Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 65,063
Những cô gái mặc váy xanh trong quán rượu
Tôi vẫn giữ bộ váy áo màu xanh lá cây của một thời đi làm tiếp thị rượu Sho-chu Hàn Quốc. Hồi ấy có một hãng rượu Sho-chu mới xuất hiện ở Việt Nam. Vì mới nên nó rất lạ lẫm đối với thị trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là mỗi người "trực" tại một nhà hàng để vừa tiếp thị, vừa bán rượu. Địa điểm của tôi là một quán bia hơi. Việc bán rượu trong một quán bia giữa mùa hè thoạt nghe có vẻ hoang tưởng. Nhưng tôi vẫn chấp nhận công việc đó.
Tôi làm việc trong quán như một nhân viên phục vụ bàn. Chỉ khác ở chỗ trên tay thường xuyên là một khay có hai loại rượu và vài cái chén để mời khách. Tôi nhanh chóng thuộc lòng những câu mời dẻo quẹo mà ngày đầu phải uốn lưỡi lắm tôi mới có thể nói được: "Cháu là nhân viên của hãng rượu Sho-chu mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Đây là một loại rượu cổ truyền của Hàn Quốc nổi tiếng với hương vị thơm ngon, uống rất êm, không sốc..."
Khách hàng dễ tính sẽ nghe chúng tôi giới thiệu và uống thử cho biết, người khó tính thì xua tay bảo không có thời gian. Người khó tính hơn nữa thì thậm chí coi như không có sự tồn tại của những bộ váy xanh và những chai rượu xanh trước mặt. Nhưng tôi nhanh chóng quen với điều đó, bởi suy cho cùng, nghề nào chẳng vất vả, gian nan.
Nghề của "nhanh toàn tập"
Bạn luôn phải nhanh mắt "tia" xem khách nào mới vào để mang rượu ra mời chào, bởi nếu để họ yên vị và gọi đồ ăn đâu đấy rồi thì coi như khả năng bán được rượu là zero. Khách hoặc rất ngại đổi đồ uống đã gọi, hoặc không muốn uống quá nhiều nên câu cửa miệng sẽ là: "Chú gọi đồ uống rồi, thôi hẹn cháu lần sau nhé". Nhanh chân, nhanh miệng để có thể đáp ứng được mọi nhu cầu một cách nhanh nhất.
Đặc biệt đối với những ông khách "quái chiêu" làm tôi nhiều phen điêu đứng. Có lần tôi đang giới thiệu rượu với một khách hàng thì có một người khách ở bàn khác gọi lại. Tôi không thể bỏ vị khách của mình để đến chỗ người khách vừa gọi nên chỉ dám nhẹ nhàng bảo họ chờ một chút. Thật không may, "một chút" mà tôi nói bị ông khách thứ nhất kéo dài dằng dặc với đủ thứ câu hỏi về xuất xứ rượu, thành phần rượu, các loại rượu, địa chỉ đại lý phân phối... Và sau n câu hỏi là một câu cảm ơn nhẹ nhàng cùng lời hứa "chắc chắn lần sau sẽ uống rượu của cháu".
Tôi nuốt cục tức và tới bên vị khách thứ hai thì nhận được bộ mặt lạnh tanh "lúc nãy gọi không tới thì thôi, không mua nữa" mặc cho tôi huy động hết vốn ngôn ngữ lịch sự của mình để xin lỗi.
Và cuối cùng là nhanh tay để... mở rượu nếu khách đồng ý mua. Nhiều bạn của tôi còn nhanh tay đến mức vừa mời vừa mở rượu, và khi khách chưa kịp quyết định thì "sự đã rồi". Tôi không thích cách đó lắm dù rằng nó giúp các bạn tôi có doanh số bán hàng rất lớn, và đôi lần phải tự mình trả tiền cho chai rượu đã mở.
Nghề này không tránh được việc khách mời rượu. Bạn có thể từ chối lịch sự. Nhưng trong vài trường hợp, tôi đã phải ngậm rượu trong miệng và sau đó... từ từ rút lui!
Tôi nghỉ làm ở đó sau một tháng, phần vì việc học ngày càng chiếm nhiều thời gian, nhưng chủ yếu vẫn là vì tôi không thích hợp với... màu xanh của rượu cho lắm. Dù vậy, mỗi ngày trôi qua, mỗi công việc trải qua đều để lại trong ta một vài điều có ích. Tôi có thể phán đoán gần chính xác tính cách của khách hàng qua vẻ bề ngoài. Tôi học được cách làm người ta chuyển từ sở thích uống bia sang uống rượu ngâm đá. Tôi cũng học được cách uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, và biết tìm những lời nói thích hợp đối với những đối tượng thích hợp. Có đôi lúc cái "tôi" cá nhân muốn nổ tung như một quả bom, và tôi biết cách để làm nó xẹp xuống một cách từ từ. Phương châm của tôi là: ứng xử khéo léo luôn hiệu quả hơn sự tức giận và biết thích nghi hoàn cảnh là chìa khoá của mọi vấn đề khó khăn.
Nguồn: (Theo SVVN)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này