Năm nay là năm thứ hai, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong toàn quốc thực hiện việc phân ban đại trà đối với lớp 10 THPT. Tuy nhiên, từ thực tế đăng ký của học sinh, càng ngày càng có ít học sinh chọn ban C (ban khoa học xã hội - nhân văn), thậm chí, số học sinh đăng ký học nâng cao các môn xã hội trong phần tự chọn của ban cơ bản cũng rất ít. Liệu đây có phải là những dấu hiệu báo trước sự "chết yểu" của ban C? Èo uột ban C Tham khảo một số trường THPT của Hà Nội cho thấy, tỉ lệ học sinh đăng ký vào ban C ngày một ít, nhiều trường chỉ mở được 1-2 lớp, có trường không mở được lớp nào vì không có học sinh đăng ký hoặc số học sinh đăng ký quá ít, không thể mở được lớp. Trường THPT Thăng Long - một trong những trường có điểm đầu vào thuộc hàng "top" của thành phố, năm học này dự kiến sẽ có 9 lớp ban khoa học tự nhiên (KHTN), 2 lớp cơ bản tự chọn khối A và 3 lớp cơ bản tự chọn khối D, không có lớp ban C.
Trường THPT Nguyễn Gia Thiều năm học trước mở được 1 lớp ban C, nhưng sang đến năm học này, 39/45 em xin chuyển sang ban cơ bản. 6 em còn lại vẫn có nguyện vọng học lớp KHXHNV nhưng đề nghị... giảm nhẹ hai môn sử - địa (2/4 môn học chính của ban này). Năm học 2007 - 2008, trường dự định mở 1 lớp ban C, nhưng theo Hiệu trưởng Đặng Đình Đại, tình hình sẽ không khả quan hơn vì có nhiều khả năng, sau năm học đầu tiên, các em sẽ... xin chuyển hết sang các lớp ban cơ bản. Trường THPT Hai Bà Trưng chỉ có 22 em đăng ký học ban C, quá ít nên không thể mở được lớp, nhà trường đang vận động các em chuyển sang lớp cơ bản nâng cao khối C.
Ban C đã bị... triệt tiêu! Đó là nhận định của thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 (TPHCM) - khi nói về tình hình đăng ký học phân ban đang diễn ra ở trường mình vào niên học 2007-2008 sắp tới. Thầy Tấn cho biết thêm, có hơn 85% số HS theo học tại trường theo học ban cơ bản. Chỉ xấp xỉ 10% là theo học ban A (ban khoa học tự nhiên). Còn ban C, quá ít, chỉ có non nửa số HS cần có để hình thành một lớp, vì vậy đã bị... triệt tiêu. Trường đã đề nghị HS có nhu cầu theo học ban C chuyển qua học của ban cơ bản với các môn nâng cao tự chọn như: Toán - lý - hoá hoặc toán - hoá - sinh hoặc văn - toán - Anh.
Qua ghi nhận tại một số trường cũng cho thấy, tình trạng hầu hết HS chọn ban cơ bản, một số ít theo ban A và số rất ít chọn ban C (hoặc thậm chí là không chọn ban C) như trường Nguyễn Thị Diệu không phải là cá biệt. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có 100% trong số gần 700 HS lớp 10 năm nay đều đăng ký theo học ban cơ bản. Còn ở trường Nguyễn Thượng Hiền chẳng có lớp nào cho HS ban C.
Tại khối các trường THPT ngoài công lập, tình hình còn "bi đát" hơn. Hầu hết các trường như dân lập Lý Thái Tổ, dân lập Văn Hiến (Hà Nội) đều chỉ có ban cơ bản và KHTN, hoàn toàn mất bóng ban C. Trường bán công Phan Huy Chú chỉ có 13 học sinh đăng ký, số lượng không đủ để mở một lớp nên các em lại được vận động chuyển sang ban khác.
Sử, địa - rào cản chính Lý do chính khiến học sinh ngày một thờ ơ với ban KHXHNV là do khối lượng kiến thức của hai môn sử, địa quá lớn. Lượng kiến thức nhiều, cách dạy và học vẫn khô cứng theo dạng "học chay" khiến học sinh càng khó tiếp thu. Thêm vào đó, khối C có rất ít trường ĐH để chọn lựa, cơ hội đỗ ĐH sẽ thấp hơn nên học sinh càng nản. Nhiều gia đình, phụ huynh và học sinh nhận thấy rằng, khối ngành này ít triển vọng hơn nhiều so với nhu cầu làm việc của xã hội nên càng không muốn chọn học ban C.
Tại các trường THPT không chỉ có hiện tượng biến mất của các lớp ban C mà ngay cả đối với các lớp cơ bản, số lớp chọn môn học nâng cao khối C cũng rất hiếm. Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chỉ có hai khối cơ bản A (nâng cao toán, lý, hoá) và cơ bản D (nâng cao văn, toán, ngoại ngữ), không có học sinh nào đăng ký học lớp cơ bản C (nâng cao văn, sử, địa). THPT dân lập Lý Thái Tổ chỉ có 3 lớp cơ bản A. THPT Việt Nam - Ba Lan chỉ có 1 lớp cơ bản C, còn lại là cơ bản A và D.
Theo lý giải của các thầy, cô thì chọn lựa ban cơ bản là an toàn nhất cho HS. Bởi đây là chương trình chuẩn và tương đối nhẹ nhàng hơn so với các lớp ban A hay C. Ngoài ra, các trường lại triển khai thêm những môn học nâng cao cho HS cơ bản chọn lựa. Như vậy, nếu so với hai ban A và C thì HS ban cơ bản vừa học nhẹ nhàng mà vẫn có cơ hội học những môn phục vụ việc thi ĐH cho mình khi tốt nghiệp lớp 12.
Lý giải thêm vì sao ban C lại bị "chết yểu" chỉ sau có hai năm triển khai đại trà chương trình phân ban cho đối tượng HS phổ thông, thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 (TPHCM) - cho rằng: Có lẽ các ngành học ban C sau này thi đại học "hẹp cửa" hơn, vả lại theo thị hiếu của HS hiện nay, ngành học ĐH dành cho HS ban C cũng kém hấp dẫn hơn những ban khác.
Mục tiêu lớn nhất của phụ huynh, học sinh chính là thi ĐH nên việc lựa chọn các môn học chính từ lớp 10 là rất quan trọng.
Thực tế tại các trường cho thấy, số lượng học sinh đăng ký vào các lớp ban cơ bản vẫn là phổ biến. Mặc dù theo lý thuyết, ban cơ bản dành cho những học sinh chưa thể hiện năng khiếu trong lĩnh vực nào, nhưng hầu hết phụ huynh và học sinh đều nhận định: Học ban cơ bản, nâng cao những môn sẽ thi ĐH, đương nhiên, các em sẽ được... luyện thi ĐH suốt 3 năm THPT. Chính vì thế, việc học sinh lựa chọn phân ban không phải vì năng khiếu mà vì mục đích khác: Thi đỗ ĐH.