Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,158
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Việt Nam mới có gần 28% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó chưa đến 15% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên và 13% trung cấp, sơ cấp nghề. Đặc biệt, cả nước có hơn 65% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Điều đó cho thấy khoảng trống nhân lực chất lượng cao còn rất lớn khiến thị trường lao động Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành kinh tế số, kinh tế xanh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Đảng xác định phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước.
Trong 3 năm gần đây, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ trong và ngoài nước đến làm việc. Những chính sách đột phá này đã có các kết quả nhất định, góp phần tạo làn gió mới thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.
Tuy vậy, về tổng thể, quy mô nhân lực Việt Nam dù lớn nhưng chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể điểm qua một số ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn cần nhân lực rất lớn nhưng thực tế nguồn cung lao động không nhiều. Lĩnh vực logistics đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhưng nhân lực mới đáp ứng được 40% nhu cầu.
Phần lớn doanh nghiệp (DN) logistics khó tuyển được nhân sự quản lý, điều hành, điều phối nên phải thuê từ nước ngoài. "Công nghiệp số cũng mới đáp ứng được khoảng 40% - 50% nhu cầu lao động chất lượng cao hằng năm. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn, cả nước hiện cần 10.000 kỹ sư/năm mà đào tạo mới chỉ đáp ứng chưa đến 20%" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.
Theo báo cáo "Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số" vừa được FPT Digital công bố, cả nước đang có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và mỗi năm có hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ tốt nghiệp. Song, chỉ khoảng 30% lực lượng nhân sự này đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Đáng chú ý, tỉ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước tính chỉ đạt 1,1% (trong tổng số 51 triệu lao động) - một con số rất khiêm tốn nếu đặt trong bối cảnh số hóa đang diễn ra từng ngày trên toàn cầu. Các DN công nghệ tại Việt Nam luôn than phiền về trình độ nhân sự công nghệ thông tin, nhất là nhân sự chất lượng cao. Điều này đang là thử thách không nhỏ cho nước ta về tiềm lực nhân sự có chất lượng tốt để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số với tầm vóc mới.
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam
Đáng chú ý, khả năng đào tạo của các trường để cung ứng nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành, lĩnh vực trọng điểm hằng năm rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Bên cạnh đó, nhiều đánh giá cho thấy tỉ lệ sinh viên ra trường đáp ứng được công việc cũng chưa đến 50%, số còn lại phải đào tạo thêm mới có thể làm được việc. Điều này khiến DN phải chi kinh phí đào tạo thêm, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động.
Thực trạng trên đang là trở ngại lớn cho mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc chuyển dịch từ công đoạn gia công, lắp ráp lên các công đoạn thiết kế, sáng tạo. Điều này làm kìm hãm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ LĐ-TB-XH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đất nước đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số diễn ra rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH cần tham mưu đi trước một bước, phát huy vai trò nhạc trưởng trong công tác đào tạo nhân lực để chuẩn bị tốt hơn nữa nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Nhật Bản ưu tiên thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với Việt Nam
Trước yêu cầu phát triển lực lượng lao động nhằm tận dụng được các cuộc cách mạng chuyển đổi số, năng lượng, tự động hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hài hòa giữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ từ thiết kế, sản xuất, thương mại… với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. "Nhân lực chất lượng cao là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài là động lực đột phá của chúng ta để có thể rút ngắn khoảng cách, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra những tồn tại về chất lượng nguồn cung lao động - chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. "Nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm và các DN" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, trong đó chú trọng những lĩnh vực mới như chip bán dẫn, tín chỉ carbon, năng lượng tái tạo, logistics…
Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết năm 2023, tỉ lệ lao động phi chính thức trong năm 2023 tại thành phố là 49,34% (giảm so với năm 2022 và thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây). Bên cạnh đó, việc mất cân đối cung - cầu lao động vẫn chưa được khắc phục; tỉ lệ lao động phi chính thức có cải thiện so với năm 2022 nhưng số người làm các công việc thiếu tính ổn định vẫn cao. Do đó, việc thành phố xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là rất cần thiết trong thời gian tới.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, nguyên nhân mất cân đối cung - cầu lao động là do việc đào tạo nghề, giáo dục - đào tạo các cấp chưa có định hướng, chưa phân luồng dẫn đến bậc đại học đầu ra nhiều, còn lực lượng đào tạo theo các ngành nghề có kỹ thuật thì chưa phân định rõ ràng. Do vậy, thành phố đang phân luồng giáo dục; đã có quyết định về dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động, triển khai phần mềm về cung - cầu lao động; sở phối hợp với các địa phương nhằm nắm thông tin nguồn cung lao động, tuyển dụng tại các DN sử dụng từ 100 lao động trở lên trên địa bàn...
Nguồn: Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này