Báo Người Lao Động số rangày 5-10 có bài viết "Gói 30.000 tỉ đồng còn bỏ sót đối tượng?" phản ánh ý kiến của cán bộ Công đoàn xung quanh việc Nghị quyết 116 của Chính phủ để lọt đối tượng hỗ trợ là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Trong công văn trả lời BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ rõ những đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động được xác định là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện giao kết một trong các loại hợp đồng sau: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 28/2021/QĐ-TTg thì đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội). Mặt khác, nội dung này đã được nêu trong Báo cáo thẩm định 139/BCTĐ-BTP ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tư pháp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình tại Báo cáo 138/BC-LĐXHXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 kèm theo Tờ trình 84/TTr-LĐTBXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg .
Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động. Tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội nên vẫn được coi là đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản,... trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 cũng như trước ngày 01 tháng 01 năm 2020).
Theo Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, công văn nói trên đã giải đáp thắc mắc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116, đồng thời góp phần giải tỏa băn khoăn của hàng triệu lao động. Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triple Việt Nam (Huyện Củ Chi, TP HCM), bày tỏ: "Công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết cặn kẽ căn cơ của người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng của pháp luật về bảo hiểm. Chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để người lao động sớm nhận hỗ trợ".
Trước đó, BHXH Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ LĐ-TB-XH đề nghị làm rõ hơn đối tượng hưởng hỗ trợ theo Quyết định 28. Cụ thể, công văn này nêu rõ, trong quá trình triển khai Quyết định số 28, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa nhận thấy có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với các đối tượng người lao động, gồm: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; người lao động nghỉ việc không hưởng lương; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái quy định pháp luật (tự ý bỏ việc).