhiêu năm.
Nguồn: Theo VietNamNet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này