Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 32,030
Hiện nay xăm mình đã len lỏi vào giới sinh viên. Vậy những sinh viên khi cởi áo xăm mình họ có nhận thức đầy đủ việc mình làm hay chỉ nhất thời bồng bột?
Muốn sành điệu phải… chịu đau
Tiến – năm 1 ĐHTN (TPHCM) – là đứa con độc đinh của dòng họ. Ngoan hiền, học giỏi, bố mẹ bao giờ cũng tự hào về đứa con bé bỏng của mình. Vậy mà đã 5 ngày rồi Tiến xách cặp về nhà là chạy tót vào phòng, lấm la lấm lét. Ăn mặc lịch sự hẳn lên. Xấp áo may ô, sát nách vàng vàng đỏ đỏ, từng chiếc bị len lén đút vào gầm tủ.
Mối nghi ngờ nổi lên. Mẹ Tiến canh chừng lúc chàng ta cởi áo rửa mặt và bắt quả tang hình xăm ma quỷ cực kỳ khủng khiếp ngự trị trên cánh tay. Một trận đòn thừa sống thiếu chết và kết quả ngay sau đó là chính mẹ Tiến nước mắt ngắn dài dắt tay cậu đến phòng thẩm mỹ nhờ xóa hình. Nhớ đời cho lần dại dột!
Tiến kể lại rằng mình bắt đầu có ý định xăm hình khi chơi chung cùng băng trong lớp. Trong nhóm khoảng 10 người này, hầu như ai cũng sở hữu hình xăm độc đáo cho riêng mình. Trên tay T. là hình đầu sói đang nhe nanh giơ vuốt, H. là con dao găm xuyên qua tay cách điệu vài cánh hoa hồng.
Hình xăm của M. còn khủng khiếp hơn: đầu lâu lóc hết da thịt với 2 răng nanh dài thậm thượt chiếm gần trọn nửa mảng lưng. Thậm chí 3 người con gái trong nhóm cũng sở hữu 3 hình xăm ở eo lưng, bắp tay và sau ót. Bị bạn bè khích bác bỏ rơi, máu “anh hùng rơm” nổi lên Tiến hùng hồn bước vào lò xăm.
Xăm mình đã len lỏi đến mọi ngõ ngách và mọi thành phần. Bây giờ không chỉ dân bụi đời, giang hồ, ăn chơi mới “sở hữu” những hình xăm trên người. Học sinh, sinh viên, những giới được xem là trong sáng, đàng hoàng đi xăm mình cũng không còn là chuyện hiếm.
Phòng của Cường – ĐHKHXH&NV, TPHCM – có tất cả 5 người là sinh viên và học sinh nhưng tụ tập đến 4 hình xăm đuôi rồng, dao găm, vòng kim cô khắc hoa văn và đầu hổ to vật vã. Điều đáng nói là bốn hình xăm ấy đều do họ khắc cho nhau. Một chút hoa tay, cây kim hoặc dao lam, ít mực tàu, vậy là đủ để lưu dấu những nét vẽ đến trọn đời.
Chỉ có Cường, do sợ đau mà không dám đưa tay ra cho lũ bạn, nhưng đôi lúc hứng chí lên và thấy mình thấp cơ hơn bạn nên cũng chạy ra tiệm xăm, chỉ trỏ đại một hình xăm và nhờ vẽ lên tay. Bạn bè Cường ở khác phòng Cường đã có lúc sốc nặng khi bước vào phòng đúng giờ cơm. Năm đứa ngồi chồm hỗm quanh nồi cơm, cởi trần trùng trục, vằn vện hình xăm trên người.
Việc xăm mình đâu chỉ xong trong nháy mắt như người ta chích thuốc, muốn có “tác phẩm” phải mất nhiều thời gian và chịu đau giỏi. Trong gần 3 tháng trời, Hiếu trân mình chịu đựng để dựng được tòa lâu đài bốn màu sặc sỡ nhưng… đổ nát trên lưng.
Cứ một buổi ở tiệm xăm là Hiếu phải nằm sấp ít nhất một tuần vì vết xăm sưng lên đau nhức. Chưa kể hôm bắt đầu dựng lâu đài, Hiếu đến trường học nhưng bè bạn không biết lại vỗ lưng Hiếu đùa vui, đâu ngờ Hiếu rống lên đau đớn và văng tục.
Chỉ có tấm gương trong phòng tắm hàng ngày quen mắt với tòa lâu đài đổ nát 4 màu đang dần ngự trị sau lưng Hiếu. Đổi lại là hình xăm giúp Hiếu nổi tiếng trong khắp giới bạn bè. Chưa cần thấy mặt, cứ nhắc đến biệt danh Hiếu “lâu đài sụp đổ” là ai cũng biết.
Chỗ nào cũng có
Tôi theo chân Cường (ĐH KHXH-NV) đến một điểm xăm nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo khu Thị Nghè. Một ngôi nhà bình thường nằm lọt thỏm giữa khu chợ tự phát, hỗn tạp giữa mùi thịt cá, rau quả, tiếng chào mời í ới. Nhìn từ ngoài vào, không ai có thể biết đây là lò xăm mình cả. Một bộ salon, vài cây chậu cảnh bình thường.
Bà chủ trạc 45 tuổi, đón chúng tôi với vẻ mặt xởi lởi và câu chào mời đon đả: “Chú Cường đến xăm tiếp à? Thấy lần trước chị xăm “chiến” chưa?”. Cường đóng mặt ngầu và trỏ vào tôi giới thiệu: “Ông anh này muốn đến xăm. Chị cho coi mẫu và ra giá đi”. Tôi hỏi : “Bảo đảm không chị?”. “Chắc chắn. Chị làm từ năm 1987 đến nay rồi”. “Vậy xăm con rồng sau lưng khoảng bao nhiêu?”. “Từ 3 – 4 triệu”.
