Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 16,135
Theo một nghiên cứu do ĐH Carnegie Mellon tiến hành vào năm 2008, đàn ông thường có những đòi hỏi chế độ đãi ngộ ở nơi làm việc nhiều hơn 85% những gì phụ nữ yêu cầu. Cánh mày râu đa phần giành chiến thắng trong các cuộc đàm phán với công ty trong khi chị em phần lớn phải ngậm ngùi chấp nhận thua cuộc.
Bí quyết dành cho phái nữ nơi công sở
Theo Becky Sheetz-Runkle - tác giả của cuốn "Binh pháp dành cho phái nữ" cho rằng, phụ nữ có nhiều ưu thế hơn nam giới nhưng họ lại thường lo lắng những tác động của sự đòi hỏi về tiền nong, sự thăng tiến sẽ phá vỡ những mối quan hệ đang tốt đẹp. Phụ nữ luôn muốn hòa thuận và họ không muốn người ta nghĩ rằng họ quá kiêu căng, tham lam và háo danh.
Vì thế, thay vì đòi hỏi, yêu cầu thẳng thừng như nam giới, phái nữ thường chọn cách làm việc chăm chỉ, tận tâm với mong muốn, sẽ có người báo cáo những công lao, đóng góp của họ với sếp và sẽ có những phần thưởng xứng đáng dành cho họ. Nhưng thực tế, đây lại là chiến lược sai lầm bởi không phải cứ chăm chỉ là mọi thứ sẽ đến đúng vị trí của nó.
Sau đây là những bí quyết Sheet-Runkle đưa ra nhằm giúp chị em biết cách giành chiến thắng trong những cuộc thương lượng trên con đường sự nghiệp:
Nắm rõ thông tin
Trước khi đến gặp sếp nói chuyện, hãy dành một vài tuần để thu thập những thông tin cơ bản về xu hướng, mức lương trong lĩnh vực bạn làm.
Bạn nên bắt đầu bằng cách nghiên cứu về mức thù lao, tiền phụ cấp bình quân cho những người khác ở cùng lĩnh vực như bạn, cùng khu vực địa lý, kinh nghiệm làm việc và nếu có thể thì nên nghiên cứu một vài vị trí tương tự như bạn ở các công ty khác. Từ đó, bạn sẽ xác định được một mức lương phù hợp cho vị trí công việc hiện tại. Việc nghiên cứu này chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội, các trang web tuyển dụng và những mối quan hệ thân thiết với bạn bè, người quen. Bạn cần chắc chắn về mức lương này trước khi quyết định thương lượng quyền lợi cho mình.
Đưa ra bằng chứng
Ngay cả khi nghiên cứu của bạn cho thấy, bạn đang hưởng một mức lương rất thấp so với công việc bạn đảm nhận, việc đề nghị sếp nâng lương một cách công bằng chưa chắc đã có kết quả. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh được mình xứng đáng với mức lương đề nghị. Hơn nữa, bạn nên đưa ra các trường hợp, lường trước mọi tình huống để có thể tự tin hơn đối diện với sếp.
Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán, bạn nên ghi lại những thành tích đạt được trong vòng 1 năm qua, cách bạn đã kiếm được tiền về cho công ty và cả những email khen ngợi từ công ty, khách hàng hay đối tác về những gì bạn làm. Đó là những bằng chứng thuyết phục về những giá trị bạn mang về cho công ty.
Cao hơn nữa, bạn có thể tạo một danh sách với các mục tiêu ngắn và dài hạn, cả quá khứ và tương lai để thấy được bạn đã từng bước đạt được mục tiêu như thế nào, những kế hoạch định thực hiện trong tương lai để giúp công ty tăng doanh số...
Thay đổi nhận thức
Sheetz-Runkle nhấn mạnh, đàm phán là một cuộc đối đầu trực tiếp nhưng không phải là sự thù địch hay cố tình xuất hiện với thái độ thù địch, vì thế, phái nữ cần hiểu rõ bản chất của các cuộc đàm phán, thay đổi những nhận thức sai lầm.
Thay vì nhìn thấy đàm phán là một cuộc thương lượng sống còn, trong đó một người chiến thắng và một kẻ bại trận, bạn nên nghĩ rằng, đó đơn thuần là một cuộc hội thoại, hai bên đều có hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Bạn muốn tăng lương, cải thiện cuộc sống, sếp muốn công ty có những nhân viên tốt, sẵn sàng cống hiến và đóng góp cho công ty những giá trị đáng kể. Vì thế, hãy nghĩ đến một kết cục "hai bên đều có lợi'' khi có ý định đàm phán.
Thực hành trước
Những điều định nói với sếp trong cuộc đàm phán, bạn nên dành chút thời gian để thực hành trước, giống như bất kỳ một bài thuyết trình nào khác. Như thế, bạn sẽ cảm thấy tự tin và vững vàng hơn khi bước vào cuộc đàm phán thật sự.
Alexia Vermon - chuyên gia tư vấn nghề nghiệp khuyên rằng, các bạn nên tập dượt ở những nơi yên tĩnh, nói đi nói lại nhiều lần cho đến khi thực sự yên tâm mới thôi. Bởi nếu lúng túng, lo lắng, bạn không chỉ bị mất uy tín trước mặt sếp mà kết quả tốt đẹp như mong muốn cũng nhanh chóng rời bỏ bạn.
Chịu khó học hỏi
Học hỏi không bao giờ là thừa, cũng không bao giờ là muộn. Thời điểm dễ nhất để thương lượng với sếp về quyền lợi chính là lúc bạn đang có những lời mời làm việc hấp dẫn khác. Vì thế, nếu bạn có kế hoạch thay đổi công việc trong tương lai, hãy chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ để khi đề nghị tăng lương, sếp sẽ phải đánh giá lại đúng năng lực của bạn.
Nếu sếp đồng ý tăng lương nhưng cũng đòi hỏi bạn giữ vị trí, trách nhiệm cao hơn, bạn cũng không bỡ ngỡ, lo lắng.
Vermon cho rằng, có vẻ hơi khó trong thời gian đầu bởi phụ nữ thường có nhiều việc bận rộn, phân tán tư tưởng hơn nam giới. Nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thấy những điều đó quả là hữu ích.
Nguồn: Theo Bưu Điện Việt Nam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này