 |
Cuối năm, nhu cầu lao động bán hàng thời vụ tăng cao
|
Theo thông lệ các năm trước, từ tháng 11 kéo dài cho đến Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tại Hà Nội là rất lớn, đây là thời điểm các doanh nghiệp mở nhiều chương trình khuyến mãi, tiếp thị cho dịp Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán... Tuy nhiên, năm nay thị trường lao động thời vụ giáp Tết kém sôi động.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm việc làm Thanh niên Hà Nội cho biết: “Mọi năm, thời điểm này chúng tôi đã nhận được hàng nghìn chỉ tiêu lao động bán thời gian như: Quảng cáo giới thiệu sản phẩm, phát quà khuyến mãi, bán hàng tại triển lãm… Đòi hỏi đối với những công việc thời điểm này cũng đơn giản, chỉ cần nhanh nhẹn, trung thực và sức khỏe tốt là đạt yêu cầu, vì vậy đã thu hút được rất nhiều sinh viên, học sinh làm thêm.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay trung tâm mới nhận được khoảng 300 chỉ tiêu từ phía các doanh nghiệp và chỉ bàn giao được hơn 100 vị trí phát quà khuyến mại cho sinh viên hai trường Đại học Thương mại và Trung cấp Công nghệ Hà Nội”.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, chỉ tiêu lao động thời vụ như phát quà khuyến mại, tiếp thị... trong dịp Tết năm nay các doanh nghiệp đăng ký cũng mới có vài chục, ít hơn chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của sự sụt giảm nhu cầu này là do năm nay nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, làm ăn thua lỗ, sản xuất bị đình trệ nên nhu cầu về lao động nói chung và lao động thời vụ nói riêng vì thế giảm nhiều. Bên cạnh đó, do người dân cắt giảm chi tiêu nên các chương trình khuyến mại, bán hàng của doanh nghiệp trong dịp Tết cũng không sôi động như mọi năm.
Đối với công việc bán thời gian, năm nay đa số các doanh nghiệp tuyển dụng lại yêu cầu làm đổi ca, tức là một ngày làm ca sáng thì ngày hôm sau làm ca chiều, nên sinh viên, học sinh rất khó đáp ứng. Tháng 12 cũng là thời điểm các trường đại học, cao đẳng thi học kỳ nên dù đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và rất muốn có việc làm thêm nhưng nhiều sinh viên, học sinh cũng không dám nhận việc vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Bên cạnh sự sụt giảm về nhu cầu lao động phục vụ Tết, cộng với việc người lao động hiện nay cũng khá kén việc, rồi giá cả sinh hoạt lại đắt đỏ nên nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức thù lao ở nhiều nghề cao hơn hẳn các năm trước.
Ví dụ như, nếu như ở các năm trước việc phát quà khuyến mại, điều tra thị trường, bán hàng tại hội chợ thù lao khoảng 70-120 nghìn đồng/ca/ngày thì năm nay đã tăng lên 150-200 nghìn đồng/ca/ngày; hay hiện nay có 11 chỉ tiêu nhân viên kinh doanh, làm ca tại Công ty TNHH Hà Long mức lương 150 nghìn đồng/ca, khoảng 50 chỉ tiêu bán hàng và phát quà khuyến mãi theo ca tại một công ty mỹ phẩm với giá 170 nghìn đồng/ca…
Bên cạnh đó, nếu trả theo tháng, mức lương đối với công việc thời vụ cũng hiện nay cũng cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi so với năm trước, nếu năm ngoái mức lương này từ 700 nghìn-1 triệu đồng/tháng thì năm nay tăng lên 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Theo bà Trinh, đối với lao động phổ thông nói chung, thị trường vẫn có nhu cầu rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông. Vài năm trước, rất nhiều công ty truyền thông được thành lập trong thời điểm bùng nổ thông tin, hiện nay hoạt động của họ bắt đầu đi vào ổn định và phát triển, nên nhu cầu lao động rất lớn.
Ngay trong tháng 11, trung tâm đã tiếp nhận 800 chỉ tiêu nhân viên tư vấn, trực tổng đài của 3 công ty truyền thông với mức lương 1,2-2 triệu đồng/tháng với yêu cầu đối tương đối đơn giản như: Tốt nghiệp trung cấp trở lên, có giọng nói dễ nghe, sức khỏe tốt...
Hiện nay trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng đang có 1.500 chỉ tiêu cho việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại với mức lương 1,9 triệu đồng/tháng. Mặc dù thị trường chưa sôi động nhưng bà Trinh nhận định “Có thể năm nay các chương trình khuyến mại, bán hàng Tết của doanh nghiệp khởi động chậm hơn, nên trong tháng 12 và dịp cận Tết nhu cầu lao động thời vụ, bán thời gian sẽ tăng lên”.