Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội : “Chỉ trong thời gian rất ngắn nữa, khi nước ta gia nhập WTO, cơ hội việc làm sẽ mở ra cho hàng triệu thanh niên Việt Nam. Nếu có tay nghề cao, người lao động có thể có thu nhập hàng ngàn USD, vấn đề là phải chuẩn bị sớm để đón cơ hội".
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn ở thời điểm này và trong tương lai gần sẽ là những ngành công nghệ cao như: kỹ sư tự động hóa, công nghệ thông tin, viễn thông; chuyên gia công nghệ sinh học ứng dụng (nuôi cấy mô, vi sinh vật, nuôi trồng thủy sản); nhân lực trình độ cao về các ngành dịch vụ kinh tế như kế toán, marketing, kiểm toán, ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm... Về các ngành nghề sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có ưu thế với 5 ngành chính đang và sẽ "nóng": thứ nhất là kỹ thuật viên công nghệ thông tin, lắp ráp, sửa chữa điện thoại di động. Thứ hai là thợ cơ khí có tay nghề cao như thợ hàn bậc cao, công nhân vận hành sửa chữa thiết bị tự động hóa, thợ sửa chữa lắp ráp ô tô. Thứ ba là kỹ thuật viên đồ họa, thiết kế mẫu mã, tạo dáng công nghiệp. Thứ tư là ngành điện tử, điện lạnh như sửa chữa lắp ráp thiết bị điện tử, hệ thống điện, đồ gia dụng như điều hòa, máy giặt. Thứ năm là nhóm ngành dịch vụ, du lịch, bao gồm nhân viên có kỹ năng thành thạo về nghiệp vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng... Tuy nhiên, làm ngành gì cũng phải thật vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng thực hành và đặc biệt lưu ý đến trình độ ngoại ngữ, tin học. Ngoại ngữ và tin học là chìa khóa để khai thác Internet, một nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho việc phát triển tay nghề của mỗi người lao động. Khi ra nhập WTO thị trường lao động không còn bó hẹp trong biên giới quốc gia, một nhân công người Việt Nam có thể sang Nhật hay Hàn Quốc làm việc theo sự điều động của tập đoàn ấy sẽ là hết sức bình thường. Tức là người lao động có cơ hội học hỏi nhiều hơn, tiếp cận với những môi trường làm việc lý tưởng, tất nhiên thu nhập sẽ cao hơn. Hiện giờ tôi biết đã có những thợ hàn Việt Nam làm việc tại Nhật và hưởng lương tới 5.000 USD/tháng. Thứ ba là chúng ta sẽ có được sự quan tâm sâu sắc hơn của các tổ chức quốc tế về các vấn đề mang tính toàn cầu như xóa đói giảm nghèo, dịch bệnh, thiên tai...Vấn đề việc làm ở nước ta cũng sẽ được hưởng lợi từ những dự án quốc tế. Bên cạnh một số thuận lợi là những thách thức vô cùng lớn. Nếu chúng ta không thích nghi tốt, chương trình đào tạo, hệ thống bằng cấp của ta không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, rất có thể thanh niên Việt Nam không có việc làm phải đứng nhìn lao động từ các nước vào nước ta làm việc và hưởng lương rất cao... Bên cạnh đó, có thể nhận thức của lao động Việt Nam tốt nhưng khả năng thích nghi chưa cao, và đặc biệt là chưa hình thành đậm nét văn hóa doanh nghiệp, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp, của lao động Việt Nam. Mỗi người phải định hướng ngay từ đầu cho tương lai của mình. Phải biết điểm mạnh điểm yếu và hoàn cảnh của bản thân, gia đình, địa phương mình phù hợp với ngành nghề nào mà thị trường lao động đang cần. Nếu xác định không đỗ đại học thì việc học nghề là sự lựa chọn thông minh nhất. Học nghề đúng sở trường của mình, phù hợp với xu thế của thời đại sẽ có cơ hội phát triển. Sau khi đi làm, nhiều người vẫn có thể tiếp tục đi học, thậm chí việc lấy bằng đại học cũng không phải là quá khó khi có rất nhiều chương trình đào tạo mở rộng.