Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 16,372
Dù là làm ở cơ quan nhà nước hay tư nhân, chúng ta đều có chung một nỗi khổ là làm lính cho sếp. Sếp tốt thì chúng ta khỏe, sếp vui thì chúng ta thấy yêu đời, sếp cáu bẳn thì chúng ta mệt mỏi, căng thẳng, còn sếp tồi thì ta chỉ còn nghĩ đến nước "nhảy việc".
Nói xấu sếp nhu cầu có thực
Nói xấu sếp là một nhu cầu bức thiết, như một phần tất yếu của "văn hóa công sở". Thế nên chẳng lạ khi cứ vài ngày tôi lại nhận được những lời nhắn kiểu: "Tôi đang điên hết cả đầu với lão sếp! Đi ăn rồi tôi kể cho mà nghe!" hay "Sếp đang cáu nhặng lên, bão sắp đổ xuống đầu tớ rồi" và cả "Sếp vừa đi công tác, tuần này lượn thoải mái..." còn giờ ăn trưa, dù trong quán cà phê sang trọng hay quán nước vỉa hè, cứ năm cuộc tán gẫu thì có ba cuộc sếp bị đưa ra để "giải phẫu". Người cùng văn phòng thì than thở về thái độ khác thường trong ngày hay tuần của sếp. Kẻ khác cơ quan thì đem các sếp ra so sánh, suy bì xem ai biết điều hơn hay ai quản lý giỏi hơn... Nói tóm lại, sếp là nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong những câu chuyện "tán" của dân văn phòng.
Ghét sếp - xu thế toàn cầu
Nhưng không chỉ người Việt mới có nhu cầu nói xấu sếp. Nhiều tạp chí phương Tây mở hẳn mục "I hate my boss" (Tôi ghét sếp) để độc giả có dịp xả stress công sở. Rồi trên internet giăng giăng những diễn đàn để dân văn phòng cùng chui vào thở than, chia sẻ. Rồi có cả những trò chơi trực tuyến giúp bạn mặc sức "vẽ nhọ, bôi hề" bậc thượng cấp mà ngoài mặt bạn chỉ dám một điều dạ hai điều thưa. Một số công ty Nhật còn dành riêng một phòng dán ảnh chân dung các sếp để nhân viên chơi trò phi tiêu khi tức giận hay chế ra những hình nộm của sếp để đám nhân viên thoải mái động thủ khi muốn xả cục tức. Thế mới biết ghét sếp và nói xấu sếp là chuyện toàn cầu...
Ghét sếp hay người quản lý?
Nhưng thực ra sếp có đáng ghét và đáng bị nói xấu thế không? Suy cho cùng thì thực sự đám nhân viên chúng ta không hề, và cũng không dám, ghét sếp (boss - ông chủ)..
Chúng ta ít nhiều cũng nể trọng và sợ ông, bà ấy vì họ tạo công ăn việc làm và trả lương cho chúng ta. Năm thì mười họa ta mới gặp ông, bà ấy và cũng chẳng mấy khi ta trò chuyện trực tiếp, va chạm công việc thì lại càng ít, thế thì ta chả có cớ gì mà ghét sếp dù có khi thực lòng chúng ta cũng chẳng ưa. Cái người mà đa số chúng ta ghét và có nhu cầu nói xấu gọi là người quản lý (mannager tạm gọi là "sếp nhỏ") - người trực tiếp quản lý chúng ta.
Sếp nhỏ chạm mặt ta hằng ngày, luôn bắt tay khi vui vẻ nhưng khi chỉ nhầm lẫn hay chậm kế hoạch một chút thôi thì họ sẵn sàng đặt ta vào vùng từ áp thấp nhiệt đới đến bão cấp 15 tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Đôi khi ta cảm thấy nghẹt thở bởi cái vòng kim cô của sếp nhỏ siết trên đầu. Cái người luôn luôn đến muộn khi ta đến đúng giờ và luôn đúng giờ cái hôm chả may ta đến muộn ấy đôi khi thất thường đến khó hiểu, và ta bị đặt vào mớ bòng bong chẳng biết đường nào mà lần.
Trong các phòng dành riêng cho nhân viên chơi trò phi tiêu hay đấm bốc vào các hình nộm thì gương mặt và bộ dạng của các nhà quản lý bao giờ cũng tả tơi, tang thương hơn gấp nhiều lần các sếp lớn. Cũng thật kỳ lạ là ta chả mấy khi ưa sếp nhỏ nhưng trong lòng ta lại ngấm ngầm mong một ngày được ngồi vào cái vị trí "chỉ gây bực mình cho người khác mà lính lương cao" ấy!
Ghét sếp lợi gì?
Nói cho cùng yêu ghét là những trạng thái tình cảm bột phát nhưng ghét sếp thì chẳng ích lợi gì cho ông, bà ấy và đặc biệt cho bản thân mình. Cảm giác tiêu cực đó chỉ hủy diệt lòng tin vào lãnh đạo và lòng nhiệt tình với công việc của ta mà thôi. Đó là chưa kể khi ta ghét họ, ta mang cục ghét đó đi xả khắp nơi và sẽ rủi thay nếu những lời chẳng hay của ta đến tai sếp. Tùy theo mức độ, nhẹ thì ta bị đưa vào danh sách đen còn nặng thì ta có thể bị sa thải ngay lập tức.
Mà cũng phải thừa nhận là ngay trong rất nhiều trường hợp, chúng ta ghét một ai đó không phải vì họ đáng ghét mà vì ta không hiểu họ. Đến khi để tâm tìm hiểu với thiện ý thì, hỡi ôi, rất nhiều điều hàng ngày chúng ta ca cẩm về họ là hoàn toàn cảm tính và sai bét! Và sếp hay người quản lý đôi khi bị chúng ta ghét oan vì chính địa vị và bổn phận của họ chứ không phải chính con người hay hành động của họ.
Ghét sếp, suy cho cùng chẳng có lợi gì cho bản thân chúng ta. Nó chỉ khiến ta suốt ngày chìm trong trạng thái không vui vẻ, thoải mái, hiệu quả công việc bị giảm sút. Nếu không thể chịu được sếp, hãy ra đi. Còn nếu vẫn muốn ở lại và trong điều kiện cơ quan chưa có phòng để chơi trò phi tiêu hay chưa có trình độ để luyện quyền anh thì cách khôn ngoan nhất là ta quên cái cục tức (sếp) thật nhanh. Bằng không nó sẽ tích tụ đến mức có thể thủ tiêu sự nghiệp của bạn. Nhân vô thập toàn, thêm nữa ở những cương vị khác nhau. Hãy nghĩ đến ngày biết đâu bạn (có cơ hội) ngồi vào vị trí của sếp mà cảm thông và những nỗi khổ không dễ hiểu của họ.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Sành Điệu
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này