|
Làm việc trong môi trường văn phòng cũng là một sức ép
|
Khao khát của số đông bạn trẻ là có sự nghiệp. Nhưng nhiều người, vì hối hả trên đường đua tìm kiếm vật chất, đã bỏ qua nhiều giá trị tinh thần.
Được và mất
Ngay từ thời sinh viên, Hòa đã biết cách sắp xếp lịch học và lịch... kiếm tiền. Gia đình nghèo, không nhiều quen biết, cô biết mình phải “tự thân vận động” nên đã lao vào học tiếng Anh, vi tính.
Cô gửi hồ sơ dự tuyển đến các công ty nước ngoài, với những lời giới thiệu đầy tự tin về bản thân. Một công ty liên doanh tuyển trợ lý giám đốc, Hòa được chọn trong hàng trăm người dự tuyển. Cô hãnh diện với mức lương 500 USD, vượt quá sự mong đợi của mình.
Trong vòng một năm, cuộc sống của Hòa thay đổi hẳn: xe mới, quần áo thời trang, mỹ phẩm hàng hiệu... Nhưng cũng từ đó, sự tự tin của cô gái trẻ bắt đầu trộn lẫn sự kiêu ngạo và lòng ganh tỵ. Hòa mệt mỏi không vì công việc, mà vì sự chú ý đến người khác.
Vẫn vui cười, thân thiện với mọi người, nhưng bên trong cô đầy mâu thuẫn, xung đột. Cô mơ đến chiếc ghế giám đốc, nên sự nỗ lực của cô, giờ đây phải kèm theo cả... tính toán, khôn khéo, thậm chí đạp đổ người khác.
Và khi Hòa giành được chiến thắng, cũng là lúc mối quan hệ với nhiều đồng nghiệp xấu đi. Cô “chạy” sang một công ty danh tiếng hơn, lương cao hơn, vị trí cũng cao hơn...
Hòa tự hào bởi cùng một lúc có thể làm hai, ba “job”. Câu nói cửa miệng của Hòa là “không có thời gian”. Rồi một ngày cô tự nhận ra, tiền có thể làm cuộc sống ổn định, nhưng làm mình mất nhiều thứ mà tiền bạc không thể mua được.
Làm việc ở một công ty quảng cáo, lương cao, môi trường hiện đại, nhưng Tùng Lam luôn cảm thấy bất an. Cô đi học yoga để giảm stress, nhưng rồi cũng chỉ thấy khỏe lúc ở lớp, và vẫn phát... điên khi đến công ty.
Lam không hiểu tại sao cô không ưa nhiều người trong công ty, và cũng có không ít người ghét cô. Và càng không ưa họ, Lam càng “nổi bật” cho biết tay. Cô chạy theo các loại hàng hiệu từ áo quần, giày dép...
Nhưng, trên đường đua đó, Lam không thấy thỏa mãn, luôn cảm thấy bị... thua và luôn bực bội. Trong cô, sự ham muốn vật chất được che chắn bằng lớp áo “thăng tiến”, được đồng hóa với sự năng động, thành đạt. Với cô, sống là phải biết... chạy.
Thiếu hụt kỹ năng sống, không xác định được mục đích sống, không biết ưu tiên và nâng niu những giá trị đang có, phong cách sống không rõ ràng... là những lý do khiến nhiều bạn trẻ sống một cách mệt mỏi. Sự năng động cũng không thể mang lại bình an, thoải mái.
Sống đơn giản Ngược lại với sống... chạy, không phải sống chậm mà là sống đơn giản - đang là một xu hướng phát triển ở phương Tây.
Theo tác giả Dave Wampler, người sáng lập trang web Sống đơn giản (The Simple Living Network): “Sống giản đơn không có nghĩa là sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, hành xác, ép mình, mà chính là sống một cách có hiểu biết, biết chọn lựa và xây đắp những giá trị sống, biết những gì quan trọng phải tích lũy, nâng niu, và những gì cần từ bỏ".
Trish Sumerfield, giám đốc Trung tâm các giá trị sống TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn sống đơn giản bạn phải biết làm chết đi cái tôi, làm mất đi những thói hư, tật xấu”.
Thạc sĩ Phan Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia) chuyên viên tư vấn công ty tham vấn Kỹ năng sống, cho rằng:
Số đông các bạn lầm tưởng nếu có được vật chất, bằng cấp, địa vị... sẽ được mọi người ngưỡng mộ, tôn trọng. Họ quên mất hoặc không đầu tư đúng mức cho các giá trị nhân cách: sự trung thực, tình yêu thương, khoan dung...
Cách sống đó chưa giúp các bạn được là chính mình, và thực hiện được lý tưởng sống. Nhiều bạn trẻ tâm sự: có tiền, xinh đẹp, nhưng không thể có được sự quý mến của đồng nghiệp, và tình yêu lứa đôi thật sự...
Rèn luyện các giá trị bên trong, nâng cấp sức mạnh nội tâm là cách có được “nhiên liệu” để đầu tư vào các mối quan hệ, và đạt thành công trong sự nghiệp”.