Rồi không hiểu vì lý do gì, bà chủ bỗng quay ngoắt thái độ, khuyên nhủ làm cả tôi và Cường đều bất ngờ: “Nhìn em chị biết không phải dân bụi đời. Nên tìm đến những nơi lành mạnh để học võ hoặc thư pháp. Hay là sáng sớm ra công viên tập Thái Cực Quyền với tụi chị!”.
Cường ngoắc tôi ra về, vòng vèo xe qua một số lò xăm nằm rải rác bên hẻm Chính Lộ (đường Điện Biên Phủ, Q. BT, TPHCM), chợ Xóm Củi (Q8)... nhưng đa số các lò này đều đã đóng cửa.
Có nhiều lý do để các tiệm “cò con” đóng cửa, nhưng quan trọng nhất là các Beauty Salon, Nail, tiệm uốn tóc nhận làm thêm các dịch vụ xăm mình, với màu mực, nét vẽ, đa dạng về kiểu dáng đã thu hút khách hơn hẳn. Nhất là giờ đây, xu hướng vẽ hình xăm (xăm bóng) dần lên ngôi với những lợi thế: không đau đớn, lưu lại trên da khoảng 1 tuần, dễ dàng thay đổi khiến dịch vụ này rộ lên thành một trào lưu.
Tôi sắm cho mình một bộ cánh dân chơi và vòng xe qua 3 tiệm chăm sóc sắc đẹp từ Mỹ Ngọc (Nguyễn Trãi) sang Kiệt (chợ An Đông) rồi Nguyệt Hằng (Nguyễn Thiện Thuật) để tìm hiểu “thị trường”, tiệm nào cũng nhận vẽ hình xăm trên da. Vì biết không gây đau đớn và nhanh phai và vì tò mò, tôi lật đại xấp catalogue, chọn ra một hình mẫu, vén tay áo lên.
Hình mẫu được in lên một tờ giấy than, sau đó in lên da lưu lại, và cây bút vẽ bắt đầu đi theo từng nét từ đơn giản đến phức tạp. Vừa đưa bút, cô chủ vừa giảng giải: “Mực này được làm từ bột lá cây, phải nhập từ nước ngoài về, một lọ nhỏ cỡ chai thuốc nhỏ mắt này trị giá khoảng 3 triệu đồng rồi. Hình mẫu cũng phải đặt mua bên đó và tải từ mạng về. Không phải salon nào cũng có đủ mực để làm đâu”.
Chừng 20 phút, hình xăm hoa văn kích thước 6cmx12cm trên bắp tay tôi đã hoàn thành, với giá 120.000 đồng. Những hình vẽ này có thể đội giá lên đến 500.000 đồng nếu họa tiết phức tạp và kích thước lớn. Theo lời chủ quán, ngày nào cũng có khoảng chục lượt khách tới đây để vẽ và xăm mình gồm nhiều thành phần: dân chơi, dân làm ăn, Việt kiều...
Tính sơ sơ cũng đủ thấy số lợi nhuận những nơi này thu được và số lượng người đến đây xăm trổ đông đảo như thế nào. Nếu nhân lên khắp các Beauty salon trong thành phố, hẳn đội ngũ này không đếm xuể.
Gan dạ hay dại dột?
Trong giới giang hồ thứ thiệt từng có qui định ngầm về việc xăm mình để phân biệt đẳng cấp ngôi thứ. Nhưng trong giới sinh viên tất nhiên việc xăm mình không để chứng minh điều đó. Hơn ai hết giới sinh viên hiểu rằng vị trí cá nhân họ xác lập được trong mắt bạn bè, gia đình là kết quả học tập và tương lai của họ cũng được đảm bảo bằng học tập. Vậy sinh viên xăm mình để minh chứng điều gì?
Với tri thức được đào tạo một cách bài bản, dân sinh viên có đầy đủ ý thức để “nhập cuộc” cho một trào lưu chứ không đơn thuần bị lôi kéo. Chưa thống kê đầy đủ các số liệu có bao nhiêu phần trăm sinh viên xăm mình nhưng nhận thấy ban đầu hiện lên rằng con số ấy không nhỏ.
Nhưng dù có những chứng lý cho rằng xăm mình không có gì xấu thì sinh viên xăm mình luôn bị những thiệt thòi mà họ không thể lường hết. Trường hợp của Tiến ở đầu bài này là một ví dụ, tuy thiệt thòi không lớn nhưng vết sẹo để lại sau vụ xóa hình xăm mãi mãi ám ảnh Tiến cả đời cho một lần trót dại.
Khi chúng tôi đang hoàn thành bài viết này thì hay tin Cường và nhóm bạn đã bị chủ nhà trọ “mời’ ra khỏi nhà vì lo sợ lai lịch bất hảo. Còn Hiếu thì thê thảm hơn, chẳng rõ thế nào trong một đêm đi chơi Hiếu để lộ hình xăm và bị các giang hồ “hiệu” nện cho một trận nhừ người. Chúng tôi đến thăm, mặt Hiếu vẫn còn nhiều vết bầm tím, trận đòn ấy là do các giang hồ kia tưởng Hiếu ở băng khác sang điều tra giành lãnh địa bảo kê, rõ là oan gia.
Hay đơn giản hơn, những sinh viên có dáng vẻ nho nhã lỡ xăm mình, họ có dám cởi áo tắm biển trong khi đi dã ngoại cùng tập thể hay không? Đừng bao biện “dân chơi không sợ mưa rơi”, chính họ đang thiệt thòi hơn là được cái tiếng sành điệu.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: (Theo Tiền Phong)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này